Xuất khẩu thủy sản: Thị trường EU là ứng cử viên số 1
“Không đảm bảo chất lượng, không chứng minh được nguồn gốc sản phẩm, doanh nghiệp có nguy cơ bị phạt nặng, thậm chí phạt với số tiền lên đến hàng triệu USD”- đó là lời cảnh báo của TS Siegfried Bank, Chuyên gia Dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của Châu Âu (EU- MUTRAP).
Ngày 7/10, Dự án EU-MUTRAP phối hợp với Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản (VIFEP) tổ chức hội thảo “Yêu cầu chứng nhận đối với thủy sản xuất khẩu sang thị trường châu Âu”. Hội thảo nhằm nâng cao hiểu biết của các nhà sản xuất và quản lý địa phương về yêu cầu chứng nhận đối với các mặt hàng thủy hải sản xuất khẩu vào thị trường EU.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, hiện thị trường EU đang duy trì vị trí thứ 2 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, chiếm 18% giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong năm 2015, xuất khẩu sang thị trường này đạt 1,2 tỷ USD, trong đó tôm chiếm 46%, cá tra chiếm 25%, cá ngừ 8,8%...
Dự báo, thời gian tới thị trường EU tiếp tục là thị trường lớn nhất về giá trị và khối lượng. Hiện nay và trong thời gian sắp tới thị trường EU tiếp tục được xem là “ứng cử viên số 1” thu hút thủy sản Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng. Trong đó có nhiều nước nhập khẩu thủy sản Việt với số lượng lớn như Anh, Pháp, Đức, Hà Lan… Không những hứa hẹn chiếm lĩnh thị trường EU, thủy sản Việt Nam đang muốn dùng EU là cầu nối để vào các thị trường khác có quan hệ kinh tế với EU.
Bà Cao Lệ Quyên- Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản cho rằng, thị trường EU là một trong những thị trường lớn, quan trọng đối với xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong những năm gần đây và dự báo sẽ tiếp tục là thị trường tiềm năng trong những năm tới. Tuy nhiên bà Quyên cũng cho biết, thị trường EU có những yêu cầu đặc thù, quy định chặt chẽ về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, các DN Việt Nam cần hiểu rõ về các chứng nhận và chính sách của EU đối với xuất nhập khẩu thủy sản. Còn TS Siegfried Bank cho rằng, thị trường EU là thị trường khó tính với hàng loạt quy định và tiêu chuẩn khắt khe như: chất lượng, nguồn gốc, hồ sơ phải có tiêu chuẩn thỏa đáng, trước đó phải làm việc với nhà cung cấp…
Lựa chọn thị trường nào, đó là quyết định của DN, nhưng xét về lâu dài, rõ ràng việc lựa chọn thị trường mang lại giá trị gia tăng cao luôn là động lực của DN. “Tôi từng chứng kiến sản phẩm thủy sản Việt Nam bị các nước EU chặn ngăn cửa khẩu. EU kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu ngay khi hàng vào cảng. Ngoài ra, khi lên quầy kệ trong hệ thống siêu thị cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra về bao bì và xuất xứ nguồn gốc” - chuyên gia Dự án EU-MUTRAP thông tin.
Riêng về truy xuất nguồn gốc nhiều ý kiến cho rằng, DN phải chú ý đến tiêu chuẩn này nhiều hơn. Lý do, nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam có quy mô nhỏ, 60% sản phẩm cá nuôi xuất xứ từ bên ngoài do thương lái thu mua bán cho DN chế biến để xuất khẩu. EU lại không công nhận thương lái là cơ sở sản xuất, vì vậy ảnh hưởng nhất định đến quy trình chế biến và xuất khẩu của DN. “Không đảm bảo chất lượng, không chứng minh được nguồn gốc sản phẩm DN có nguy cơ bị phạt nặng, thậm chí phạt với số tiền lên đến hàng triệu USD”- đó là cảnh báo của TS Siegfried Bank. Để thúc đẩy xuất khẩu thủy sản sang EU, các chuyên gia khuyến nghị DN cần đảm bảo đủ các điều kiện buộc như: GlobalGAP, ASC (nhãn của người tiêu dùng), MSC (thân thiện với đại dương), BRC (an toàn thực phẩm)… Ngoài ra, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam nên có một số chứng nhận tự nguyện khác như BAP (nuôi trồng thủy sản tốt), IFS (độ an toàn)…