Thụy Điển - cái nôi sản sinh chiến binh thánh chiến ở châu Âu
Thụy Điển là một quốc gia dân chủ hòa bình từ lâu đã được coi là thiên đường đối với những người bỏ chạy khỏi chiến sự. Nhưng hiện nay, với hơn 300 công dân đã đến Syria và Iraq để chiến đấu, quốc gia này đã trở thành nhà “xuất khẩu” chiến binh thánh chiến lớn nhất ở châu Âu.
Từ chỗ là một quốc gia hòa bình, Thụy Điển đã trở thành
nước xuất khẩu chiến binh thánh chiến hàng đầu châu Âu. (Nguồn: BBC).
Sara, 23 tuổi, sinh sống tại Gothenburg, thành phố lớn thứ hai của Thụy Điển, mới trở về từ thành phố Raqqa ở Syria, nơi mà chồng cô đã chết trong lúc chiến đấu cho tổ chức phiến quân IS. Sara không bao giờ quên được nỗi kinh hoàng mà cô từng chứng kiến ở đó: Tiếng la hét của những người phụ nữ Yazidi bị IS cưỡng bức, những người chống đối bị hành hình, mưa bom bão đạn diễn ra hàng ngày…
Ban đầu, mọi chuyện dường như có vẻ dễ dàng hơn đối với Sara khi ở “thủ phủ” của IS, nhưng sau khi chồng cô chết, cô bắt đầu để ý tới những điều mà trước đây không hề nhận ra.
“Khi chúng thiêu sống phi công người Jordan, tôi đã hỏi chúng tại sao lại làm vậy, điều đó có đúng với đạo Hồi không?” - Sara kể lại trong một buổi phỏng vấn với hãng tin BBC.
Sau đó, với sự giúp đỡ của một chiến binh IS, Sara đã thoát khỏi Syria theo tuyến đường dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và bắt chuyến bay trở về Thụy Điển.
Gothenburg từ lâu đã trở thành một trung tâm đào tạo các chiến binh thánh chiến. Với dân số chỉ khoảng nửa triệu người, thành phố cảng này từng chứng kiến ít nhất 100 người đàn ông và phụ nữ rời khỏi để gia nhập các tổ chức phiến quân chiến đấu cho cái mà họ gọi là “Nhà nước kiểu Caliphate”.
Đây cũng là thành phố đa sắc tộc nhất ở Thụy Điển bởi có đến 1/3 dân số có nguồn gốc từ các gia đình di cư, rất nhiều trong số này là người Hồi giáo. Đặc biệt là ở khu vực ngoại ô Angered, có đến 70% là người dân nhập cư.
Do tình trạng thiếu nhà ở cùng thực tế là phải chờ đợi rất lâu người ta mới có thể thuê được một căn hộ ở trung tâm các thành phố, nên đa phần những người mới đến Thụy Điển lựa chọn Angered để sinh sống. Hồi năm ngoái, có khoảng 160.000 người nhận được diện tị nạn của chính phủ nước này đã đổ tới Angered.
Vùng ngoại ô này nhanh chóng biến tướng thành một khu vực phức tạp đối với lực lượng cảnh sát.
Nhiều phần của Angered được xếp vào loại “dễ bị ảnh hưởng”, thuật ngữ mà cảnh sát Thụy Điển dùng để chỉ tình trạng các vụ phạm pháp gia tăng, và hơn hết là tồn tại một xã hội song song tại đây. Nhiều thủ lĩnh tôn giáo ở khu vực này muốn đảm bảo rằng luật Sharia hà khắc được tôn trọng, nên họ thường xuyên đe dọa mọi người - chủ yếu là phụ nữ - để họ phải ăn mặc đúng kiểu.
Trong khi đó, 2/3 trẻ em ở khu vực này đã bỏ dở việc học hành ở trường khi đến độ tuổi 15. Tỷ lệ thất nghiệp ở Angered cũng ở mức cao - 11%, khiến cho những kẻ chiêu mộ chiến binh nhằm vào giới trẻ tại đây, khuyến khích họ tham gia lực lượng phiến quân khi họ đang lạc lối.
Những vùng ngoại ô như Angered đã trở thành một chiếc “nồi áp suất” đối với chính quyền Thụy Điển, lúc nào cũng căng thẳng và chực bùng nổ. Cảm giác không được xã hội chấp nhận đã đẩy nhiều thanh niên trẻ tuổi ở vùng này đến con đường sai lạc.
Rất nhiều thế hệ đi trước của những người này đã phải bỏ chạy khỏi các vùng chiến sự để tìm kiếm cuộc sống mới và họ đã đến Thụy Điển. Họ cảm thấy vui mừng vì những gì đất nước này đã hỗ trợ họ, tuy nhiên con cái họ lại cảm thấy bị phân biệt đối xử và bị xã hội ruồng bỏ.
Vấn đề căng thẳng tại Angered càng gia tăng khi châu Âu đương đầu với làn sóng người di cư tràn vào ồ ạt. Chỉ tính riêng trong năm ngoái, Thụy Điển đã tiếp nhận mức hạn ngạch người di cư khá cao so với các nước châu Âu khác.
Thế nhưng cho đến mãi tháng Tư vừa qua, chính quyền nước này mới thông qua một điều luật sửa đổi, trong đó quy định việc di chuyển ra nước ngoài với ý định tham gia vào các hành vi khủng bố là phạm pháp.
Klas Friberg, Cảnh sát trưởng thành phố Gothenburg, cho hay chính quyền từ lâu đã nhận biết được vấn đề nghiêm trọng mà họ đang phải đối mặt và cũng hiểu về sự cấp thiết phải tăng cường các biện pháp an ninh tại các khu vực có “tồn tại xã hội” song song. Thế nhưng thực tế là có một bộ phận người trẻ tuổi có nguồn gốc di cư hiện đang bị cực đoan hóa nhanh chóng.
Vậy tại sao những người này lại muốn rời khỏi một trong những quốc gia hòa bình và tiên tiến bậc nhất thế giới để tham gia một tổ chức phiến quân nào đó ở Trung Đông? Nhiều người trong số này cho rằng họ không cảm thấy mình là người Thụy Điển. Một số chuyên gia cũng nhận định rằng, giống như Pháp, quá trình hội nhập người di cư ở Thụy Điển cũng là một thất bại.