Họa sĩ, GS.NGND Trần Đình Thọ: 7 năm làm 'nhà in' báo Cứu Quốc

Cẩm Thúy 04/10/2016 15:10

Trong ký ức của người đàn ông ở xóm Roòng Khoa dưới chân núi Khẩu Goại khi ấy mới là một đứa trẻ lên 10, vẫn còn nhớ rất rõ: "Ông Xuân Thủy làm việc ở nhà kia, còn anh em báo Cứu Quốc, anh Nam Cao, một anh họa sĩ tên Thọ, anh Thái Duy, anh Tiêu, anh Kha... thì ở nhà tôi”. Họa sĩ Thọ mà ông Triệu Đình Lệ nhắc tới là họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương – Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Trần Đình Thọ.

Họa sĩ Trần Đình Thọ (trái) và Nhạc sỹ Xuân Oanh
cùng làm báo Cứu Quốc Trung ương.

Năm 2010, chúng tôi trở lại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc thuộc An toàn khu Định Hóa (Thái Nguyên) nhân buổi khánh thành Nhà trưng bày di tích nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam. Trước khi đi đã biết năm 1950, Hội Nhà báo Việt Nam ra đời với Hội trưởng đầu tiên là nhà báo Xuân Thuỷ - Chủ nhiệm báo Cứu Quốc thời đó và buổi lễ thành lập Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra ngay ở Hội trường của báo Cứu Quốc. Nhưng khi đến nơi, nghe ông Triệu Đình Lệ - con trai của cụ Triệu Đình Quân (gia đình đã đùm bọc cưu mang cho tòa soạn báo Cứu Quốc ở trọ ở An toàn khu Định Hóa thời ấy) – kể về những người làm báo Cứu Quốc khi xưa vẫn thấy thật ngỡ ngàng.

Trong ký ức của người đàn ông ở xóm Roòng Khoa dưới chân núi Khẩu Goại khi ấy mới là một đứa trẻ lên 10, vẫn còn nhớ rất rõ: "Ông Xuân Thủy làm việc ở nhà kia, còn anh em báo Cứu Quốc, anh Nam Cao, một anh họa sĩ tên Thọ, anh Thái Duy, anh Tiêu, anh Kha... thì ở nhà tôi”. Họa sĩ Thọ mà ông Triệu Đình Lệ nhắc tới là họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương – Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Trần Đình Thọ.

Cùng với Nam Cao, vào Đảng ở báo Cứu Quốc

Trong phần tiểu sử của Họa sĩ Trần Đình Thọ có ghi: Họa sĩ báo Cứu Quốc Trung ương từ 1946 đến 1953. Cụ thể là cuối tháng 8/1945, nhận chỉ thị của đồng chí Trường Chinh, ông cùng nhà báo Thép Mới và một số văn nghệ sĩ tham gia thực hiện tờ Cờ Giải phóng (xuất bản công khai). Đích thân họa sĩ Trần Đình Thọ đứng ra vẽ những tấm áp phích lớn, dán tại nhiều nơi ở Hà Nội với dòng chữ kêu gọi mọi người "Hãy đọc Cờ Giải phóng, cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương, lợi khí sắc bén đấu tranh giải phóng dân tộc". Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông lên chiến khu lo việc ấn loát cho báo Cứu Quốc Trung ương.

Như vậy là tới 7 năm trời đằng đẵng trong thiếu thốn gian khổ của những ngày kháng chiến, tờ báo di chuyển khắp nơi, họa sĩ Trần Đình Thọ đã gắn bó với Cứu Quốc không một chút nề hà trong vai trò “lo việc ấn loát” cho tờ báo. Trong tác phẩm “Tự truyện 1947”, nhà văn Tô Hoài đã cho biết thời làm báo Cứu Quốc Việt Bắc ở Bắc Cạn, “một mình Trần Đình Thọ làm nhà in”. Tô Hoài viết: “Trần Đình Thọ viết và lăn đá li-tô. Anh mở một lớp dạy in đá li-tô cho cán bộ tuyên truyền của tỉnh. Nam Cao cũng học lăn li-tô.” Còn đây là một đoạn viết xúc động về “nhà in” Trần Đình Thọ và “tòa soạn” Nam Cao: “Ở Cốc Phường, nghe tiếng súng chìm xa xa dưới chân núi. Tôi cho toà soạn báo và nhà in ở hai nơi cách xa. Cốc Phường chỉ mới là nơi dừng chân.

