Đoàn kết, đổi mới mở ra cơ hội phát triển với đồng bào Chăm
Tiếp xúc với người dân 2 xã thuộc tỉnh Ninh Thuận, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, việc chuyển dịch mô hình kinh tế cá thể sang mô hình liên kết hợp tác là một sự đổi mới. Đoàn kết gắn với đổi mới sẽ là cơ hội phát triển cho đồng bào Chăm.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân tại buổi tiếp xúc người dân hai xã
Phước Hữu, Phước Thái tỉnh Ninh Thuận.
Tối ngày 7/10, trong không khí thắm tình đoàn kết, người dân hai xã Phước Hữu, Phước Thái, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đã có buổi gặp gỡ chân tình, được nói lên tiếng lòng của mình với Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Đây là một trong những nội dung công tác quan trọng của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam do Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu để tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân tại tỉnh Ninh Thuận.
Cùng đi với đoàn có ông Nguyễn Bắc Việt, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ tỉnh Ninh Thuận; ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận; Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh; Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Thanh thiếu niên của Quốc hội Hoàng Thị Hoa; Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Trần Tấn Hùng và đại diện Bộ Văn hoá, thể thao và Du lịch.
Tiếp xúc lắng nghe các tầng lớp nhân dân là một trong những hoạt động quan trọng của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Trong buổi tối ngày 7/10, nếu không nhìn vào những pano treo trang trọng trong Trung tâm học tập cộng đồng xã Phước Hữu thì không ai có thể hình dung đây là một buổi tiếp xúc các tầng lớp nhân dân với rất nhiều nội dung quan trọng, thiết thân với đời sống mà đích thực là một ngày hội sinh hoạt ở khu dân cư với rất nhiều màu sắc văn hoá của đồng bào dân tộc Chăm.
Nhân dân hai xã Phước Hữu, Phước Thái đã tập trung đông đủ
tạiTrung tâm học tập cộng đồng xã Phước Hữu.
Ngay từ chập tối, nghe tin có đoàn công tác của UBTƯ MTTQ Việt Nam đến thăm là làm việc, nhân dân hai xã Phước Hữu, Phước Thái đã tập trung đông đủ về Trung tâm học tập cộng đồng xã Phước Hữu.
Do lượng người kéo về quá đông, Trung tâm học tập cộng đồng không đủ chỗ ngồi, rất nhiều người phải đứng ở ngoài để dõi theo những nội dung trao đổi quan trọng thiết thân của đồng bào mình với Đoàn công tác Trung ương.
Trong vòng tay của đồng bào dân tộc Chăm, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ sự xúc động và khẳng định: Nếu không có đồng bào dân tộc không có đất nước hôm nay. Dù là dân tộc gì thì cũng có trách nhiệm với sự phát triển đất nước và trách nhiệm của nhà nước là hỗ trợ và chăm sóc bà con.
Chính vì thế, người đứng đầu Mặt trận mong mỏi sẽ nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị của bà con. Với những kiến nghị nào mà địa phương không giải quyết được, Đoàn công tác Trung ương sẽ nhận trách nhiệm để kiến nghị với Chính phủ.
Ninh Thuận là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Chăm nhất cả nước với 77.000 người. Trong đó huyện Ninh Phước là huyện có đông đồng bào Chăm sinh sống nhất với 46.210 người.
Dân tộc Chăm chủ yếu theo hai đạo chính, gồm: Đạo Bàlamôn và Hồi giáo (Bàni, Islam). Đến nay, 100% các làng Chăm đều có trường mẫu giáo, trường tiểu học và THCS, 100% xã được công nhân xóa mù và phổ cập giáo dục tiểu học.
Các huyện có đông đồng bào Chăm sinh sống đều có trường THPT, riêng huyện Ninh Phước có 3 trường THPT, 6 trường tiểu học và 1 trường THCS đạt chuẩn quốc gia.
Phước Thái là xã có địa bàn đa dạng, vừa đồng bằng, vừa trung du và miền núi. Tại 8 thôn của xã có 4 dân tộc đang sinh sống.
bộ xã có 15 chi bộ trực thuộc, với 140 đảng viên, trong đó, đảng viên là dân tộc Chăm là 114 đồng chí, chiếm tỷ lệ 81,4%.
Cùng nằm trên địa bàn huyện Ninh Phước, xã Phước Hữu nằm cách trung tâm huyện lỵ 1,5 km, gồm 7 thôn, với tổng số dân 19.492 người.
Trong 4 dân tộc đang sinh sống, đồng bào Chăm chiếm tỷ lệ 58%. Nhân dân trong xã theo hai tôn giáo chính: Bàlamôn và Phật giáo.
Trong buổi tiếp xúc, lãnh đạo hai xã là ông La Văn Điệp, Bí thư xã Phước Hữu và ông Lưu Văn Thuỷ, Chủ tịch UBND xã Phước Thái đều có chung một đề xuất: Đảng và nhà nước cần có chính sách đặc thù cho vùng đồng bào dân tộc Chăm.
