Cú hích cho du lịch miền Trung
Có thế mạnh du lịch biển với những bãi tắm đẹp trải dài, số lượng di tích văn hóa và danh thắng thiên nhiên phong phú, nhưng nhiều năm qua hoạt động du lịch các tỉnh miền Trung vẫn thiếu sự liên kết. Đã có một hội nghị chuyên đề về tìm giải pháp cho du lịch miền Trung được tổ chức cách đây ít lâu. Theo đó giải pháp được đưa ra là các địa phương khu vực miền Trung cần sớm bắt tay hợp tác để du lịch phát triển chuyên nghiệp, bền vững hơn.
Bãi biển Nhật Lệ, Quảng Bình.
Thiếu liên kết vùng
Xét ở phạm vi rộng, vùng du lịch Bắc-Nam Trung Bộ có nhiều bãi biển đẹp, vịnh trong xanh, nhiều đảo ven bờ như: Sầm Sơn, Cửa Lò, Mỹ Khê, Vĩnh Hy... Đây cũng là nơi tập trung nhiều di sản văn hóa nổi tiếng như Thành nhà Hồ, cố đô Huế, phố cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn... Và di sản thiên nhiên như Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, Pù Mát, Bạch Mã, Vũ Quang...
Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch (Bộ VHTT&DL) khu vực Bắc - Nam Trung Bộ có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển du lịch Việt Nam. Đây được xem là địa bàn chiến lược của du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Khu vực này là địa bàn phát triển các dòng sản phẩm du lịch đặc trưng như: du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái tự nhiên. Đây cũng chính là 3 dòng sản phẩm chiến lược của du lịch Việt Nam và với những tiềm năng sẵn có, các dòng sản phẩm này có thể tạo nên thương hiệu du lịch quốc gia.
Nhưng từ thực tế phát triển du lịch thời gian qua ở các địa phương ven biển miền Trung, PGS TS Trần Đình Thiên- Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định: Du lịch vùng Bắc-Nam Trung Bộ lâu nay có phát triển, nhưng manh mún, trong thế chia cắt, cục bộ địa phương, thiếu sự liên kết và hầu như không có trọng điểm đột phá nên thiếu sức lan tỏa. Chính vì thế, đã đến lúc cần nghĩ tới việc thống nhất hoạt động du lịch trong khu vực. Có như thế, chúng ta mới tạo nên được những sản phẩm du lịch đẳng cấp, bắt kịp với xu hướng chuyển dịch của hoạt động du lịch trên thế giới”.
Còn PGS TS Phạm Trung Lương- nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch phân tích: Hàng năm cứ đến mùa hè, các tỉnh duyên hải miền Trung lại rộn ràng lễ hội: Festival Huế, Festival biển Ðà Nẵng, Liên hoan Du lịch Bà Nà, Festival biển Nha Trang, Festival Tây Sơn - Bình Ðịnh...
Mỗi địa phương làm một cách và chẳng “ngó ngàng” gì đến nhau. Đã thế nhiều tỉnh, thành nằm sát nhau nhưng khi tổ chức các sự kiện thì thiếu sự phối hợp, chồng chéo.
Đơn cử như có lúc, tại Quảng Nam có lễ hội “Hội An - Cảm xúc mùa hè” thì tại Thừa Thiên - Huế lại có “Lăng Cô - Huyền thoại biển”. Festival Huế diễn ra nửa tháng với hàng chục đoàn nghệ thuật đến từ các quốc gia, vậy mà tại Ðà Nẵng - điểm đến của miền Trung - lại không có một băng-rôn, tờ rơi nào giới thiệu”…
Xóa thế đơn độc
Theo ý kiến của các nhà chuyên môn, cần có sự đổi mới về nhận thức theo hướng mở rộng không gian du lịch vùng Bắc-Nam Trung Bộ thành một thực thể thống nhất là du lịch miền Trung.
Có như vậy, mới thúc đẩy được sự liên kết một cách thực chất đối với các địa phương trong vùng. Chẳng hạn, du lịch miền Trung sẽ tạo ra những tour tuyến mới mang tính chất liên vùng như: du lịch di sản từ Thanh Hóa đến Quảng Nam; du lịch tâm linh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế; du lịch biển đảo từ Đà Nẵng đến Bình Thuận với Khánh Hòa làm điểm nhấn...
Việc thống nhất không gian du lịch miền Trung sẽ giúp các tỉnh, thành trong khu vực xây dựng được quy hoạch du lịch của mình vừa phát huy được lợi thế với sản phẩm đặc thù mà không bị trùng lắp, sao chép.
Đến khi đó, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch sẽ được các địa phương thực hiện một cách đồng bộ. Tức là để du lịch miền Trung phát triển, phải có nhạc trưởng điều phối.
Trước thực trạng du lịch miền Trung phát triển manh mún bao lâu nay, lãnh đạo Bộ VHTT&DL cũng khẳng định rằng dù tiềm năng phát triển du lịch của khu vực Bắc-Nam Trung Bộ là rất lớn, song du lịch Việt Nam chưa được biết đến rộng rãi như một quốc gia mạnh về du lịch biển hay về những trải nghiệm đặc sắc của du lịch văn hóa.
Tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch của vùng này chưa được khai thác, phát huy. Do đó để phát triển du lịch các địa phương trong khu vực miền Trung, cần có sự liên kết, có chiến lược phát triển lâu dài, bền vững.
Được biết mới đây, các địa phương ở khu vực miền Trung đã cùng nhau ký cam kết hợp tác toàn diện nhằm khai thác hợp lý tiềm năng du lịch của vùng. Theo đó, mỗi địa phương có trách nhiệm chia sẻ về tình hình thị trường khách, các chính sách riêng đối với cộng đồng doanh nghiệp.
Trong vấn đề phát triển sản phẩm, các bên cam kết xây dựng và thực thi kế hoạch hợp tác sản phẩm liên vùng.
Trước mắt sẽ là các chương trình du lịch liên vùng, tổ chức các sự kiện du lịch trong khu vực, hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành xây dựng các chương trình du lịch phù hợp…
Dẫu vậy, tìm giải pháp phát triển du lịch miền Trung, nhất là 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế ở giai đoạn hiện nay đang là một bài toán khó. Hay nói một cách khác, việc khơi gợi ý tưởng phát triển du lịch miền Trung-ngay cả với mục đích giúp người dân ở vùng ảnh hưởng bởi sự cố Formosa có cơ hội công ăn, việc làm, nguồn thu từ du lịch... cũng nên được cân nhắc cho phù hợp.
Thậm chí ngay cả tên gọi của một sản phẩm du lịch- cũng góp phần quyết định rằng nó có được cộng đồng ủng hộ, chia sẻ và chung tay hay không.