Gian nan gắn kết du lịch và làng nghề
Nguồn tài nguyên du lịch làng nghề truyền thống chỉ đang khai thác ở khía cạnh là điểm đến đặc trưng của Việt Nam. Trong khi đó, chức năng sản xuất hàng hóa phục vụ du lịch vẫn chưa được khai thác hiệu quả.
Du lịch làng nghề đang phát triển chưa xứng tầm với tiềm năng. Ảnh: Hồng Hạnh.
Đó là nhìn nhận của các chuyên gia tại buổi Hội thảo “Làng nghề Việt Nam với phát triển du lịch và hội nhập quốc tế” vừa diễn ra tại Hà Nội.
Đơn điệu sản phẩm
Hiện nay cả nước có hơn 5.000 làng nghề và làng có nghề. Tại các làng nghề chưa có những điều kiện để trình diễn, dịch vụ phục vụ khách tham quan.
Theo ông Nguyễn Vi Khải- Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Làng nghề Việt Nam: “Bất cập của hoạt động du lịch làng nghề ở nổi lên hàng đầu là thiếu chiến lược lâu dài. Nguồn lực chuyên nghiệp cho du lịch tại các làng nghề còn thiếu và yếu hẳn như không được chú ý từ các cấp, bản thân làng nghề chưa đủ kỹ năng khai thác du lịch du lịch làng nghề. Sản phẩm làng nghề tuy nhiều, phong phú nhưng sức cạnh tranh kém, ít sản phẩm có thương hiệu mang tầm quốc gia và quốc tế”.
Cũng theo ông Khải, du lịch làng nghề phần lớn mang tính tự phát. Chính vì nguyên nhân này nên hiệu quả chưa cao. Nhiều địa phương chưa có chủ trương, cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển du lịch làng nghề, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ không bảo đảm cho du lịch. Đơn cử, nhiều làng nghề nổi tiếng như Phú Xuyên, Đa Sỹ, Hoài Đức (Hà Nội)… đường đi vào xuống cấp trầm trọng, đường vào làng vẫn chưa được hoàn thiện.
“Đặc biệt, môi trường nhiều làng nghề bị ô nhiễm trầm trọng. Một số làng nghề chế biến thực phẩm bị ô nhiễm không khí, mùi hôi thối, nồng nặc, ruồi nhặng bám ngay từ cổng làng. Có lẽ du khách không thể đến lần thứ hai”- ông Khải cho hay.
Bên cạnh đó, các sản phẩm của du lịch làng nghề hiện còn đơn điệu, chưa tính đầy đủ tới nhu cầu của thị trường.
Theo phân tích của các chuyên gia, các làng nghề ở Hà Nội như gốm Bát Tràng, gỗ Đồng Kỵ, sơn mài Hạ Thái… có thể nói đã “ăn nên làm ra” nhờ xuất khẩu các đồ mỹ nghệ, nhưng việc “xuất khẩu tại chỗ” cho khách du lịch lại không được lưu tâm.
Du lịch làng nghề được đầu tư các cửa hàng bày bán đồ thủ công mỹ nghệ những lại bày bán cho du khách chính những mặt hàng bán ra thị trường tiêu dùng. Trong khi, nhu cầu của của hai thị trường là hoàn toàn khác nhau.
Học hỏi kinh nghiệm
Có thể thấy, vấn đề phát triển, quảng bá du lịch làng nghề đã khó thì gìn giữ được bản sắc những nét tinh hoa của làng nghề cũng như môi trường sống của người dân còn khó hơn rất nhiều.
Ở đó, để giải quyết những vướng mắc, TS. Tôn Gia Hóa- Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam nhận định: “Mỗi ngành nghề, mỗi sản phẩm đều có lịch sử lâu dài, xuất xứ gắn kết mật thiết với đời sống xã hội. Mỗi người thợ thủ công nên có đầy đủ kiến thức về những điều đó. Du khách sẽ dễ dàng tìm hiểu nếu ở mỗi khu vực có những phòng trưng bày hoặc những bảo tàng nhỏ ở làng xã, giới thiệu về sản phẩm và quá trình hình thành, phát triển của cộng đồng”.
Ngoài ra, những “hướng dẫn viên du lịch” được đào tạo từ chính những người thợ thủ công sẽ là “nhân tố” hợp lý nhất có khả năng dẫn dắt khách tham quan thông qua những hiểu biết sâu sắc của bản thân về nghề nghiệp và lịch sử quê nhà…
Theo nhiều chuyên gia để phát triển du lịch làng nghề Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm các nước phát triển.
Đơn cử như ở Nhật Bản với phong trào “mỗi làng một sản phẩm” ở tỉnh Oita đã thực sự thu hút sự quan tâm, học hỏi và phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới.
Để có được những sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, Nhật Bản đã tiến hành đào tạo một đội ngũ nghệ nhân, thợ thủ công áp dụng các công nghệ đã được nghiên cứu vào thực tế sản xuất.
Bên cạnh đó các làng nghề đều mang đậm dáng dấp cổ xưa với những bức tường, mái ngói đặc trưng phủ kín rêu phong… đang là mô hình du lịch sinh thái kết hợp làng nghề truyền thống đang phát triển ở Nhật Bản.
Làng nghề Vạn Phúc và Bát Tràng sẽ thành điểm đến du lịch quốc tế
Ngày 2/10, Hội đồng thi tuyển ý tưởng quy hoạch Dự án đầu tư bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch (tại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông và làng gốm sứ Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) đã họp, nghe các đơn vị tư vấn trình bày ý tưởng đồ án.
Cuộc thi ý tưởng Quy hoạch Dự án đầu tư bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại 2 làng nghề Vạn Phúc và Bát Tràng được UBND TP triển khai từ tháng 3/2016. Thành phố đặt yêu cầu xây dựng 2 làng nghề trên thành điểm đến du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển Nguyễn Đức Chung đánh giá cao tinh thần làm việc hết sức mình của các cơ quan và đơn vị dự thi; đồng thời khẳng định, sau cuộc họp này, Hội đồng thi tuyển sẽ lựa chọn phương án có ý tưởng tốt nhất nhằm tạo tiền đề thuận lợi nhất cho các bước triển khai tiếp theo. Dự kiến, ngày 9/10, BTC sẽ công bố kết quả cuộc thi và tổ chức trao giải.
Phương Anh