Miền Tây, khi lũ không về

Thanh Giang 08/10/2016 09:05

Tại thời điểm này, lũ vẫn chưa về với Đồng bằng sông Cửu Long, làm phát sinh nhiều hệ lụy. Nguồn lợi thủy sản suy giảm nặng nề, đồng ruộng cạn kiệt không có phù sa bồi đắp, hoạt động sản xuất khai thác đánh bắt thủy sản của người dân trong mùa nước nổi đìu hiu…

Lũ kém, nguồn lợi thủy sản cũng vơi cạn.

Đói lũ, thiệt hại đủ đường

Những năm trước như thường lệ từ tháng 8 đến giữa tháng 10 người dân vùng ĐBSCL nhất là các địa phương đầu nguồn các tỉnh An Giang, Đồng Tháp hồ hởi đón lũ từ thượng nguồn sông Mekong đổ về. Nhưng các tuần đầu tháng 10 đã trôi qua, tuy rằng ở khu vực sông Sở Thượng thuộc huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp (giáp biên giới Campuchia) nước có dâng lên một chút nhưng không đáng kể.

Nhớ lại năm 2012, chúng tôi có dịp ngược dòng sông Sở Thượng lên khu vực giáp biên giới Việt Nam và Campuchia khi lũ về. Lúc ấy, đáy của ngư dân nhiều như nêm. Ấy vậy mà năm nay trở lại vùng này, số miệng đáy rất thưa thớt theo sự cạn kiệt của con nước.

Ông Nguyễn Trọng Dũng, đóng đáy ở sông Sở Thượng (thuộc xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) buồn rầu cho biết, thời điểm này của những năm trước, một miệng đáy một ngày nếu trúng lớn cũng được cả vài chục triệu đồng, nhưng năm nay chỉ được vài triệu, thấy mà ngao ngán. Trước đây cứ 1 tiếng đồng hồ là dỡ đáy một lần, có lúc kéo không nổi, nhưng năm nay 2 tiếng, hơn mới kéo một lần mà chỉ được vài kg cá linh và cá tạp. Đầu tư cả trăm triệu cho 1 cái đáy lo không gỡ được vốn…

Những năm trước, khi con nước về, tại An Giang và Đồng Tháp, người ta gác các công việc khác lại, tập trung khai thác thủy sản. Ngư cụ các loại như đăng, đáy, đặt lờ, lợp, lưới..., để đầy ruộng. Nhưng nay thì nhiều cánh đống các huyện An Phú (An Giang), Tân Hồng, Tam Nông, Hồng Ngự (Đồng Tháp) bỏ hoang vì thiếu nước.

Ông Huỳnh Văn Kha ngụ ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội, huyện An Phú, giải thích, không có lũ thì các cánh đồng sẽ không được rửa, không có phù sa. Đến vụ Đông Xuân bà con phải tốn rất nhiều chi phí cho việc vệ sinh đồng ruộng, tốn thêm chi phí làm đất, mua phân… Giá thành sản xuất tăng, lợi nhuận theo đó sẽ giảm. Đất bị “chai” sau 2 mùa vụ canh tác và chỉ chờ phù sa về để cải thiện, nhưng lũ không về coi như bỏ không mùa vụ 3.

Lắt lay làng nghề

Chúng tôi có dịp về làng lưới Thơm Rơm, nằm cặp QL91N thuộc Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ. Lúc ấy, người dân đã nói rằng, việc kinh doanh ngư cụ khó khăn, do dự báo năm nay lũ không về. Trong vòng 3 năm trở lại đây số cơ sở sản xuất lưới giảm đi hơn 1 nửa.

Ông Nguyễn Thiện Bé, người có thâm niên nghề đan lưới cho biết, làng lưới ế ẩm, các cơ sở đan lưới chỉ hoạt động cầm chừng, chủ yếu là các lao động lớn tuổi còn trụ với nghề, các thợ đan lưới trẻ tuổi đã phải chuyển sang công việc khác kiếm sống hoặc một số khác đã đi làm thuê ở các khu công nghiệp... Làng ghe xuồng ở thị xã Ngã Bảy của Hậu Giang một thời vang tiếng ở miền Tây có lúc trên 50 cơ sở chuyên nghề đóng ghe, xuồng giờ cũng dần mất tiếng vì chỉ còn 2 cơ sở với chục thợ bám nghề.

