Mỹ: Hài lòng trong, vướng mắc ngoài

Thiên Nhai 30/09/2016 09:35

Lưỡng viện lập pháp Mỹ đã bác bỏ sự phủ quyết của tổng thống Mỹ Barack Obama đối với dự luật cho phép công dân Mỹ khởi kiện nhà nước Saudi Arabia về trách nhiệm liên đới tới những cuộc tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11/9/2001 và do đó luật này có hiệu lực.

Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở New York bốc cháy sau khi bị một máy bay lao vào ngày 11/9/2001. Ảnh: Reuters.

Năm tuần trước ngày bầu cử tổng thống mới ở Mỹ và bốn tháng trước khi rời nhiệm sở, ông Obama nhận về một thất bại không nhỏ về đối nội.

Cho tới nay, ông Obama đã 12 lần sử dụng quyền phủ quyết của tổng thống để bác bỏ dự luật đã được quốc hội Mỹ thông qua và lần đầu tiên bị quốc hội dùng đa số ít nhất hai phần ba để vô hiệu hoá sự phủ quyết của tổng thống.

Điều cay đắng đối với ông Obama không phải là sự phủ quyết của mình bị quốc hội phủ quyết mà là đa số vượt xa đa số hai phần ba dân biểu trong quốc hội, lại còn cả rất nhiều dân biểu thuộc Đảng Dân chủ của ông Obama, ủng hộ luật này.

Saudi Arabia là một trong những đồng minh chiến lược truyền thống của Mỹ từ bao lâu nay trên thế giới và là một trong những đối tác quan trọng nhất của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế và những lực lượng Hồi giáo cực đoan thù địch Mỹ.

Dù vậy, ở Mỹ vẫn dai dẳng tồn tại dòng quan điểm cho rằng nếu không có sự hậu thuẫn hoặc dung chấp trực tiếp hoặc gián tiếp của chính phủ Saudi Arabia và cả một vài vương triều Hồi giáo khác nữa ở vùng Vịnh thì nước Mỹ không thể bị tấn công khủng bố ngày 11/9/2001.

Chẳng gì thì 15 trong tổng số 19 thủ phạm gây ra các vụ tấn công kia là công dân Saudi Arabia. Các vị dân biểu trong quốc hội Mỹ nhìn vào tâm trạng đó của người Mỹ khi đưa ra và thông qua luật này. Tác dụng đối nội và tâm lý của luật này rất lớn. Nó giúp rất nhiều vị tái cử trong các cuộc bầu cử quốc hội tới.

Nhưng nó sẽ gây thêm khúc mắc cho nước Mỹ ở bên ngoài. Saudi Arabia và các thành viên của tổ chức Hội đồng hợp tác vùng Vịnh chắc chắn không thể hài lòng, sẽ có những biện pháp đối phó gây bất lợi cho Mỹ, sẽ dùng những công cụ khác để gây áp lực với Mỹ.

Quan hệ hợp tác mọi mặt của Mỹ với các nước này không thể không bị ảnh hưởng xấu. Tiền lệ này rất dễ đưa đến khả năng chính Mỹ sẽ bị người nước ngoài khởi kiện về hành động của quân Mỹ và người Mỹ ở nước ngoài.

Ông Obama không phải lo tái cử như các vị dân biểu và lo cái mà các vị dân biểu không quan tâm.

Thiên Nhai