Đối thoại để hiểu dân
Mới đây, trong phiên họp thứ 2, các thành viên của UB TVQH đã xem xét cho ý kiến vào việc giải quyết ý kiến cử tri gửi tới kỳ họp thứ 11 QH khóa XIII. Sau khi tinh lọc, QH đã gửi tới các cơ quan liên quan xem xét giải quyết 914 kiến nghị.
Như vậy là số kiến nghị mà các cơ quan QH, Nhà nước cần trả lời trước cử tri là hơn 1/3. Điểm đặc biệt là các kiến nghị của cử tri phần lớn liên quan đến đời sống xã hội, dân sinh; đến những vấn đề thiết thân.
Nó cho thấy, những yêu cầu của dân đều là những yêu cầu từ thực tế cuộc sống. Vì thế, việc các cơ quan ban ngành giải quyết kiến nghị của dân cũng phải sát với thực tế.
Trước phiên họp này của TVQH, trong một phiên họp khác, cũng các thành viên của TVQH đã xem xét cho ý kiến vào Báo cáo phòng chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ trình bày.
Tại phiên họp ấy, ông Phan Văn Sáu-Tổng Thanh tra Chính phủ khi nói về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, tiếp công dân đã cho biết: Trong năm, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp 271.525 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2015) với 155.245 vụ việc (tăng 14,8%); có 3.966 đoàn đông người (tăng 9,6%); đã giải quyết 15.810 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 77,8%.
Thông qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước và trả lại cho công dân 51 tỷ đồng, 86 ha đất; bảo vệ quyền lợi cho 1.112 người, kiến nghị xử lý hành chính 355 người (đã xử lý 192 người)…
Nhìn vào các con số về giải quyết khiếu nại tố cáo, giải quyết ý kiến kiến nghị của cử tri có thể thấy rõ: Cử tri gửi kiến nghị đến QH thì không nhiều nhưng các cơ quan có trách nhiệm tiếp công dân mỗi năm phải tiếp đến vài trăm ngàn lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo. Mà, theo như nhận định của Thanh tra Chính phủ thì con số ấy đã giảm gần 5% so với năm trước đó; tuy nhiên vẫn ở mức cao.
Vấn đề đặt ra là vì sao người dân đi gõ cửa cơ quan công quyền giảm không đáng kể? Chắc chắn sẽ có những lý giải khác nhau. Có thể do bị kích động - số này không thể loại trừ-nhưng có lẽ phần đông là do chưa thỏa mãn với một số cơ quan công quyền trong việc giải quyết khiếu nại tố cáo.
Thực tế thì, Chính phủ luôn đặt ra yêu cầu với các cơ quan chấp hành pháp luật. Trong một dịp làm việc với TP Hồ Chí Minh về vấn đề liên quan đến giải quyết khiếu nại tố cáo, mới đây, ông Đặng Công Huẩn - Phó Tổng thanh tra Chính phủ - đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải bảo đảm quyền lợi hợp pháp của công dân.
Và, cũng chính ông Huẩn đã yêu cầu TP Hồ Chí Minh phải chủ động đối thoại với dân. Yêu cầu ấy không phải không có lý. Đối thoại với dân - điều ấy là một trong những công việc quan trọng nhất của những người công bộc.
Cũng không cần phải nói nhiều về tác động to lớn của việc đối thoại này. Nhưng, rõ ràng, không phải cơ quan nhà nước nào và công bộc nào cũng chịu khó lắng nghe dân và giải quyết hợp tình hợp lý yêu cầu của dân. Cái dở có lẽ là ở điểm này.
Vì thế mà số lượng công dân khiếu nại vượt cấp xem ra mới chỉ giảm “nhỏ giọt”. Và, dù muốn dù không, cũng cần thừa nhận, trong số mấy trăm ngàn lượt công dân “vượt tuyến” lên Trung ương khiếu nại đa phần liên quan đến đất đai và mới đây nổi lên vấn đề môi trường và các vấn đề dân sinh khác.
Nhìn vào Báo cáo của TVQH do bà Nguyễn Thanh Hải trình bày hôm 5/10 mới thấy, các nội dung kiến nghị của cử tri liên quan đến nhiều các vấn đề dân sinh như nông nghiệp, nông thôn; vệ sinh an toàn thực phẩm; chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; giải quyết việc làm, an sinh xã hội; chính sách tiền lương; đầu tư cho vùng khó khăn; quản lý đất đai… Và, cũng không loại trừ các kiến nghị về việc nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, chống oan sai.
Một phiên họp của UB TVQH khóa XIV.
Trong đó, có 49 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, 856 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, các bộ, ngành, 5 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các tổ chức chính trị-xã hội và 4 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân tối cao.
Nhìn lại thì thấy, bên cạnh những vấn đề quốc gia đại sự, người dân ở góc độ của mình đã chủ yếu quan tâm, đòi hỏi các cơ quan nhà nước các cấp giải quyết các vấn đề liên quan đến cuộc sống của họ. Đòi hỏi này là chính đáng. Với những người dân việc ổn định cuộc sống của họ, xét ở góc độ nào đó cũng chính là góp phần ổn định tình hình địa phương, đất nước.
Nhưng, với số lượng các vụ khiếu nại vượt cấp, đông người còn ở mức cao như hiện nay; rõ ràng, chính quyền nhiều địa phương đã chưa thực sự đi vào trong dân, lắng nghe và giải quyết tốt nguyện vọng của dân. Nói khác đi là công tác dân vận chưa thực sự đạt yêu cầu ở từng thời điểm hoặc từng địa phương cụ thể. Vấn đề là chỗ này. Vì nếu Trung ương có làm tốt đến đâu mà địa phương chưa quan tâm chỉ đạo thì sẽ rất khó để giảm áp lực khiếu nại đông người lên Trung ương.
Trong bối cảnh ấy, việc Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tăng cường các đoàn giám sát liên quan đến các vấn đề mà cử tri quan tâm, bức xúc là việc làm hết sức cụ thể, thiết thực nhằm góp phần lắng nghe tiếng nói của dân được nhiều hơn, sát thực tế hơn.
Chính qua những cuộc tiếp xúc ấy mà Mặt trận đã có những kiến nghị cụ thể tới các cơ quan nhà nước trong các kỳ họp QH. Theo như đánh giá của Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải từ các báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri ấy; rất nhiều chính sách đã được ban hành hoặc sửa đổi kịp thời, góp phần làm vơi đi nỗi vất vả của người dân.
Vì thế, nếu càng tăng đối thoại, tăng sự tương tác giữa cán bộ và nhân dân chắc rằng sẽ chỉ có tốt mà thôi.