Lo nguồn trả nợ nông thôn mới
Ngày 5/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả giám sát “Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010- 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”. Điều các đại biểu băn khoăn nhất là khoản nợ cho chương trình này đã lên đến trên 15.000 tỷ đồng và chưa tìm ra nguồn trả.
Do nóng vội, chạy theo thành tích trong khi chưa cân đối nguồn lực, một số địa phương đã bị nợ nông thôn mới. Ảnh: Trường Thi.
53/63 tỉnh, thành phố có nợ đọng
Báo cáo của Đoàn giám sát cho thấy, tính đến tháng 9/2016, đã có 2.045 xã đạt tiêu chí nông thôn mới (đạt 23%), đã có 24 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản để tăng cường quản lý vốn đầu tư, khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, tuy nhiên, các địa phương nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn lớn. Có 53/63 tỉnh/thành phố có nợ đọng với số tiền khoảng 15.277 tỷ đồng, cá biệt đã có địa phương mất khả năng thanh toán gây dư luận không tốt trong nhân dân.
“Có tổng số 3.637 xã có nợ đọng (chiếm 40,7% số xã xây dựng nông thôn mới cả nước) với mức nợ bình quân khoảng 4,2 tỷ đồng/xã). Tổng số nợ đọng của 15 địa phương có số nợ cao nhất chiếm tới 80,7% tổng số nợ đọng của cả nước.
Các địa phương có số nợ đọng lớn tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc (Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ) là khu vực có phong trào xây dựng nông thôn mới dẫn đầu cả nước, hai khu vực này có số nợ đọng lớn nhất chiếm tới 75,3% số nợ đọng của cả nước (trong đó Đồng bằng sông Hồng chiếm 55,2% số nợ đọng)”- ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra dẫn chứng.
Tổng số nợ đọng tại các xã đã được công nhận đạt chuẩn đến 31-1-2016 là 7.157,7 tỷ đồng (chiếm 46,9% số nợ đọng cả nước); có 1.147 xã đạt chuẩn (chiếm 62,5% ) nợ đọng với mức nợ bình quân khoảng 6,24 tỷ đồng/xã.
Nguyên nhân nợ đọng do nhiều yếu tố, tuy nhiên theo ông Thanh, một phần do nhiều địa phương chưa chấp hành nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương trong việc kiểm soát vốn đầu tư công và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; phê duyệt dự án và vận động các doanh nghiệp ứng trước vốn để thi công khi chưa xác định được nguồn vốn để thanh toán; ở một số địa phương phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển quá nhanh, nóng vội, chạy theo thành tích trong khi chưa cân đối được nguồn lực.
Làm đường giao thông trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Trẻ sơ sinh cũng phải đóng tiền… nông thôn mới
Bày tỏ lo ngại về số tiền nợ đọng xây dựng cơ bản hơn 15 nghìn tỷ đồng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, có ý kiến nói khoản nợ không phải lớn, khoản nợ này nếu được đầu tư cho xây dựng cơ bản thì lành mạnh, nhưng không lành mạnh với nền tài chính quốc gia. Tức là đang nợ xây dựng cơ bản chưa xử lý xong nhưng vì việc phải cố gắng xây dựng nông thôn mới lại nợ tiếp.
“Cả nước nợ hơn 15 nghìn tỷ nhưng 3.637 xã nợ, trong đó có 147 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vậy xử lý thế nào? Nếu sắp tới kiến nghị nguồn ngân sách nhà nước có nguồn trái phiếu, hay nguồn gì cho đầu tư công lại ưu tiên giải quyết trả nợ thì sẽ không hợp lý, bất công với những xã khác. Nếu thế thì phong trào cứ vay nợ để đầu tư rồi sẽ được ưu tiên giải quyết nợ thì không đúng, không hợp lý. Còn nếu để tự địa phương phải nỗ lực tìm nguồn để giải quyết khoản nợ thì chưa thấy Đoàn giám sát có kiến nghị’ - bà Ngân nêu vấn đề.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, nguyên nhân là do nhiều nơi muốn nhanh đạt 19 tiêu chí. Song cũng có một nguyên nhân do giai đoạn vừa qua, ngân sách có khó khăn. Lúc đầu thiết kế chương trình là Nhà nước đầu tư 30-40%, sau đó điều chỉnh lại là nhà nước hỗ trợ, dân làm là chính. Kết quả là ngân sách Trung ương chỉ hỗ trợ 4,4%; gần 6% là ngân sách địa phương, còn 51% là tín dụng.
Cho rằng khả năng xử lý nợ đọng trong năm 2017 không khả thi, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói: “Nợ đọng hơn 15 nghìn tỷ đồng, các đồng chí nói sẽ dứt điểm trong năm 2017 là không khả thi khi báo cáo không nói giải pháp thế nào? Cho nên cần xem xét lại, nhất là tỉnh nghèo thì làm sao dứt điểm được”.
Về giải pháp xử lý nợ cơ bản, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trong qúa trình đi giám sát, làm việc với kiểm toán, ông có đặt vấn đề này. Một trong những điều băn khoăn là giải pháp để làm sao giải quyết được hơn 15 nghìn tỷ đồng nợ đọng tập trung vào một số địa phương. “Các địa phương cũng nói rằng sẽ sử dụng quỹ đất của địa phương đấu giá để trả nợ. Nhưng chúng tôi cũng rất băn khoăn vì thị trường bất động sản đang khó khăn thế này” - ông Thanh lo ngại.
Ông Thanh cũng cho biết, làm việc với địa phương, địa phương cũng quan tâm đến vấn đề này nhưng chưa có giải pháp khả thi để giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản. Dưới góc độ xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nhìn nhận, dù 15 nghìn tỷ đồng tiền nợ đọng chiếm tỷ lệ không lớn, chỉ chiếm 1,8% trong tổng số nhưng lại nằm ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Nhìn vào thu ngân sách của các địa phương này thì là một tỷ lệ rất lớn, cho nên tỷ lệ nợ đọng cũng không hề nhỏ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng lo ngại, lấy tiền đâu mà trả trong năm 2017 chưa kể không có nguồn lực. Huy động sức dân là không được, thời gian qua nhiều nơi đứa trẻ mới đẻ, cho đến người tàn tật cũng phải đóng suất đinh để xây dựng nông thôn mới cho nên các địa phương cần chú ý.
Mặt trận trả lời hết các kiến nghị của cử tri
Chiều ngày 5/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII. Theo bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện, từ sau kỳ họp thứ 10 đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã tổ chức 823 cuộc tiếp xúc cử tri, tổng hợp 2.613 kiến nghị của cử tri gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ban Dân nguyện đã giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân loại, xử lý các kiến nghị trùng lặp, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các địa phương, kiến nghị không rõ nội dung, còn 914 kiến nghị; trong đó, có 49 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, 856 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, các bộ, ngành, 5 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tổ chức Trung ương.
Nội dung của các kiến nghị liên quan đến chế độ chính sách đối với các cán bộ tham gia hoạt động trong các tổ chức chính trị xã hội, nguồn lực để thực hiện các chế độ chính sách. Các kiến nghị này đã được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu và trả lời tới cử tri theo đúng quy định.