Tình tiết giảm nhẹ của Phạm Công Danh là gì?

Theo ANTT 06/10/2016 19:37

Mục đích của hình phạt không chỉ là trừng trị người phạm tội, mà còn còn có tác dụng giáo dục, răn đe với người phạm tội và những người khác. Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đã được pháp luật quy định để xem xét. Trong vụ án Phạm Công Danh, đã có 33/36 bị cáo được xử ở dưới mức khởi điểm của khung hình phạt, 8 bị cáo đã được hưởng án treo, vậy các tình tiết giảm nhẹ được áp dụng trong vụ án này là gì?

Tình tiết giảm nhẹ của Phạm Công Danh là gì?

Bị cáo Phạm Công Danh ( Ảnh: Báo Thanh Niên).

Phạm Công Danh có thành khẩn, ăn năn?

Đã có 25/36 bị cáo được đánh giá là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, trong đó có Phạm Công Danh. Để đánh giá Phạm Công Danh có thành khẩn, ăn năn hối cải hay không, cần nhìn vào thực chất vụ án.

Phạm Công Danh đã lập trước kế hoạch mua Trustbank bằng chính tiền của Trustbank, sau khi mua thì rút tiền ngân hàng để sử dụng cho mục đích cá nhân. Kế hoạch này được vẽ ra rất công phu bằng nhiều công đoạn khác nhau: lập đề án tái cơ cấu Trusbank (sau này là VNCB) mà năng lực tài chính của Phạm Công Danh, của Tập đoàn Thiên Thanh đều không có thật; dùng bằng đại học giả để làm Chủ tịch Ngân hàng; lập hồ sơ khống để rút tiền VNCB trả nợ cho nhóm Phú Mỹ; lập hồ sơ khống để vay vốn BIDV, hình thức là kinh doanh vật liệu xây dựng nhưng thực chất là chuyển tiền lòng vòng để rồi dùng mua cổ phần tăng vốn của VNCB; lập hồ sơ che dấu nguồn tiền tăng vốn là vốn vay để qua mặt Ngân hàng Nhà nước; qua mặt tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước trong hàng loạt hoạt động của VNCB …

Trong số 18.000 tỷ rút ra từ các ngân hàng, xấp xỉ 4.500 tỷ không rõ Phạm Công Danh sử dụng vào việc gì. Hàng ngàn tỷ khác được Phạm Công Danh sử dụng trả nợ cho Tập đoàn Thiên Thanh hoặc nợ cá nhân nhưng cũng không rõ các khoản nợ trước đó ở đâu, mua sắm tài sản nào.

Suốt phiên tòa, Phạm Công Danh luôn dùng chiêu bài trí nhớ kém, sức khỏa kém để không trả lời các câu hỏi bất lợi. Phạm Công Danh khai đã chi hàng ngàn tỷ chăm sóc khách hàng vì VNCB.

Nhưng khi luật sư đặt câu hỏi tiền ở đâu chi, chi cho ai, hệ thống theo dõi, báo cáo ra sao, năng lực tài chính của Tập đoàn Thiên Thanh như thế nào … thì Phạm Công Danh không những không trả lời mà còn nổi cáu và bị Chủ tọa phiên tòa cảnh cáo.

Mặc dù chủ động lập kế hoạch rút tiền ngân hàng, dù biết trước tình trạng của ngân hàng nhưng Phạm Công Danh vẫn cho rằng đã bị bà Hứa Thị Phấn lừa. Mặc dù tiêu tiền ngân hàng cho mục đích cá nhân nhưng Phạm Công Danh vẫn cho rằng phạm tội vì VNCB.

Với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, với một loạt các hành vi gian dối có chủ ý để rút tiền ngân hàng có dấu hiệu chiếm đoạt, nhưng lại không khai báo, không làm rõ về hàng ngàn tỷ hiện đang ở đâu thì liệu Phạm Công Danh có thực sự thành khẩn, ăn năn hối cải hay không?

Giảm nhẹ do thu hồi vật chứng?

Theo án sơ thẩm, trong số thiệt hại xác định do hành vi cố ý làm trái và vi phạm quy định về cho vay, các cơ quan tố tụng xác định số tiền là vật chứng có cơ sở thu hồi hơn 6.500 tỷ đồng. Đây được xem là cơ sở giảm nhẹ hình phạt cho Phạm Công Danh và các đồng phạm.

Trước đó trong phiên tòa, việc thu hồi hơn 6.500 tỷ đồng đã được tranh luận rất gay gắt giữa các luật sư với nhau và giữa các luật sư với đại diện Viện kiểm sát.

Luật sư bảo vệ quyền lợi cho các cá nhân phải trả lại tiền đã nhận của Phạm Công Danh cho rằng không thể thu hồi số tiền này, vì các giao dịch giữa Phạm Công Danh với các cá nhân này là hợp pháp, nay không thể phục hồi trả lại nguyên trạng các giao dịch. VNCB có lỗi khi các bị cáo rút tiền, VNCB cho vay trái pháp luật thì VNCB phải tự chịu trách nhiệm. Không thể bắt những người ngay tình chịu thiệt hại thay cho VNCB.

Sau khi xử sơ thẩm, các cá nhân bị án sơ thẩm tuyên phải trả lại hơn 6.500 tỷ đồng đều có kháng cáo. Việc thu hồi của tòa sơ thẩm cho đến nay chưa có hiệu lực pháp luật. Nếu có hiệu lực pháp luật, thì cũng chưa được thực thi và không có gì đảm bảo sẽ thu hồi đủ trên thực tế số tiền này.

Chưa có hiệu lực pháp luật, chưa thực thi, nhưng việc thu hồi đã có hiệu lực thực tế để Tòa sơ thẩm giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo và xác định trách nhiệm dân sự của Phạm Công Danh với VNCB.

Vấn đề pháp lý và thực tế đặt ra là nếu Tòa phúc thẩm sửa hoặc hủy quyết định thu hồi này của Tòa sơ thẩm thì việc tòa sơ thẩm đã căn cứ tình tiết này giảm nhẹ mức án cho các bị cáo sẽ trở thành sai và sẽ được khắc phục ra sao? Khi Tòa phúc thẩm không thể tăng hình phat cho các bị cáo nếu không có kháng nghị của Viện kiểm sát.

Như vậy, liệu Tòa sơ thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ chưa xảy ra này là một trong những căn cứ để cho 33/36 bị cáo có hình phạt dưới khung, 8/36 bị cáo hưởng án treo có hợp lý?

Theo ANTT