Chính sách đặc thù cho người dân tộc Chăm như mong mỏi của hai lãnh đạo xã đã được người dân hai xã cụ thể hoá bằng những ý kiến thẳng thắn.
Theo ông Lưu Văn Thính, xã Phước Thái, người có uy tín, Hội đồng chức sắc Chăm Bàlamon, tỉnh Ninh Thuận, đời sống người dân tộc có rất nhiều khó khăn.
Có một số gia đình có con em học giỏi, nhưng lại không có tiền học đại học. Còn sinh viên tốt nghiệp ra trường 2-4 năm nay thì lại không có việc làm nên sau đó phải sang Bình Thuận tưới thanh long, lên Đắk Lắk hái cà phê, vào TP Hồ Chí Minh làm công nhân…
“Như thế thì rất lãng phí”, ông Thính chia sẻ.
Đồng cảm với ý kiến trên, ông Lưu Ra, thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu cho biết, người dân vay tiền cho con đi học để thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, con em tốt nghiệp lại không có việc làm.
Trước tình trạng thất nghiệp nhiều, ông Lưu Ra cho rằng tỉnh phải có kế hoạch thu hút đầu tư, để bà con, con em không phải đi làm xa.
Tại hội trường trung tâm nhà văn hoá cộng đồng xã Phước Hữu, ông Lưu Ra nếu ra một vấn đề nhức nhối của xã hội là tình trạng “con ông cháu cha” thì mới có cơ hội được tuyển dụng vào cơ quan nhà nước.
Từ đó ông Lưu Ra kiến nghị phải công khai hơn nữa trong việc tuyển dụng công chức.
Cũng theo ông Lưu Ra, trước đây, cán bộ là người dân tộc thiểu số cũng nhiều, kể cả lãnh đạo nhưng hiện nay ở tỉnh, sở ban ngành về hưu không có lực lượng kế cận.
“Chúng tôi đề nghị các cơ quan công quyền, đặc biệt là hành chính nên có chỉ tiêu cho tỉ lệ cán bộ dân tộc thiểu số. Chẳng hạn ở xã, phải có ít nhất là một người Chăm trong Đảng ủy xã” ông Lưu Ra kiến nghị.
Trời càng về khuya, không khí trong Trung tâm hoạt động cộng đồng càng nóng bởi nhiều vấn đề bức thiết đặt ra từ chính đời sống của đồng bào dân tộc Chăm.
Ở bên ngoài, không khí cũng nóng không kém. Chúng tôi gặp anh Đổng Ngọc Phan đang công kênh con gái thứ hai của mình trên vai, đứng ngoài hàng rào ngó vào hội trường.
Anh Phan hiện đang là công nhân của một công ty muối gần nhà.
Anh Phan chia sẻ, khi biết được tin Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân sẽ về thăm dân, anh rất mong muốn được gặp ông Chủ tịch Mặt trận để phản ánh ý kiến của mình và bà con xung quanh.
“Chuyện khó khăn nhất hiện nay là các em học đại học xong ra trường, về quê không tìm được việc làm. Chúng tôi rất mong các em có việc làm để trả nợ cho nhà nước”.
Ở Phước Hữu, anh Phan cho biết, có nhiều gia đình được hỗ trợ vay tiền ngân hàng cho con đi học và mong muốn được trả nợ nhanh cho nhà nước.
Trao đổi với nhân dân hai xã Phước Hữu, Phước Thái, ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận khẳng định, “không một kiến nghị nào của bà con mà chúng tôi không lắng nghe nhưng vì điều kiện của tỉnh khó khăn vẫn còn rất nhiều”.
“Chúng ta cần đoàn kết, thống nhất vượt qua khó khăn để tỉnh ngày càng giàu mạnh” - ông Lưu Xuân Vĩnh khẳng định.
Ba năm qua, Ninh Thuận bị hạn hán rất nặng nhưng theo Chủ tịch UBND tỉnh, Ninh Thuận đều duy trì các chỉ tiêu phát triển.
Vấn đề an sinh xã hội đều được tỉnh quan tâm, không để dân thiếu ăn, không để dịch bệnh xảy ra. Tỉnh cũng rất quan tâm đến các chính sách cho đồng bào dân tộc.
Tất cả các kiến nghị của bà con hai xã, ông Lưu Xuân Vĩnh khẳng định, đều rất xác đáng. Tuy nhiên, trong thời gian tới, tỉnh sẽ có kế hoạch trung hạn 5 năm, trong đó quan tâm giải quyết những vùng khó khăn nhất sau đó mới đến các vùng khác.
