Gập ghềnh vốn đến vùng cao
Báo cáo mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tín dụng cho khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ đến 22-9-2016 tăng trưởng 10,64% so với thời điểm 31-12-2015. Tuy nhiên, việc tìm vốn cho khu vực miền núi vẫn luôn là một bài toán khó.
Các hộ mới thoát nghèo xã Ya HLa, huyện Chư Pưh (Gia Lai) làm thủ tục
nhận vốn vay tại điểm giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội.
Có thể nói rằng việc thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ trong thời gian qua đã có những thay đổi nhất định.
Khu vực Tây Bắc: đến 31/8/2016, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại khu vực Tây Bắc đạt 26.506 tỷ đồng, tăng 8,58% so với thời điểm 31/12/2015, với hơn 1,2 triệu khách hàng còn dư nợ. Tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,25% tổng dư nợ.
Tây Nguyên: Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nguyên đến 31/8/2016 đạt 13.009 tỷ đồng, tăng 7% so với cuối năm 2015 với 666.406 hộ còn dư nợ tính theo từng chương trình. Tỷ lệ nợ quá hạn là 0,38%.
Tây Nam Bộ: Đến 31/8/2016, tổng dư nợ tín dụng chính sách vùng ĐBSCL đạt 26.550 tỷ đồng, tăng 5,1% so với 31/12/2015, với hơn 2 triệu khách hàng còn dư nợ, nợ quá hạn chiếm tỷ trọng 1,03%/tổng dư nợ.
Nguồn vốn ngân hàng đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng trên địa bàn các tỉnh miền núi, phát huy được những tiềm năng, lợi thế trong vùng, đặc biệt là trồng chế biến và xuất khẩu cà phê, cao su và các cây công nghiệp có thế mạnh khác. Song nguồn vốn này vẫn không thể thỏa mãn được sự phát triển kinh tế vùng. Nhiều ngành nghề như chế biến lâm sản, lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp của Tây Nguyên, Tây Bắc vẫn rất khát vốn.
Việc đẩy mạnh chính sách tín dụng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là tín dụng cho các hộ nghèo của khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ là chủ trương của Đảng, Nhà nước, được Thống đốc và ngành Ngân hàng đặc biệt quan tâm thông qua việc ban hành và triển khai cơ chế chính sách tín dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, hộ nông dân, trang trại, đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận vốn, mở rộng phát triển sản xuất, đẩy mạnh khai thác các thế mạnh của khu vực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo; giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có thêm vốn để sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, có cơ hội cho con em đi học, tăng thu nhập cho gia đình, cải thiện đời sống; góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Được biết, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với tỉnh ủy, UBND các tỉnh trong khu vực triển khai chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp nhằm trực tiếp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các DN trong việc tiếp cận vốn tín dụng, phục vụ cho phát triển sản xuất kinh doanh. Tính đến quý II/2016, các tổ chức tín dụng trên địa bàn các tỉnh khu vực Tây Bắc đã tổ chức được 82 hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, tổng số tiền cam kết cho vay mới theo chương trình đạt hơn 46.275 tỷ đồng cho 17.308 khách hàng (trong đó có 3.731 DN). Ngoài ra, ngành ngân hàng còn thực hiện gia hạn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, nâng hạn mức tín dụng, điều chỉnh giảm lãi suất cho các khoản vay cũ,… với dư nợ 7.554 tỷ đồng. Kết quả thực hiện chương trình đã giúp tháo gỡ khó khăn cho nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tại các tỉnh của khu vực Tây Bắc.