Cơ hội kinh doanh mới cho ngành công nghiệp hỗ trợ
Ngày 6/10 tại TP HCM đã khai mạc triển lãm “METALEX Vietnam 2016”, “Triển lãm Liên minh các Doanh nghiệp ngành Công nghiệp Hỗ trợ 2016”, “NEPCON Vietnam 2016” và “Triển lãm Sản phẩm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam 2016”.
Hình ảnh tại triển lãm.
Chuỗi sự kiện này là sự khởi động chiến dịch hỗ trợ nền công nghiệp sản xuất Việt Nam, đồng thời tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
Triển lãm với sự tham gia của hơn 500 thương hiệu quốc tế, và hơn 10.000 khách tham quan đến từ Việt Nam và các nước khác. Sự kiện diễn ra trong vòng 3 ngày từ 6-8/10.
Các chuyên gia hàng đầu trong ngành công nghiệp hỗ trợ cùng thảo luận và trao đổi về những thách thức và cơ hội trong lĩnh vực công nghiệp.
Đối với Nhật Bản, 10 năm qua, thương mại song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản đã có tốc độ tăng trưởng ấn tượng 13,9% hàng năm, có 2.586 chủng loại thuế đã được loại bỏ sau khi Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam-Nhật Bản có hiệu lực từ năm 2009, chiếm 28% của tổng số 9.390 dòng thuế cam kết. Triển lãm chính là dịp xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa các công ty Việt Nam-Nhật Bản.
Ông Thomas Takao, đại diện phía Nhật Bản đánh giá, phát triển công nghiệp hỗ trợ được xem là chính sách ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Trong quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ Công Thương phê duyệt, linh kiện phụ tùng kim loại, nhựa-cao su, điện-điện tử và công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao là những lĩnh vực được nhấn mạnh. Mục tiêu lớn đặt ra cho ngành sản xuất linh kiện đến năm 2020 là đáp ứng 60% nhu cầu sản phẩm linh kiện phụ tùng cho các ngành công nghiệp, và 80% đến năm 2030.
Tại các KCX & KCN TP HCM hiện có khoảng hơn 260 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thuộc ngành Công nghiệp hỗ trợ, chiếm trên 50% tổng doanh nghiệp FDI. Phần lớn nguyên liệu, linh kiện phụ tùng cho các doanh nghiệp này được nhập khẩu từ nước ngoài, cho thấy liên kết giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước còn hạn chế.