Ở đây, mỗi nhà đều có một chỗ trong rừng, bí mật, chỉ nhà mình biết. Nam Cao và Trần Đình Thọ theo Chẩn. Không phải đi cho vui hai người. Mà chúng tôi bảo vệ cái "máy in" Trần Đình Thọ. Máy "mi néc" đạp chân còn quẳng một đống ở cửa rừng sau Bản Hậu. Như vậy, “máy” Trần Đình Thọ đương cần thiết. Nếu chưa lắp được máy, phải ra báo in li-tô. Thế thì một mình Trần Đình Thọ là cả một nhà in rồi. "Toà soạn" Nam Cao và "nhà in" Trần Đình Thọ phải ở liền với nhau.

… Trên đỉnh núi, trong rừng sâu, cái lán nhỏ nhô ra bên một gốc trám cổ thụ. Phải xuống một quãng mới tới ngọn nước. Hàng ngày, Nam Cao và Trần Đình Thọ xuống lấy nước về thổi nấu. Theo cách đi đứng đảm bảo bí mật, từ bờ suối lên, không để một vết tích của con người. Hai anh ở lán với mẹ đồng chí Chẩn. Suốt ngày, Chẩn đi nương, có khi ngủ ngay ở lều. Còn tôi, khi xuống xã, khi đi họp châu, họp tỉnh, khi ở chỗ nhà in dưới lán gần làng. Thỉnh thoảng mới có đêm lên đây. Lán dựng cho chiếc máy minéc đã làm xong. Nhưng Trần Đình Thọ vẫn lăn li-tô. In truyền đơn hộ trung đoàn 72 và cô Ngọc Bảo, cán bộ phụ nữ châu Chợ Rã. Cái máy minéc chỉ làm đủ việc báo. Bây giờ không phải chỉ một mình Trần Đình Thọ mà cả "toà soạn" Nam Cao cũng lăn li-tô. Trần Đình Thọ trở nên nhà kỹ thuật viết chữ ngược, quét nước chanh và quệt mực. Nam Cao mắm môi mắm miệng lăn, lăn lăn...

...Trần Đình Thọ gầy quắt queo, ngồi trầm ngâm với cái tẩu gộc, to bằng nắm tay.”

Còn đây là hồi ức của nhạc sĩ Xuân Oanh lúc còn sống về những ngày cùng phụ trách phần trang trí báo Cứu Quốc với họa sĩ Trần Đình Thọ: "Năm đó mình vào loại trẻ nhất ở tòa soạn, làm mọi việc được phân công: in ấn, chuyển báo, viết bài, và… vẽ minh họa, hồi đó làm gì có máy ảnh mình cùng anh Trần Đình Thọ thay nhau vẽ minh họa cho báo. Mỗi lần báo in ra cả cơ quan vui như đón đứa con vừa ra đời".

Cũng căn cứ vào tiểu sử của họa sĩ Trần Đình Thọ, ông vào Đảng ngày 15/6/1947, đó chính là quãng thời gian ông làm báo Cứu Quốc Việt Bắc cùng với Tô Hoài, Nam Cao. Như vậy, trong số các văn nghệ sĩ nổi tiếng, không phải chỉ mình Nam Cao được kết nạp Đảng thời kỳ ở báo Cứu Quốc mà cùng năm 1947 đó còn có cả họa sĩ Trần Đình Thọ. Tuy nhiên, trong “Tự truyện 1947”, Tô Hoài không nhắc đến việc vào Đảng của họa sĩ Trần Đình Thọ mà chỉ kể về lễ kết nạp Đảng của Nam Cao và một người khác là Phúc Mơ – một nhân viên in ấn đã hy sinh cuối năm ấy trong một trận càn của giặc Pháp. Và trong lễ kết nạp Đảng của Phúc Mơ họa sĩ Trần Đình Thọ đã tự tay vẽ một hình búa liềm to cài lên vách nứa.

Cảnh tượng xúc động: “Chúng tôi ở trong lán. Hoạ sĩ Trần Đình Thọ vẽ một hình búa liềm to cài lên vách nứa. Trên sàn có một ống tre cắm hoa mua, hoa sim. Phúc Mơ giơ tay thề tuyệt đối trung thành với Đảng, nước mắt Phúc Mơ ứa ra, như khi Nam Cao giơ tay thề như thế. Đêm ấy, Phúc Mơ kể: "Anh ạ, tôi nhớ bố mẹ tôi, tôi thương bố mẹ tôi, bố mẹ tôi chết năm đói cả rồi”.”

