Tản mạn về người Hà Nội
Ngót 60 năm sống ở Hà Nội, với bất cứ cộng đồng dân cư nào, tôi, một người có quê sinh Hà Tĩnh, đều có chủ ý quan sát xem họ và mình có mang được một chất lượng sống gì mới, để được gọi là cư dân Hà Nội không? Bởi từ các môi trường sống quen thuộc là cơ quan, trường học, phố xá, nhà ga, vườn hoa, bến xe, bệnh viện, cửa hàng, nhà máy, doanh trại quân đội… tôi thấy nhân quần ở tất cả những nơi đó đều mang dáng vẻ “ngụ cư”. Họ đều là những người ở khắp các vùng miền trên cả nước về Thủ đô rồi lập n
Hãy tìm về cái gọi là phố cổ - nơi cư ngụ của lớp dân cư đã sống ở đây qua nhiều đời ở những phố Hàng… Nhiều đời cũng có nghĩa là có cái đầu đời - họ từ nông thôn mà ra, từ sự phân hóa chậm chạp nghề nông và nghề thủ công, để có một lớp người thủ công - lành nghề, chọn Kẻ Chợ làm nơi sinh sống, để thoát khỏi sự cản trở và phong bế của kinh tế làng. Nơi đó bây giờ được gọi là trung tâm, là phố cổ, và từ mấy năm nay, chính quyền thành phố đã chọn làm khu đi bộ, phục vụ cho nhu cầu du lịch. Đến từ nhiều nơi để thành cư dân Hà Nội, từ rất lâu đời, khi Hà Nội còn có tên là Kẻ Chợ, họ vừa mang theo dấu ấn của quê gốc, lại được Hà Nội hóa theo thời gian - để có những nét mới, bền vững cho đến hôm nay.
Và nếu Hà Nội xưa có một nơi, để bây giờ gọi là phố cổ, thu gọn trong phạm vi 36 phố phường thì Hà Nội trong hơn một thế kỷ nay luôn luôn có một ngoại ô, một ven đô mỗi ngày một nới rộng ra, rồi chuyển thành nội đô, khắp cả bốn phía, tỏa ra khắp năm cửa ô, để từ dăm chục vạn dân mà lên đến năm, sáu triệu người bây giờ. Vậy cái ngoại ô ấy, ăn nhập ra sao, và nói gì với cái Hà Nội thanh lịch ta đang bàn. Cái ngoại ô, và các ngõ hẻm, đã rất sớm có diện mạo của nó trong văn học, từ khi xã hội thuộc địa chính thức được hình thành - cùng thời với ngày khánh thành cầu Paul Doumer và Nhà hát Lớn Hà Nội; cùng lúc với sự thay thế chữ Hán và chữ Nôm bằng chữ Quốc ngữ, để làm nên một nền văn học hiện đại xuất hiện từ đầu thế kỷ XX trong phong trào báo chí, xuất bản mà Hà Nội là một trong hai trung tâm lớn nhất của cả nước, và nhanh chóng có gương mặt hoàn thiện của nó trong những năm 1930 - 1945. Những cái ngoại ô, với đủ mọi dáng nét, hình thù của nó đã sớm có mặt trong phóng sự của Tam Lang, Trọng Lang, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Đình Lạp; trong tiểu thuyết của Nam Cao; trong hồi nhớ và truyện ngắn của Vũ Bằng, Tô Hoài…
Bàn về người Hà Nội trong một cơn giao chuyển lớn của lịch sử, để đi dần vào quỹ đạo của thời hiện đại không thể không quan tâm đến thế giới ngoại ô với không gian đặc trưng này của Hà Nội.
Sau phố cổ và ngoại ô, sau người Hà Nội chính gốc và ngụ cư, tôi muốn tìm đến người trí thức, như một vùng sống quan trọng cho ta hiểu cái gọi là thanh lịch - như là nét riêng hoặc nói đúng hơn, nét nổi đậm của Hà Nội. Người trí thức Hà Nội trong lịch sử, từng có tên gọi chung là sĩ phu Thăng Long, hoặc sĩ phu Bắc Hà, đã làm nên cốt cách và tinh hoa của đất nước. Chuyển sang thời hiện đại, cũng người trí thức trong chiều dài hơn một thế kỷ, kể từ “Vĩnh - Quỳnh - Tố - Tốn” được gọi là “Tứ hổ Tràng An” làm nên gương mặt tinh thần cho một chuyển đổi lớn của lịch sử. Trên mọi lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật, khoa học, người trí thức trong đích đến là Cách mạng tháng Tám 1945 gần như tất cả đều quy tụ xung quanh Chính phủ Hồ Chí Minh, để cùng toàn dân đồng tâm chống ba loại giặc: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm mà làm nên một cuộc đổi đời của dân tộc và góp phần tạo nên gương mặt của đất nước sau 1945. Làm giàu cho vốn văn hóa dân tộc, trên nhiều lĩnh vực - ở đây không kể các lĩnh vực khoa học xã hội và tự nhiên, đó là những tên tuổi đứng ở hàng đầu nền văn học hiện đại, như Nguyễn Tuân hay Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng hay Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng hoặc Tô Hoài rồi tiếp đến là cả mấy thế hệ viết nối tiếp nhau sau 1945, chính họ là những người, qua tác phẩm, đã góp công phát hiện, đồng thời cũng là người lưu giữ một biểu tượng rõ nét thế nào là giá trị, là phẩm chất, là tinh hoa - gồm cả nét thanh lịch của người Hà Nội.
Nhưng là nghệ sĩ - họ lại là những con người rất khác nhau, và do khác nhau nên sự sống mới hiện lên đa dạng đến thế. Và xét về nguồn gốc thì dường như số lớn trong họ là “ngụ cư”, không phải có gốc gác lâu đời ở Hà Nội. Vậy là, ở góc nhìn của khoa học, cần những dữ liệu, những điều tra theo kiểu xã hội học; cần những đối chiếu, phân tích, bác bỏ hoặc xác minh. Ở góc nhìn của nghệ thuật, cần tìm đến sự kết tinh của nó trong các thành tựu và tên tuổi của văn chương, hội họa, âm nhạc, kiến trúc, sân khấu, nhiếp ảnh, điện ảnh… Mở rộng ra thì thật là mênh mông. Khi đi vào hội họa của Bùi Xuân Phái, Trần Văn Cẩn, Dương Bích Liên… Khi đi vào âm nhạc của Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Đức Toàn… Khi đi vào sân khấu, với Thế Lữ…; vào kiến trúc với Nguyễn Cao Luyện…; vào nhiếp ảnh với Võ An Ninh…
Để, từ thực trạng đó, mà đi tới một thức nhận chung. Đó là: Những gì cả nước có Hà Nội cũng đều có. Hà Nội không cô lập mà gắn bó với cả nước. Người Hà Nội không phải là một loại đặc chủng, đứng riêng, hoặc đứng ra ngoài cộng đồng người Việt Nam. Nhưng do khả năng tiếp nhận và gạn lọc kỳ diệu (hoặc vĩ đại) của nó, Hà Nội vẫn có một gương mặt riêng để được gọi là NGƯỜI HÀ NỘI.