Ngược lên vùng đầu nguồn, ghé xóm lưỡi câu Mỹ Hòa Long Xuyên, An Giang nổi tiếng một thời ở miền Tây, ở đây không chỉ cung cấp lưỡi câu cho cả vùng mà còn cho cả nước, thậm chí xuất sang Campuchia. Những người thợ ở xóm lưỡi câu này buồn vui theo từng con nước, lũ không về đồng nghĩa với họ sẽ bị thất nghiệp và thực tế trước đây ở xóm này có cả trăm thợ làm lưỡi câu thì nay chỉ còn hơn chục hộ còn bám nghề, đa số là những người thợ có tuổi không thể theo được các nghề khác.

Áp lực chuyển đổi

Theo các nhà khoa học, năm nay lũ tiếp tục không về do lượng mưa ở thượng nguồn Mekong ít nên nguồn nước không có. Quan trọng nữa là các đập thủy điện xây trên dòng sông này đã ngăn lượng nước về ĐBSCL.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh- nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết, lũ không về thì đồng nghĩa với người dân miền Tây sẽ chịu thiệt hại “kép”. Sản xuất nông nghiệp tới đây sẽ đối mặt với nhiều thách thức, trong đó thời vụ canh tác có thể bị xáo trộn. Ngoài ra, hệ sinh thái của vùng ĐBSCL cũng bị ảnh hưởng, tình trạng sạt lở, sụt lún sẽ diễn ra nghiêm trọng hơn.

Theo ông Trần Anh Thư- Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, vài năm gần đây lũ kém, tỉnh đã hỗ trợ nông dân ở khu vực này chuyển đổi vật nuôi, cây trồng cho phù hợp. Các mô hình được triển khai khá hiệu quả như mô hình nuôi lươn, nuôi cá thác lác cườm, cá lóc trong bể lót bạt để từng bước giảm dần diện tích nuôi cá tra trong ao đất hoặc nuôi trong các lồng bè dưới sông. Hiện An Giang đã giảm dần diện tích trồng lúa vụ 3 ở một số vùng để chuyển sang trồng bắp lấy trái non xuất khẩu hoặc cây mè. Riêng đối với vùng đất núi luôn chịu cảnh khô hạn thì tập trung trồng khoai mì để làm thức ăn chăn nuôi, qua đó chủ động được nguồn nước tưới tiêu.

Còn với Đồng Tháp, ông Nguyễn Văn Dương- Chủ tịch tỉnh cho biết sẽ chuyển từ sản xuất lúa vụ 3 sang các hình thức sản xuất khác như nuôi trữ cá thiên nhiên, khai thác cây thủy sinh, nuôi cá đồng, tôm càng xanh…; không trông chờ vào lũ như mọi năm.

Năm nay, lũ không về, các tỉnh ĐBSCL thêm khó khăn. Tuy nhiên, nói như các chuyên gia nông học thì việc thiếu lũ, xâm nhập mặn, khô hạn cũng sẽ là áp lực để ĐBSCL tìm ra lối thoát cho riêng mình để vẫn là vựa lúa, vựa cá, vựa trái cây của cả nước.

Cà Mau: Hơn 12.000ha nuôi tôm bị thiệt hại do dịch bệnh

Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp Cà Mau, từ đầu năm 2016 đến nay, toàn tỉnh này đã có hơn 12.000ha tôm bị thiệt hại do dịch bệnh. Năng suất khi thu hoạch bị giảm từ 30-70% trong đó, diện tích tôm công nghiệp chịu thiệt hại nhiều nhất. Tổng diện tích tôm nuôi công nghiệp bị nhiễm bệnh khoảng 345ha, chủ yếu bệnh đốm trắng và một số bệnh liên quan đến gan tụy. Nguyên nhân được ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đánh giá là do thời tiết thất thường, ảnh hưởng thiên tai, đặc biệt là tình trạng hạn hán kéo dài nên tình hình dịch bệnh trên tôm diễn biến khá phức tạp và có chiều hướng lây lan trên diện rộng.

Hiện trên địa bàn tỉnh Cà Mau, nhiều hộ dân nuôi tôm công nghiệp đang phải chịu thua lỗ nặng và đứng trước nguy cơ thiếu vốn tái đầu tư. Để hỗ trợ các hộ nuôi trong tái đầu tư và hạn chế dịch bệnh lây lan trên diện rộng, cơ quan chức năng Cà Mau đã hỗ trợ bà con trong vùng chịu thiệt hai nặng hơn 80 tấn hóa chất Chlorine để khử vi khuẩn trong các ao nuôi tôm.

Tuấn Quang

Thanh Giang