Nan giải việc di dời Nhà máy thép Việt - Pháp
Như Đại Đoàn Kết đã đưa tin, Quảng Nam sẽ có nhà máy thép nghìn tỉ. Nhiều ý kiến lo lắng cho rằng, đây có phải là phiên bản của Formosa Hà Tĩnh? Trước vấn đề trên đã có những thông tin trái chiều.
Người dân dựng lều trước Nhà máy sản xuất thép Việt – Pháp ở Điện Bàn,
Quảng Nam để phản đối nhà máy.
Di dời vì dân phản đối!
Ngày 6/10, trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Hồng Quang- Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng: Thực tế đây chỉ là vấn đề di dời địa điểm của Nhà máy sản xuất thép Việt – Pháp thuộc Công ty Việt - Pháp (NMSXTVP) đã có và đóng tại Cụm công nghiệp Thương Tín, ở phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã hoạt động từ năm 2012. Do nhiều nguyên nhân, nhà máy đứng trước những khó khăn và buộc phải di dời. Hơn nữa để nhà máy được xây dựng và đi vào hoạt động thì phải qua một quá trình thẩm định nghiêm ngặt, trong đó sự đồng thuận của người dân.
Qua tìm hiểu được biết, nhà máy nói trên được cấp phép 50 năm, công suất 48.000 tấn/năm đi vào hoạt động từ năm 2012. Tuy nhiên gần đây người dân phản ánh nhà máy gây ô nhiễm môi trường nên đã dựng lều trước cổng nhà máy để phản đối. Trước tình thế đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã đưa ra yêu cầu nhà máy phải di dời vào cuối năm 2017. Và Dự án NMSXTVP nghìn tỉ ra đời với quy mô 17 ha, có công suất 180.000 tấn/năm, gấp 3,75 lần so với hiện tại. Theo văn bản số 420/TB-UBND, ngày 23/9/2016, NMSXTVP sẽ đặt tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện miền núi Nam Giang.
Tại Báo cáo ngày 3/10 của UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã cho thấy: “Thời gian qua, người dân xung quanh phản đối vì cho rằng NMSXTVP gây ô nhiễm, làm ảnh hưởng đến môi trường, ANTT tại khu vực và ảnh hưởng đến sản xuất của nhà máy”. Đáng chú ý, theo kế hoạch di dời, Công ty Việt - Pháp đề nghị nhà nước hỗ trợ 123,85 tỉ đồng.
Còn nhiều gian nan
Ngay sau khi UBND tỉnh có chủ trương đồng ý với Dự án này, nhiều ý kiến cho rằng, nếu nhà máy được xây dựng ở thượng nguồn là nguy hiểm về môi trường không chỉ đối với cuộc sống người dân bản địa mà còn lo ngại dòng nước phục vụ hạ du bị ô nhiễm. Sở KH-ĐT cũng có văn bản gửi UBND tỉnh, không thống nhất chủ trương đầu tư mới nhà máy tại địa điểm này với lý do: Trong thời gian qua, Dự án luyện thép Formosa Hà Tĩnh và Đồng Nai đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Chính phủ đã đưa ra quan điểm chỉ đạo không đánh đổi phát triển kinh tế lấy môi trường bị hủy hoại. Lĩnh vực sản xuất thép thuộc lĩnh vực công nghiệp nặng nên sẽ ảnh hưởng đến môi trường (nhất là các loại kim loại nặng thải ra trong quá trình sản xuất và khói bụi dù doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động môi trường).
Tuy nhiên, ông Lê Phước Hoài Bảo, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam lại cho rằng : “Nếu Dự án bảo đảm 3 yếu tố về vấn đề môi trường, các lợi ích xã hội và hiệu quả kinh tế thì Sở luôn hoan nghênh…”.
Tại Hội nghị Tỉnh ủy chiều ngày 3/10, nhằm lấy ý kiến để chuẩn bị một số nội dung cho kỳ họp Quốc hội sắp tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam - Phan Việt Cường đã đề cập đến Dự án NMSXTVP. Theo ông Cường, cần phải thẩm định các vấn đề kỹ càng, dứt khoát không được làm ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người dân. Nếu làm không được thì đóng cửa. Thực hiện đúng theo Chỉ thị của Thủ tướng về vấn đề này nhằm bảo vệ môi trường. “Việc xây dựng nhà máy cần phải đánh giá môi trường cho kỹ.” – ông Cường nói.
Được biết, Sở TN-MT vừa tổ chức thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐMT) Dự án trên và đã mời một số chuyên gia có kinh nghiệm tham gia thẩm định. Tại Báo cáo có nêu: “Ý kiến của các thành viên Hội đồng đã thống nhất thông qua nhưng cần chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện Báo cáo ĐMT của Dự án về các phương án giải phóng mặt bằng, phương án di dời dân, khảo sát nguồn nước cấp tại khe suối gần Dự án…”.
Để Dự án được triển khai, còn nhiều vấn đề phải giải quyết, như văn bản thống nhất chủ trương mà ông Huỳnh Khánh Toàn – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam ký đã nêu, “chủ đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án nói trên theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn hiện hành và nhiều yêu cầu thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng theo đúng quy trình, pháp luật”.