Đức không còn là 'thiên đường' của người di cư
Tháng 9/2015, khi mỗi ngày có đến hàng nghìn người di cư đổ về châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel từng tuyên bố chính sách tiếp nhận “không giới hạn” người di cư vào nước này. Lời cam kết đó, cùng với một số các lợi ích hỗ trợ người di cư hào phóng nhất thế giới, đã biến Đức trở thành “thiên đường” của người di cư.
Cảnh sát Đức tuần tra tại các chuyến tàu để ngăn chặn người di cư không hợp lệ vào nước họ. (Nguồn: WashingtonPost).
Thế nhưng đến năm nay, mọi chuyện đã bắt đầu thay đổi. Kể từ hồi tháng Ba, các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn ở các nước Balkan, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã làm giảm mạnh số người di cư đến. Nhưng mỗi tuần vẫn có hàng trăm người di cư - chủ yếu đến từ Syria, Iraq, Afghanistan và châu Phi - vẫn tìm cách vào Đức.
Vì lý do này, quốc gia từng tiếp nhận số lượng người di cư nhiều hơn tất thảy các nước châu Âu gộp lại đang cố gắng thắt chặt quy định tiếp nhận người di cư. Hồi tháng 8 vừa qua, Đức đã từ chối tiếp nhận từ 1.700-2.300 (hay 46%) người di cư mà họ chặn lại gần biên giới với Áo. Trước đó, trong tháng Một, con số này chỉ là 7%.
Giới chức Đức nói rằng, nhờ số lượng người di cư đến ít hơn mà họ có thể thực hiện việc thẩm vấn hiệu quả hơn, từ đó giúp ngăn chặn những trường hợp di cư vì mục đích kinh tế hay những kẻ cơ hội. Nhưng giới phê bình cho rằng chính sách này lại gây ra thực trạng rằng những người có đủ điều kiện xin tị nạn ở Đức không có cơ hội đến nước này, trong khi phần lớn họ đã có gia đình và người thân ở Đức và đang cố gắng đoàn tụ.
Thông điệp mà nước Đức đưa ra trong thời điểm hiện tại rất rõ ràng: Cổng “thiên đường” không còn rộng mở như trước kia nữa.
Điều này xảy ra sau khi Đức ngập đầu trong việc xử lý đơn xin tị nạn của hàng trăm nghìn người di cư. Hồi năm ngoái, họ đã phải chi 5,91 tỷ USD để cung cấp viện trợ và nhà ở cho người di cư, tăng gấp đôi so với năm 2014. Căng thẳng trong nước cũng gia tăng giữa những người theo đảng cánh hữu và người di cư, đó là còn chưa kể có ít nhất 60 trường hợp người di cư bị phát hiện có tư tưởng ủng hộ phiến quân Hồi giáo.
Và nguyên nhân quan trọng nhất là: Đảng Liên minh Dân chủ Công giáo của bà Merkel đang hứng chịu những thất bại to lớn về mặt chính trị do quan điểm về người di cư của mình, thất bại trong một loạt các vòng bầu cử ở địa phương và để mất nhiều cử tri… điều này đã khiến bà Merkel phải thừa nhận sai lầm.
“Nếu có thể tôi sẽ quay ngược thời gian nhiều năm trước để chuẩn bị tốt hơn cho bản thân, cho cả chính phủ và tất cả những người có trách nhiệm, để đối phó với tình trạng đã bất ngờ xuất hiện từ cuối mùa hè năm 2015” - bà Merkel nói trong một phát biểu mới đây.
Đức hiện đang khước từ đến hơn 1/3 số đơn xin tị nạn mà những người đã đến Đức nộp, và đang cố gắng đàm phán đưa người di cư trở về đất nước quê hương của họ như Afghanistan. Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere thậm chí còn đề xuất rằng Đức sẽ gửi trả lại người di cư tới Hy Lạp, nơi khởi điểm của họ khi tới châu Âu.
Tại thành phố Salzburg - nơi sinh của thiên tài âm nhạc Mozart, và năm ngoái đã biến thành cửa khẩu chính tiếp nhận người di cư ở Đức - lực lượng cảnh sát đã bắt đầu chiến dịch kiểm soát của họ. Kể từ tháng 6 vừa qua, cảnh sát bắt đầu lên các tuyến tàu hỏa tại đây để ngăn chặn những người di cư không hợp lệ đến từ Áo.
Một số người di cư bị bắt giữ tạm thời tại các trại giam ở Áo. Phần lớn đều được cho 14 ngày để trở về nước sở tại hoặc đệ đơn xin diện tị nạn ở nước này. Số còn lại thì bị đẩy về các nước như Italy hay Slovenia.
Shakira Sarwazi là một trong số những người bị cảnh sát Đức chặn lại trên một chuyến tàu ở Salzburg và bị dẫn vào một căn phòng tạm giữ để thẩm vấn. Tại đây, Shakira được lấy dấu vân tay điện tử và phải ký vào một văn bản trong đó nêu rõ rằng cô đã bị từ chối vào lãnh thổ Đức.
Shakira cố gắng giải thích với cảnh sát, nói rằng chồng của cô đã ở trong nước Đức rồi và cô đang cố gắng đoàn tụ với gia đình ở đây. “Tôi muốn đến Đức, chồng tôi ở đó”, Shakira nói với tờ Bild.
“Cô không thể đến được” - một sỹ quan giải thích - “Theo luật pháp châu Âu”. Người này cũng nói thêm rằng cô sẽ phải ở lại Áo.
Chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ, Shakira đã được giao cho cảnh sát Áo để tiếp tục thẩm vấn. Và đến sáng hôm sau, như bao người di cư khác, Shakira nhận được lệnh phải rời khỏi quốc gia này hoặc đệ đơn xin diện tị nạn ở Áo.
Một số chính trị gia ở Áo mới đây đã phàn nàn rằng chính sách hiện tại của Đức đã khiến họ phải xử lý nhiều người di cư hơn ở cửa ngõ của mình, trong khi bản thân nước họ cũng đang phải cố gắng đàm phán gửi bớt người di cư trở về Italy và Slovenia.