Thịt ngoại rẻ sắp 'chiếm' mâm cơm gia đình

Thanh Giang 06/10/2016 10:25

Những năm gần đây, tổng sản lượng và giá trị xuất khẩu thịt từ EU sang Việt Nam liên tục tăng. Năm 2013 giá trị xuất khẩu là 7,369 triệu Euro. Sang năm 2014, con số này tăng lên gấp đôi: đạt 15,7 triệu. Đặc biệt, trong năm 2015 giá trị xuất khẩu thịt từ EU sang Việt Nam lên tới 23,3 triệu Euro. Dự kiến, năm 2016 có thể vượt qua con số 25 triệu Euro. Thực tế ấy đang gây sức ép cho ngành chăn nuôi trong nước.

Thịt ngoại được bày bán tại các hệ thống siêu thị.

Một lượng lớn thịt ngoại nhập đang ồ ạt chiếm lĩnh thị trường nội địa, xu hướng này còn tiếp diễn mạnh khi hàng rào thuế quan giảm dần. Dự báo thịt trong nước sẽ phải cạnh tranh gay gắt về giá cả lẫn chất lượng.

Thịt ngoại đổ bộ

Bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho hay, tiêu thụ thực phẩm ở Việt Nam ngày càng cao do thu nhập của người tiêu dùng tăng và sự phát triển của ngành công nghiệp bán lẻ. Theo số liệu thống kê, tiêu thụ thực phẩm của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2016 tăng 5,1%/năm tương đương với 29,5 tỷ USD năm.

Doanh số bán hàng thực phẩm tăng 10,2% trong năm 2016. Dự báo, doanh số bán hàng thực phẩm sẽ tăng trưởng hàng năm trong giai đoạn 2015 - 2020 là 10,9%. Riêng đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống, ghi nhận của phóng viên lượng tiêu thụ ngày càng cao.

Cụ thể, ước tính mỗi ngày cả nước tiêu thụ khoảng 3.000 con bò thịt, trong đó riêng TP HCM là khoảng 600 con. Đánh giá cao thị trường tiêu thụ tiềm năng của Việt Nam, nhiều doanh nghiệp ngoài không ngừng chen chân và mong muốn trở thành những ứng cử viên cung cấp thịt ngoại.

Theo Ủy ban châu Âu, trong những năm gần đây, tổng sản lượng và giá trị xuất khẩu thịt từ Liên minh châu Âu (EU) sang Việt Nam tăng liên tục qua các năm. Cụ thể, năm 2013 giá trị xuất khẩu là 7,369 triệu Euro nhưng năm 2014 con số này tăng lên gấp đôi đạt 15,7 triệu. Đặc biệt, trong năm 2015 giá trị xuất khẩu thịt từ EU sang Việt Nam lên tới 23,3 triệu Euro.

Dự kiến, năm 2016 dễ dàng vượt qua con số 25 triệu Euro. Điều đặc biệt, trong vòng 3 năm lượng thịt EU xuất khẩu vào Việt Nam tăng 7,5%. Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế từng cảnh báo, nếu như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU được ký kết nguy cơ gia súc các nước sẽ ồ ạt vào thị trường Việt Nam.

Với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU kim ngạch xuất khẩu thịt châu Âu vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Theo thống kê hiện nay, có hơn 100 doanh nghiệp EU được cấp phép xuất khẩu thịt vào Việt Nam. Điển hình năm 2015, Bộ NN&PTNT cho phép thịt bò Pháp nhập khẩu vào Việt Nam.

Cũng trong năm 2015, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp Canada quyết định chọn thị trường Việt Nam là thị trường tiêu thụ trọng điểm của khu vực châu Á cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc… Tương tự Canada, Ba Lan cũng lên kế hoạch tiếp thị thịt vào thị trường Việt Nam. Lý do, qua theo dõi thị trường Ba Lan nhận thấy, thị trường tiêu thụ thịt bò của Việt Nam rất tiềm năng nên Ba Lan cũng đang tìm kiếm “lỗ hổng” nhằm chen chân.

Và tính đến thời điểm hiện nay, riêng Ba Lan có tới 45 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu thịt bò vào Việt Nam. Ông Maxim Basov - Tổng giám đốc của Rusagro, một trong những tập đoàn nông nghiệp lớn nhất của Nga thông tin, tập đoàn này có khả năng bắt đầu bán thịt heo cho Việt Nam từ năm 2017.

Lo cạnh tranh với thịt ngoại

Tại các siêu thị trên địa bàn TP HCM như Lotte Mart, Big C, Metro… thịt nhập khẩu được bán rất phổ biến. Trước sự ồ ạt thâm nhập thị trường của thịt ngoại nhập, không ít người bày tỏ quan điểm lo ngại về khả năng cạnh tranh không cân xứng về giá cả. Nhận định về điểm mạnh của thịt bò Canada ngài Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp cho rằng, nếu bò Mỹ được nuôi bằng bắp, bò New Zealand được nuôi bằng cỏ thì bò Canada được nuôi bằng ngũ cốc nên chất lượng thịt được đánh giá cao hơn.

Không chỉ chiếm ưu thế về chất, bò ngoại đang dần dần lấy “tín nhiệm” người tiêu dùng Việt bằng giá cả. Điển hình, giá thịt bò nhập khẩu vào thị trường trong nước dao động ở mức 5 – 18 USD/kg (tương đương 105.000 đồng – 360 đồng/kg) tùy từng loại. Theo các nhà quản lý và hoạch định chính sách, giá thịt bò ngoại nếu đã trừ thuế nhập khẩu thì giá cả còn “mềm” hơn cả giá bò nội địa.

Lý giải về giá cả của thịt ngoại nhập, ông Nguyễn Văn Ngọc - Chủ tịch Hội chăn nuôi Đông Nam bộ thông tin, một kg thịt gà nhập từ Mỹ, cộng thuế 25% và các chi phí vận chuyển về tới Việt Nam có giá chưa tới 20.000 đồng, thấp hơn giá thành thịt gà của nông dân Việt 6.000 đồng. Đối với mặt hàng thịt heo, một ký thịt heo nhập từ châu Âu như: Ba Lan, Canada dao động từ 2 - 2,2 USD/kg chưa tính thuế 15%. Như vậy, nếu doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng heo ngoại làm nguyên liệu, họ có thể tiết kiệm ít nhất 15- 20% giá thành so với thịt nội địa.

Mức thuế nhập khẩu thịt vào Việt Nam thời gian qua luôn ở mức trung bình từ 15 – 25% tùy loại nhưng vẫn chi hàng trăm triệu USD nhập khẩu thịt ngoại từ các nước. Sắp tới đây, các hiệp định thương mại chính thức có hiệu lực thì “làn sóng” thịt ngoại hứa hẹn sẽ ồ ạt hơn hiện nay và nguy cơ thịt nội không cạnh tranh được.

Dưới góc độ nhà sản xuất, ông Văn Đức Mười – Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho rằng, thời gian qua lượng thịt ngoại nhập vào Việt Nam không ngừng tăng lên, giá cả lại rẻ hơn khoảng 15% so với thịt nội. Đây chính là thách thức lớn cho ngành chăn nuôi trong nước nói chung và doanh nghiệp sản xuất nói riêng.

Thanh Giang