Không để người dân tái nghèo
Sáng 1/10 tại tỉnh Điện Biên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự hội nghị tổng kết dự án di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La năm 2001-2016. Tham dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các bộ, ngành và 3 tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án Thủy điện Sơn La, để nhường đất cho nhà máy thủy điện có công suất lớn nhất Đông Nam Á, số dân phải di chuyển, bố trí tái định cư lớn nhất nước ta từ trước tới nay, với 20.340 hộ và 93.201 người của 248 bản, tổ dân phố, 31 xã, phường, 8 huyện, thị xã của 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Sau 15 năm thực hiện, đến nay dự án di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La đã cơ bản hoàn thành, góp phần đưa Nhà máy Thủy điện Sơn La vào hoạt động vượt tiến độ 3 năm.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tri ân sự đóng góp quý báu cho dự án công trình Thủy điện Sơn La của các thế hệ cán bộ, lãnh đạo Trung ương, địa phương và nhân dân 3 tỉnh đã rời quê hương, nhường đất cho dự án.
Thủ tướng lưu ý, “đây không phải là cuộc tổng kết, đánh giá cuối cùng đối với công tác tái định cư mà công tác này còn lâu dài, bền vững, không để người dân tái nghèo”. Thủ tướng nhấn mạnh, điều quan trọng là lo sinh kế cho người dân, lo giáo dục, đào tạo cho lớp trẻ để có kiến thức phát triển, hội nhập và giàu có; đồng thời yêu cầu nhìn thẳng vào mặt tồn tại, bất cập để tập trung khắc phục, để hơn 93.000 người dân tái định cư có cuộc sống lâu bền trong thời gian tới. Thủ tướng nhấn mạnh làm sao “đồng bào cùng no ấm mới quan trọng chứ không chỉ một số người no ấm”.
Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo Nhà nước và các tỉnh phải nghiêm túc nhìn nhận, quyết tâm khắc phục hạn chế, đánh giá về cuộc sống của đồng bào tái định cư phải thực sự khoa học, khách quan, có như vậy mới thấy hết được những gì là hạn chế, yếu kém để có phương hướng khắc phục thực sự. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quan tâm hơn nữa về hạ tầng xã hội, nhất là đào tạo lao động, giải quyết việc làm, tư vấn, hỗ trợ đồng bào sản xuất, kinh doanh, giữ gìn văn hóa, bản sắc dân tộc tốt đẹp, chứ không chỉ quan tâm về kinh tế. “Phải trao cần câu chứ không phải con cá, để đồng bào năng động hơn, không để khi người dân hết gạo, hết tiền lại tái nghèo”- Thủ tướng nhấn mạnh.