Tác phẩm Tre (Sơn mài, 1957) được coi là một kiệt tác của
họa sĩ Trần Đình Thọ.

Họa sĩ đàn anh của nghệ thuật tạo hình

Họa sĩ Trần Đình Thọ quê ở xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, Hưng Yên. Ông tốt nghiệp khóa cuối cùng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1939-1944). Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, họa sĩ Trần Đình Thọ thuộc thế hệ hoạ sĩ đàn anh của nền nghệ thuật tạo hình cách mạng.

Để thấy, một họa sĩ từng tốt nghiệp Mỹ thuật Đông Dương mà nhẹ như không khi tham gia kháng chiến sẵn lòng làm công việc ấn loát cực kỳ thủ công với kỹ thuật thô sơ. Rồi, trong gian khổ ấy, ông vẫn tranh thủ làm công việc sáng tác. Năm 1948, nhân dịp Đại hội Văn nghệ toàn quốc, báo Cứu Quốc và họa sĩ Trần Đình Thọ đã tổ chức Triển lãm Mỹ thuật lớn đầu tiên giới thiệu các tác phẩm của các hoạ sĩ tại chiến khu Việt Bắc. Năm 1951, Đại hội Đảng khóa II được tổ chức tại Chiêm Hóa (Tuyên Quang), họa sĩ Trần Đình Thọ được chọn là họa sĩ trang trí chính cho Đại hội. Cũng năm đó, năm 1951, ông tổ chức Triển lãm mỹ thuật tại khu căn cứ cách mạng Chiêm Hóa.

Năm 1953, kết thúc thời kỳ làm báo Cứu Quốc, họa sĩ Trần Đình Thọ được cử về phụ trách mỹ thuật của Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam. Sau đó, từ năm 1955, ông đảm nhận cương vị Phó Hiệu trưởng rồi Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam) và giữ kỷ lục hiệu trưởng lâu năm nhất của ngôi trường này. Từ 1964 đến 1984, tròn 20 năm.

Về sự nghiệp sáng tác, họa sĩ Trần Đình Thọ đã sử dụng và thành công với nhiều chất liệu: thuốc nước, lụa, sơn mài, sơn dầu, khắc gỗ. Nhưng thành công hơn cả với chất liệu sơn mài. Trong đó, bức sơn mài Tre (sáng tác năm 1957) của ông được coi là một kiệt tác, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Nhiều tác phẩm của ông đã được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật VN, Bảo tàng Phương Đông, Bảo tàng nghệ thuật Bratislava và trong nhiều sưu tập ở Pháp, Italia, Nhật Bản, Ba Lan, Đức... Một sáng tác khác của ông là biểu tượng của Nhà xuất bản Sự thật (nay là NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật) cho tới nay vẫn đang được sử dụng.

Năm 2001, hoạ sĩ đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật đợt I cho các tác phẩm: Ra đồng - sơn mài (1961); Nhà sàn Bác Hồ - sơn dầu (1971); Đêm hành quân - sơn mài (1974); Tre - sơn mài (1957); Cấy ở Miền núi - sơn mài (1993); Kéo pháo Điện Biên - sơn mài (1994).

Có thể nói, suốt thời gian dài 30 năm (kể từ thời gian là Phó Hiệu trưởng), hoạ sĩ Trần Đình Thọ giữ trọng trách công tác đào tạo mỹ thuật cho đất nước, nhiều nghệ sĩ tạo hình nổi tiếng của thế hệ thứ hai và thế hệ thứ ba của mỹ thuật hiện đại Việt Nam đã trưởng thành. Năm 1980, họa sĩ Trần Đình Thọ được phong chức danh Giáo sư, năm 1988, ông được phong tặng danh hiệu NGND. Các học trò, các đồng nghiệp của ông đều kính trọng, ngưỡng mộ ông như một người thầy mẫu mực, sáng tạo, trong sạch liêm khiết, rất hiền hoà.

Họa sĩ Trần Đình Thọ qua đời hồi đầu năm 2011, giới họa sĩ trong lời từ biệt có nói rằng ông đã "để lại cho đời một bóng Tre" và nhiều tác phẩm hội họa bậc thầy.

Cẩm Thúy