Đối với một địa phương “thiếu nước, thừa nắng” như Ninh Thuận, thuỷ lợi là một vấn đề quan trọng bức thiết hàng đầu.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lưu Xuân Vĩnh, hiện nay, tỉnh quan tâm trữ nước cho hồ Tân Mỹ với 212 triệu khối, hệ thống hồ Tân Giang cũng được cung cấp thêm nguồn nước để cấp nước cho Thuận Nam và Ninh Phước.
Nếu hồ Sông Than được giải quyết thì cũng giải quyết cơn khát cho những vùng lân cận.
“Về lâu dài, chúng tôi đang kiến nghị liên thông các hồ để điều tiết nước vào mùa khô” ông Lưu Xuân Vĩnh khẳng định.
Lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con hai xã, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã chia sẻ với từng vấn đề cụ thể bà con nêu.
Trong đó người đứng đầu Mặt trận đánh giá cao phong trào khuyến học, khuyến tài trong vùng đồng bào dân tộc Chăm. Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, “hiếu học không có nghĩa là học một lần mà phải học suốt đời”.
Hiện nay 100% học sinh con em đồng bào Chăm ở các trường tiểu học vùng đồng bào dân tộc Chăm đều được học tiếng Chăm, người đứng đầu Mặt trận đề nghị tỉnh Ninh Thuận tiếp tục quan tâm đến chính sách bảo tồn, phát triển ngôn ngữ, chữ viết và các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc, trong đó có dân tộc Chăm.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ với nhân dân hai xã
Phước Hữu, Phước Thái tỉnh Ninh Thuận.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, giữ gìn chữ viết của dân tộc là hết sức quan trọng, tỉnh Ninh Thuận có thể nghiên cứu, xây dựng đề án cấp quốc gia về tiếp tục hoàn thiện tiếng Chăm, góp phần cải cách ngôn ngữ này cho phù hợp, hoàn thiện hơn nữa.
Hoan nghênh hai xã Phước Hữu và Phước Thái có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất trong tỉnh, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân gợi mở, trong thời gian tới, để tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo, người dân cần tiếp tục đổi mới phương thức sản xuất để xã, huyện, tỉnh phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Liên quan đến kiến nghị của người dân về giải quyết việc làm cho thanh niên, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng con em dân tộc Chăm muốn tìm được việc làm cần tìm hiểu kỹ ngành nghề mình học sau 5 năm nữa liệu có đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và sự nỗ lực của chính bản thân mỗi người, trước hết, chính quyền các xã, huyện, thành phố cần lập danh sách con em người dân tộc học Đại học, Cao đẳng nhưng chưa có việc làm để gửi lên UBND tỉnh.
Từ đó, tỉnh sẽ có danh sách thanh niên chưa có việc làm, mở rộng cung ứng lao động. Nhân lực đã sẵn sàng, khi có công việc phù hợp sẽ được gửi thư đến phỏng vấn và tuyển dụng.
“Đến ngày 1/1/2017, lãnh đạo tỉnh cần chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đăng tải danh sách sinh viên đã tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng chưa tìm được việc làm, đồng thời hợp tác với các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lựa chọn người phù hợp trong danh sách này, cùng lúc đó phối hợp với Hội người Chăm tại các địa phương khác giới thiệu danh sách đến các đơn vị đang thiếu nhân lực” - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Liên quan đến việc hỗ trợ hộ nghèo, theo người đứng đầu Mặt trận, không thể trông cậy vào số tiền hỗ trợ mà phải tìm cách khác để giúp người dân thoát nghèo.
“Ví dụ như xuất khẩu lúa hiện nay dựa vào quan hệ giữa người bán và người mua, nếu càng nhiều người mua thì giá càng tăng, bài học đặt ra là cần phải có chuyển dịch cơ cấu, vùng đất nào phát triển cây nào mạnh thì cần tập trung, vùng đất nào thừa thì không tiếp tục mở rộng mô hình trồng mà thay vào đó tập trung nâng cao năng suất”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu ví dụ.
Trong khi đó, người dân muốn vay được tiền từ ngân hàng phải thông qua hợp tác xã, tổ liên kết, tổ sản xuất. Hợp tác xã cũng là nơi đứng ra đàm phán giá cho nông dân trước khi thu hoạch.
“Ninh Thuận cần nghiên cứu chuyển dịch cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi để từ đó đẩy mạnh thành lập mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác. Đồng thời mở các lớp phổ biến kiến thức cho người dân về mô hình hợp tác xã, góp phần nâng cao năng suất, tìm đầu ra cho sản phẩm cho người dân”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Cũng theo người đứng đầu Mặt trận, việc chuyển dịch mô hình kinh tế cá thể sang mô hình liên kết hợp tác là một sự đổi mới. Đoàn kết gắn với đổi mới sẽ là cơ hội phát triển cho đồng bào Chăm.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chụp ảnh lưu niệm cùng nhân dân tại buổi tiếp xúc.