Hồ sơ di sản liên vùng: Chậm nhưng phải chắc

Vi Cầm 03/10/2016 10:38

Cùng lúc có tới 2 di sản nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang trong quá trình lập hồ sơ di sản liên vùng. Theo phân tích của các chuyên gia, đây là những trường hợp di sản liên vùng đầu tiên của Việt Nam, nếu xây dựng thành công sẽ là kinh nghiệm để mở rộng ranh giới các di sản thế giới liên tỉnh khác.

Danh thắng Yên Tử.

Thống nhất mở rộng di sản vịnh Hạ Long

Từ đề xuất của Văn phòng Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) tại Việt Nam hồi đầu năm 2016 về sự cần thiết của việc mở rộng vịnh Hạ Long với quần đảo Cát Bà để xây dựng hồ sơ đề cử Di sản Thế giới, mới đây Bộ VHTT&DL và IUCN cùng các bên liên quan đã thống nhất lập hồ sơ đề cử Di sản thiên nhiên thế giới “Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà”.

Theo IUCN, việc đề cử quần đảo Cát Bà là Di sản thế giới nhằm gìn giữ, bảo tồn, duy trì giá trị đặc hữu về đa dạng sinh học cho các thế hệ mai sau. Bên cạnh đó, giúp cộng đồng nhận thức rõ quần đảo Cát Bà là quà tặng vô giá của thiên nhiên cho con người, là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam.

Quần đảo Cát Bà là quần thể gồm hơn 360 đảo trong đó có đảo Cát Bà ở phía Nam vịnh Hạ Long, ngoài khơi thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 30 km, cách thành phố Hạ Long khoảng 25 km.

Nơi đây đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới; đã được xếp hạng Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt. Đồng thời, tháng 9/2013, hồ sơ đề cử Quần đảo Cát Bà là Di sản Thế giới theo tiêu chí đa dạng sinh học đã được gửi tới Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO.

Sau quá trình thẩm định IUCN đã dự thảo Quyết định trình Ủy ban Di sản Thế giới tại Kỳ họp lần thứ 38 ở Qatar năm 2014, trong đó khuyến nghị: “Quốc gia thành viên xem xét khả năng đề xuất nối dài với vịnh Hạ Long để gộp cả Quần đảo Cát Bà”.

Tại cuộc họp vừa diễn ra tại Hà Nội do Bộ VHTT&DL tổ chức có đại diện lãnh đạo Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO (Bộ Ngoại giao), Cục Di sản (Bộ VHTT&DL), Hội đồng Di sản quốc gia, các nhà khoa học, cùng UBND các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, các ý kiến đều nhất trí cao việc mở rộng Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Theo đó nếu việc mở rộng di sản thành công, đây sẽ là di sản thiên nhiên liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam, là kinh nghiệm để mở rộng ranh giới các di sản thế giới liên tỉnh khác.

Sau khi đã thống nhất quan điểm nối dài vịnh Hạ Long với quần đảo Cát Bà để lập Hồ sơ đề cử Di sản thiên nhiên thế giới “Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà”, Bộ VHTT&DL giao UBND TP Hải Phòng chủ trì lập hồ sơ, thành lập tổ chuyên gia, xây dựng phương án quản lý tổng thể di sản Hạ Long - Cát Bà, báo cáo lộ trình thực hiện trong tháng 10/2016.

Hồ sơ liên vùng Yên Tử: Tiến độ chậm

Dịp này, tiến độ làm hồ sơ đề cử Di tích Yên Tử liên tỉnh giữa 3 địa phương Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang cũng đã được báo cáo Bộ VHTT&DL.

Theo đó trong thời gian qua, 3 địa phương nói trên đã có sự phối hợp thực hiện trong việc lập hồ sơ với di tích Yên Tử để trình UNESCO. Tuy nhiên, kế hoạch tổng thể vẫn chưa được thông qua.

Vì vậy việc triển khai các đầu việc tiếp theo vẫn chưa được thực hiện, ảnh hưởng tới tiến độ hồ sơ. Hơn thế đến thời điểm hiện tại tên gọi của bộ hồ sơ ra sao cũng chưa có sự thống nhất giữa 3 địa phương.

Với di tích và danh thắng Yên Tử, Bộ VHTT&DL đề nghị Quảng Ninh chủ trì xây dựng hồ sơ về di tích Yên Tử, xây dựng Kế hoạch tổng thể; kiện toàn Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc, mời tư vấn nước ngoài; xây dựng kế hoạch, lộ trình và tiến độ thực hiện...

Nhờ vào quá trình bắt tay làm hồ sơ giữa 3 địa phương Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang từ 2 năm qua, giá trị của một di sản văn hóa liên vùng mới được nhìn nhận rõ hơn.

Dẫu vậy, vẫn còn đó nhiều thách thức về di sản liên vùng. Theo các chuyên gia văn hóa, việc đề cử quần thể di sản Yên Tử với số lượng di tích lớn trong một không gian trải dài cả 3 tỉnh xưa nay chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam.

Thêm nữa, hệ thống di tích làm nên giá trị của thiền phái Trúc Lâm ở 3 địa phương kể trên, trải qua thời gian có không ít di tích đã được tu bổ, tôn tạo khiến chuyên gia quốc tế bày tỏ sự quan ngại về tính xác thực, nguyên bản của di sản đề cử.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia của tổ chức ICOMOS (Hội đồng quốc tế về di tích - di chỉ) của UNESCO, việc lập hồ sơ di dản Yên Tử đòi hỏi quyết tâm rất lớn.

Trong khi thách thức trước xu thế bảo tồn và phát triển di sản đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ; nguy cơ phá vỡ sự nguyên vẹn của di sản- danh thắng Yên Tử đang là mối quan tâm của cộng đồng. PGS.TS Tạ Hòa Phương- Chủ nhiệm bộ môn Địa chất lịch sử, khoa Địa chất, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, kể cả khi đang làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới thì Yên Tử đang là di tích quốc gia đặc biệt, nên phải hết sức thận trọng khi can thiệp vào thiên nhiên.

Vì vậy, với một di sản có tính chất liên vùng, tất cả các địa phương nói trên cần phải rất thận trọng để có một bộ hồ sơ di sản xứng tầm, có sức thuyết phục UNESCO.

Vi Cầm