Ông Obama choáng váng sau quyết định của Quốc hội Mỹ
Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu lật ngược phủ quyết của Tổng thống Barack Obama đối với dự luật Công lý chống hành động bảo trợ khủng bố (JASTA), cho phép gia đình các nạn nhân vụ khủng bố sự kiện 11/9 khởi kiện chính quyền Saudi Arabia.
Tổng thống Mỹ Barack Obama choáng váng sau quyết định lịch sử của Quốc hội liên quan tới luật JASTA. (Ảnh: AP).
Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận, việc cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ đồng loạt phủ quyết quyết định của ông đối với dự luật JASTA là “một tiền lệ nguy hiểm”, và rằng “tôi không mong đợi điều này”.
Người đứng đầu Nhà Trắng giải thích rằng, việc Quốc hội Mỹ bỏ phiếu lật ngược phủ quyết của ông có thể khiến các lợi ích, quân nhân và nhân viên tình báo Mỹ ở nước ngoài đối mặt không ít rủi ro.
Dự luật JASTA đã được Thượng viện Mỹ thông qua hồi tháng 5 và Hạ viện phê chuẩn ngày 9/9, cho phép thân nhân và gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong vụ khủng bố 11/9/2001 khởi kiện Saudi Arabia, song đã bị Tổng thống Obama phủ quyết hôm 23/9 vừa qua.
Tuy nhiên, ngày 28/9, Quốc hội Mỹ đã một lần nữa biểu quyết và chính thức vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống Barack Obama, với tỷ lệ áp đảo 338 phiếu thuận và 74 phiếu chống - vượt qua mức đa số 2/3 cần thiết theo luật định.
Trước đó cùng ngày, Thượng viện Mỹ cũng đã có cuộc bỏ phiếu tương tự với kết quả áp đảo gần như tuyệt đối 97 phiếu thuận và chỉ 1 phiếu chống.
Đây là lần đầu tiên Thượng viện Mỹ có đủ số phiếu cần thiết để vô hiệu hóa một quyết định phủ quyết trong hai nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama, và JASTA đã chính thức trở thành luật, và điều này cho phép thân nhân và gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong vụ khủng bố 11/9/2001 khởi kiện Saudi Arabia.
Quyết định của Quốc hội Mỹ được xem là một đòn giáng mạnh vào uy tín của Tổng thống Obama và chính quyền Saudi Arabia, đồng minh lâu đời nhất của Mỹ ở thế giới Arab. Bởi lẽ, sau khi JASTA có hiệu lực, quân đội, nhân viên tình báo, ngoại giao và công vụ Mỹ ngay lập tức có thể đối diện với các vụ kiện ở nước ngoài.
Ngoài ra, tài sản của chính quyền Mỹ ở nước ngoài cũng có nguy cơ bị tịch thu.
Tuy nhiên, đáp lại các lý giải trên, những nhà lập pháp Mỹ tuyên bố ưu tiên của họ không phải là Saudi Arabia mà là gia đình gần 3.000 nạn nhân vụ 11/9 đang đòi công lý.
Giới chức Mỹ tin rằng, 15/19 tên không tặc tham gia cuộc tấn công được xác định đến từ Saudi Arabia.