Lo cho dân
Xét ở góc độ điều hành của chính quyền địa phương cũng là cách thể hiện của một chính quyền hành động vì lợi ích của dân. Một chính quyền đề cao khả năng kiến tạo là giúp dân “cần câu hơn là con cá” và sẽ giúp dân năng động hơn, tự tin hơn để phát triển ổn định trên quê mới.
Nhiều hộ dân di dời để xây dựng thủy điện Sơn La.
“Đừng để tình trạng người dân vùng dự án nói làm thủy điện để làm gì mà chúng tôi không có đường đi, không có điện. Tất nhiên phải tuân thủ theo Luật Doanh nghiệp, nhưng cơ chế chia một phần lợi nhuận cho những người đã chia sẻ với thành công của dự án là rất quan trọng. Các bộ ngành nghiên cứu và báo cáo Thủ tướng. Đây là đặt bài toán để nghiên cứu, chưa phải là kết luận về vấn đề này”-Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã căn dặn lãnh đạo các bộ, ngành địa phương như vậy tại Hội nghị Tổng kết Dự án di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La từ năm 2001 – 2016, tại TP Điện Biên Phủ.
Thủy điện Sơn La-một công trình tầm cỡ khu vực được hoàn thành với biết bao nỗ lực; biết bao đóng góp của người dân nhiều tỉnh Tây Bắc Bộ. Thủy điện Sơn La đã từng được biết đến với nhiều cái nhất. Thủy điện lớn nhất Đông Nam Á với 2.400MW, dung tích hồ chứa gần 9,3 tỷm3.
Hàng năm công trình này đóng góp hơn 10 tỉ kW điện vào lưới điện quốc gia, chiếm 10% sản lượng điện bình quân hàng năm. Dự án này được xem là dự án có số dân di dời lớn nhất từ trước đến nay với 20.340 hộ và trên 93.200 người, thuộc 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Sau 15 năm thực hiện Dự án, công tác di dân tái định cư đã cơ bản hoàn thành. Dự án Thủy điện Sơn La hoàn thành sớm ba năm thì riêng Dự án di dân tái định cư đã về đích sớm 2 năm.
Ngay tại Hội nghị, Báo cáo của Ban Chỉ đạo Nhà nước thủy điện Sơn La cho biết, đến nay các tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ tái định cư. Phần quan trọng hơn cả đó là đời sống của hơn 20 ngàn hộ dân đã tự nguyện di dời hiện nay ra sao?
Về vấn đề này, Ban Chỉ đạo cho biết: Nếu như thu nhập bình quân đầu người vào thời điểm năm 2005 là 311.000 đồng/tháng, thì nay đã tăng gần gấp 4 lần. Tỷ lệ hộ nghèo của các nơi trước khi di dân khoảng gần 44% thì nay chỉ còn trên 11%. 93,4% người dân tái định cư được sử dụng nước sạch; 99,7% được sử dụng điện lưới quốc gia; 87,6% nhà ở được kiên cố, 12,4% bán kiên cố; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,56 lần (từ 43,73% năm 2005 xuống 17,11% năm 2015).
Đặc biệt, ngay sau tái định cư, các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng các mô hình chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao (cao su, lúa, ngô vùng bán ngập…).
Với các tỉnh nằm trong vùng dự án thì, đó còn là bài học “muốn di dân phải chuyển được lòng dân”, tỉnh Sơn La đã tuyên truyền để người dân hiểu, ủng hộ “tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”.
Và, đề làm được điều ấy, lãnh đạo ba địa phương nằm trong vùng khó khăn của cả nước đã vận động bà con để tạo được sự đồng thuận trong dân, để người dân được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra trong mọi khâu. Quan trọng hơn cả là để dân ưng cái bụng mà tự nguyện di dời như trường hợp của Sơn La với gần 12.600 hộ dân mà không phải cưỡng chế một hộ nào.
Từ bài học của tỉnh Sơn La nói riêng và bài học trong xây dựng thủy điện Sơn La nói chung mới thấy nhờ sự chỉ đạo thường xuyên, cụ thể của lãnh đạo cấp Trung ương, nhất là Ban Chỉ đạo nhà nước Dự án Thủy điện Sơn La. Nhờ sự sát sao, trách nhiệm của lãnh đạo, chính quyền các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu nên dân đã nghe Đảng, nghe Nhà nước, đồng ý rời quê hương bản quán đến nơi ở mới, nhường đất cho dự án.
Kết quả bước đầu của Dự án di dân tái định cư là rất tốt nhưng vấn đề là cần xác định được việc phải đảm bảo cuộc sống lâu dài, bền vững, không tái nghèo cho người dân trong tương lai lâu dài. Phải giữ gìn được văn hóa dân tộc. Trước mắt, phải đảm bảo xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, phải là lo sinh kế cho người dân, lâu dài và căn bản-Thủ tướng đã nhấn mạnh như thế tại Hội nghị.
Mà, muốn lo cho dân chắc chắn sẽ không có cách nào khác ngoài việc phải gần dân, nghe dân và phải hiểu được tâm tư nguyện vọng của dân để giúp dân sao cho hiệu quả nhất.
Mục tiêu của chúng ta làm thủy điện là để đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước nhưng cũng là đảm bảo một cuộc sống ổn định cho người dân vùng cách mạng năm xưa.
Dân có ấm no, đất nước mới phát triển bền vững. Chính quyền trung ương luôn quan tâm, chăm lo cho dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhưng người thực thi các chính sách ấy đến với bà con không ai khác là chính quyền tại các địa phương, từ tỉnh, huyện đến xã.
Ở đây có lẽ cần nhắc lại quan điểm của Thủ tướng về một Chính phủ hành động khi ông nói tại Lễ tuyên thệ nhậm chức và trong rất nhiều những cuộc họp khác nhau của Chính phủ.
Nếu bàn về vấn đề của Chính phủ hành động trong bối cảnh của Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La có thể thấy: Chính quyền các địa phương đã làm được kha khá việc mà việc nâng cao thu nhập của người dân là một ví dụ.
Nhưng, như thế có lẽ cũng chưa thật sự là nhiều vì sau 10 năm, với khoảng 1,2 triệu đồng thu nhập/tháng, có lẽ bà con mới đủ thoát nghèo; còn để làm giàu có lẽ vẫn còn một khoảng cách khá xa. Thực tế cho thấy, cũng không phải bà con nào cũng ổn định đời sống tốt sau di dân.
Vì thế, nếu chính quyền mà không sát dân sẽ rất khó để biết, bà con vùng di dân nào cần sự hỗ trợ đặc biệt; bà con vùng di dân nào vẫn còn khó khăn trong chuyển đổi cây trồng vật nuôi...
Rồi thì, di dân đến nơi ở mới, bà con có hài lòng với nơi an cư mới hay chưa?...
Tất cả những điều đó đều phải “đi vào trong dân”; phải nắm được tâm tư của dân mới lượng hóa được mong muốn của dân và từ đó mới đề xuất được với Trung ương cơ chế tháo gỡ cho dân.
Đó xét ở góc độ điều hành của chính quyền địa phương cũng là cách thể hiện của một chính quyền hành động vì lợi ích của dân. Một chính quyền đề cao khả năng kiến tạo là giúp dân “cần câu hơn là con cá” và sẽ giúp dân năng động hơn, tự tin hơn để phát triển ổn định trên quê mới.