3 cán bộ công an hàm oan 38 năm

Sáu Nghệ 03/10/2016 06:30

Viện KSND và Công an thành phố Cần Thơ đang tiếp tục làm việc về vụ bắt giam oan sai 3 cán bộ công an 38 năm trước và đang xin hướng dẫn của cấp trên việc giải quyết.

Ông Tấn (phải) và ông Dồi ôm đơn kêu oan ở Cần Thơ. Ảnh: Sáu Nghệ.

Vụ bắt giam oan sai

Cuối năm trước, ông Đinh Trung Tấn sinh năm 1939, ở xã Liêu Tú (Trần Đề, Sóc Trăng) có đơn kêu oan nên vụ việc mới bắt đầu được xem xét.

Đây là vụ án từng rúng động tỉnh Hậu Giang trước đây. Đêm 29/4/1978, Thượng úy, Phó trưởng Công an thành phố Cần Thơ, ông Hai Thông, bị bắn chết khi đang chạy xe máy trên đường phố. Hồi đó, thành phố Cần Thơ là cấp huyện của tỉnh Hậu Giang cũ (gồm tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ hiện nay).

Mấy ngày sau, đêm 1/5/1978, ông Đinh Trung Tấn cũng là thượng úy, Đội trưởng của Công an thành phố Cần Thơ, bị bắt tại nhà vì tình nghi chủ mưu vụ ám sát. Ông Tấn tham gia cách mạng từ năm 1960, có nhiều thành tích trong chiến đấu, khi bị bắt đã gây hoang mang dư luận địa phương.

Còn ông Dồi và Sơn bị bắt vì nghi là đồng phạm.

Ông Dồi lúc ấy vừa rời chức vụ ở một phường của thành phố Cần Thơ, được điều lên công tác ở bộ phận Thể dục Thể thao Công an thành phố.

Ông Sơn tham gia ngành an ninh từ năm 1968, trải nhiều chức vụ với nhiều thành tích, lúc bị bắt là thiếu úy ở Đội trinh sát Bảo vệ Chính trị của Công an thành phố Cần Thơ.

Người ký lệnh bắt 3 ông là Trưởng công an thành phố Nguyễn Tấn Lộc.

Sau đó, điều tra không kết luận được các ông phạm tội, các ông đều có chứng cứ ngoại phạm. Các cấp từ tỉnh Hậu Giang cũ đến Bộ Nội vụ (Bộ Công an bây giờ), cử cán bộ xuống xem xét, cũng kết luận các ông không liên quan vụ giết ông Hai Thông, nên các ông được thả.

Ông Tấn bị giam 6 tháng 20 ngày, ông Sơn 18 tháng, ông Dồi 19 tháng 15 ngày. Thời gian giam mỗi người khác nhau. Do bắt tùy tiện không qua Viện kiểm sát nên thả cũng tùy tiện, khi cấp trên đã kết luận các ông không phạm tội nhưng vẫn chưa được thả.

Người ký “quyết định trả lại tự do” cho các ông là đại tá Nguyễn Ngọc Như, Phó trưởng ty Công an tỉnh Hậu Giang cũ, nay nghỉ hưu ở phường Ngã Bảy (thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) cho biết, Phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh báo cáo các ông không có tội, bị bắt oan “nên tôi ký quyết định trả tự do”.

Mong được giải oan

Sau hơn tháng được trả tự do, đòi phục hồi quyền lợi không có kết quả, ở trọ đói khát, lại sợ bị trả thù nên ông Tấn về quê sống nhờ anh em. Gia đình ông có 5 anh em, trong đó 2 người là liệt sỹ, 3 người là thương binh. Sau này, mẹ của ông được phong tặng Bà mẹ VNAH. Ở quê, ông lấy vợ có 4 con, làm ăn vất vả.

Gần đây, nhờ đồng đội cũ giúp đỡ, ông được trợ cấp thương binh hạng 4/4, hưởng thêm trợ cấp người có công với nước, là nông dân sản xuất giỏi được UBND tỉnh Sóc Trăng tặng bằng khen. Ông Tấn còn có 8 năm làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Liêu Tú.

Ông Dồi ra tù về quê là xã Nhơn Nghĩa (Phong Điền, Cần Thơ), một vùng căn cứ kháng chiến cũ, không chịu nổi dư luận chê trách nên lang thang làm mướn. Năm 1986, ông được cho vào làm việc tại Phòng Hậu cần Công an tỉnh Hậu Giang cũ, nhưng quyền lợi vẫn không được phục hồi, mặc cảm và đau buồn, năm 1990 ông nghỉ.

Từ đó, ông đưa vợ đi làm mướn khắp ĐBSCL, trong hành trình lang bạt sinh được 5 người con. Cuộc sống nghèo khổ, các con sinh ra chỉ học hết cấp 2, cũng phải ở trọ, làm mướn. Năm 2013, con cái làm ăn gặp may có dư dả đã cất cho ông căn nhà cấp 4 ở một con hẻm nhỏ của phường 4 (Vị Thanh, Hậu Giang), từ đó vợ chồng ông mới thoát cảnh ở trọ.

Còn ông Sơn, ra tù, về quê với xấp giấy chứng nhận Huân chương Quyết thắng, Danh hiệu Dũng sỹ Quyết thắng và giấy khen trong chiến tranh nhưng cũng không xua được tiếng xấu “bị tù”. Vợ ông lại theo người khác.

Cha mẹ cho ông 6 công ruộng, ông lầm lũi làm rồi có vợ con, cất được nhà tường. Về sau, nhờ dân làng và đồng đội cũ giúp đỡ. Mấy năm nay, ông làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp.

Cuộc sống đói nghèo sau gần 40 năm cũng qua, còn nỗi đau oan sai thì vẫn dai dẳng. Cuối năm ngoái, ông Tấn có đơn kêu oan, được Công an Cần Thơ làm việc và báo chí biết được, lên tiếng. Lúc đó, vẫn chưa rõ ông Dồi và ông Sơn phiêu dạt nơi nào, còn sống hay đã mất. Nhờ công an giúp đỡ, họ đã tìm được nhau.

Sáu Nghệ