Nâng cao năng lực giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục: Trọng tâm của đổi mới

P. Linh 01/10/2016 10:15

Để đáp ứng cho mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên và các nhà quản lý giáo dục, ngày 30/9, Học viện Quản lý giáo dục tổ chức Hội thảo quốc tế 2016: “Phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, xu hướng Việt Nam và thế giới”.

Nâng cao năng lực giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục: Trọng tâm của đổi mới

Quang cảnh cuộc Hội thảo.

Nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới giáo dục

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS TS Lê Trọng Hùng-Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ GD&ĐT) chia sẻ: Ngành GD&ĐT đang quyết tâm thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm quan trọng trong giai đoạn tới. Những nội dung đưa ra tại hội thảo chính là giải quyết 2 nhiệm vụ quan trọng, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Thứ nhất là nâng cao năng lực của giáo viên, giảng viên trong các cơ sở giáo dục ĐH, được coi là nhiệm vụ quan trọng đầu tiên trong 9 nhiệm vụ mà Bộ trưởng đã ký để toàn ngành triển khai, nhằm thực hiện thành công đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo. Nội dung thứ hai là về hội nhập quốc tế, cũng là 1 trong 9 nhiệm vụ của ngành.

TS Michel Welmond-Văn phòng quốc gia Việt Nam, Ngân hàng thế giới chia sẻ: Hiện nay, Việt Nam đã trở thành đất nước có tầng lớp thu nhập trung bình đô thị tăng lên, theo đó đối với hệ thống giáo dục cũng phải cao hơn. Đòi hỏi phải có nguồn vốn con người tốt hơn để đảm bảo phát triển xã hội. Tuy nhiên, bức tranh giáo dục hiện vẫn còn hỗn hợp.

Ở những cấp cao như THPT và CĐ, ĐH mặc dù có nền tảng nhưng không khai thác hết, không tạo được hệ thống giáo dục hoàn thiện. Vì thế, cần đổi mới, nâng cao chất lượng giúp người học đạt hiệu quả tốt hơn, thích ứng thay đổi trong nơi làm việc.

Muốn thực hiện điều đó, theo TS Michel Welmond,yêu cầu về đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý rất quan trọng. Kỳ vọng mà chúng ta đặt ra với học sinh, sinh viên ngày càng cao, muốn các em tự chủ hơn, áp dụng được kỹ năng trong môi trường thay đổi nhanh chóng, có khả năng tự tạo ra kiến thức, thì với giáo viên cũng phải có những đòi hỏi như vậy…

Giải pháp ưu tiên cho phát triển

Với giáo dục ĐH, chuyên nghiệp, PGS TS Lê Phước Minh- Phó Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục nhận định: Trong quá trình hội nhập sâu hơn với nền kinh tế khu vực và toàn cầu thì Việt Nam cần phải nhấn mạnh vào tăng trưởng theo chiều sâu mà ở đó chất lượng, vốn, nhân lực ngày càng đóng vai trò quan trọng.

Trong khi năng lực tài chính và quản lý còn nhiều hạn chế thì không nên làm quá nhiều việc một lúc mà cần phải lựa chọn các giải pháp ưu tiên, cụ thể: Mục tiêu kép đầu tư cho giáo dục ĐH là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tích lũy tri thức; Đầu tư cho giáo dục ĐH nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất dịch vụ và nâng cao năng suất lao động; Đầu tư nâng cao chất lượng, đồng thời thực hiện phân tầng trong giáo dục ĐH.

Về điều này, ThS Nguyễn Thị Kim Oanh-ĐH Sư phạm Hà Nội cũng đưa ra kiến nghị: Cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ tư duy nhận thức xã hội đến đổi mới nội dung phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên ĐH. Đồng thời tạo môi trường, điều kiện và động lực nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên.

Còn với giáo dục phổ thông, những tham luận tại Hội thảo tập trung bàn về việc phát triển chương trình môn học, phát huy tính sáng tạo của học sinh. Cũng như việc phát triển và thực hiện khung năng lực cho giáo viên, với các yêu cầu về trình độ, kỹ thuật, thuộc tính và môi trường học tập tích cực ảnh hưởng đến quá trình giảng dạy…

Đa số các chuyên gia tại Hội thảo nhận định rằng: Trong xu hướng đổi mới giáo dục, để đảm bảo hoàn thành mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông với các phát triển hệ thống năng lực mà trong đó năng lực tự học, tự phát triển là trọng tâm thì giáo viên không chỉ đóng vai trò người truyền đạt tri thức mà phải là người tổ chức hoạt động tìm tòi chiếm lĩnh tri thức.

Vì thế giáo viên phải tự học, tự phát triển nghề nghiệp thường xuyên, mới đáp ứng được đổi mới giáo dục phổ thông. Chất lượng và hiệu quả giáo dục do chính giáo viên là người quyết định.

P. Linh