Về vựa bưởi Phúc Trạch

Hạnh Nguyên 01/10/2016 12:16

Một mùa bưởi bội thu nữa lại về với người dân vùng sơn cước Hương Khê (Hà Tĩnh). Nhưng điệp khúc “được mùa – mất giá” vẫn bám riết lấy người nông dân. Trong khi đó thương hiệu bưởi Phúc Trạch được dày công xây dựng bấy lâu, nay lại mang nỗi lo đau đáu khi bưởi được trồng tràn lan, khách hàng khó lòng chọn được bưởi Phúc Trạch chính hãng.

Về vựa bưởi Phúc Trạch

Một mùa bưởi bội thu lại về với người dân vùng sơn cước Hương Khê.

Mùa vàng

Chúng tôi về thủ phủ bưởi Phúc Trạch (xã Phúc Trạch, Hương Khê) vào đúng kỳ chính vụ. Những đống bưởi chất cao ngất dọc Quốc lộ 15A là tín hiệu của một “mùa vàng” đã đến với người nông dân. Còn tại xã Phúc Trạch, đi đâu cũng bắt gặp những cây bưởi sum suê, trĩu quả. Dọc những con đường liên thôn ở xã nông thôn mới Phúc Trạch những cây bưởi chín nhuộm vàng ươm cả làng.

Nằm ngay con đường trục chính của xã những ngày qua gia đình bà Phạm Thị Hương (xóm 4) đón không ít thương lái đến mua bưởi. Tiếp chúng tôi với nét mặt rạng rỡ, sau khi rót cốc nước chè xanh mời khách, bà Hương vồn vã nói: “Năm nay bưởi được mùa lắm các chị ạ. Tuy ra hoa và chín muộn hơn so với những năm khác nhưng được cái là sai quả.

Từ đầu tháng 8 đến nay, các thương lái vào tận vườn thu mua. Thương lái thường mua cả cây, trực tiếp hái tại vườn chứ không mua quả đã hái nên chúng tôi không phải lo chạy vạy đi bán lẻ như mọi năm nữa”.

Vườn bưởi của chị Hương chỉ độ trăm gốc nhưng cho thu nhập rất khá. Mỗi năm một mùa nhưng cũng đủ để trang trải cho cuộc sống của cả gia đình.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thanh (xóm 4) là một trong những hộ có diện tích trồng bưởi nhiều nhất ở xã Phúc Trạch. Nhờ biết cách thụ phấn bổ sung nên năm nay cây bưởi vườn chị có tỷ lệ đậu quả rất cao nhưng quả bưởi lại nhỏ hơn so với mọi năm.

“Năm nay được mùa hơn hẳn năm ngoái nhưng quả lại hơi nhỏ. Gia đình tôi trồng hơn 600 cây bưởi, trong đó hơn 200 cây đã cho quả. Ước tính mùa này có khoảng 7.000 quả, thu nhập gần 400 triệu đồng. Tất cả được thương lái thu mua tại nhà”.

Theo quan sát của chúng tôi, thương lái đổ về đây thu mua bưởi khá nhiều. Những chiếc xe tải và bao hàng đang chờ sẵn để đưa bưởi ra các thị trường trong nước. Được biết, giá mỗi quả bưởi loại I dao động từ 80-100 ngàn/quả, loại II từ 50-80 ngàn/quả, loại III thì dưới 50 ngàn.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Hương Khê hiện có gần 2.000 ha trồng bưởi Phúc Trạch, trong đó có 800 ha cho quả, sản lượng năm 2016 dự kiến đạt khoảng 8.000 tấn. Các xã có sản lượng lớn là xã Phúc Trạch, Hương Trạch, Lộc Yên và Hương Đô.

Được mùa-mất giá

Tiếp cận một số thương lái đang thu mua bưởi ở Phúc Trạch chúng tôi được biết, do năm nay bưởi nhiều nên dễ mua nhưng các đơn vị đầu mối mua với giá thấp nên họ phải mua của người dân với giá thấp. Hơn nữa, bưởi năm nay quả nhỏ hơn nhiều so với mọi năm, sau khi phân loại, loại I chỉ chiếm khoảng 40% còn số lượng bưởi nhỏ, giá dưới 30 nghìn đồng/quả rất nhiều.

Ông Trần Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch cho biết: bưởi Phúc Trạch là loại cây kinh tế chủ lực của xã góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng này. Năm nay bưởi Phúc Trạch được mùa nhất từ trước đến nay, tuy nhiên người dân chưa thực sự vui do bưởi rớt giá mạnh, giảm khoảng 20% so với năm ngoái. Năm ngoái quả được ít nhưng giá lại cao và chất lượng quả cũng cao hơn, tổng thu nhập do cây bưởi mang lại khoảng 18 tỉ đồng.

“Điều đáng lo ngại nhất hiện nay đối với bưởi Phúc Trạch đó là thương hiệu. Tỉnh có nhiều chính sách phát triển thương hiệu bưởi Phúc Trạch, thực tế chỉ có 4 xã trồng loại bưởi này đạt chất lượng tốt nhất là Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Đô, Lộc Yên nhưng hiện nay bưởi được trồng tràn lan ở tất cả 22 xã, thị trên toàn huyện nên thương hiệu bưởi Phúc Trạch bị mai một dần”, ông Khánh chia sẻ.

Dù bưởi Phúc Trạch đã có thương hiệu và chỉ dẫn địa lý nhưng thị trường chưa nhiều. Việc liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ bưởi còn rất hạn chế, hiện mới chỉ có 1 doanh nghiệp (Tân Thanh Phong, xã Phúc Trạch) thực hiện ký kết hợp đồng tiêu thụ với người dân.

Tuy nhiên, với sản lượng hơn 8.000 tấn mỗi năm thì doanh nghiệp chỉ mới đảm bảo tiêu thụ được một phần nhỏ, còn lại, chủ yếu vẫn dựa vào tư thương. Chính vì vậy, cung lớn hơn cầu và điệp khúc được mùa, rớt giá vẫn diễn ra.

Hạnh Nguyên