Giảng dạy Lịch sử: Đổi mới cách dạy tạo hứng thú cho người học

P. Linh 08/10/2016 14:05

Ngày 7/10, tại Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Nghiên cứu và giảng dạy Lịch sử trong bối cảnh hiện nay”. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đang được đặt ra bức thiết.

Người trẻ với bia tiến sĩ trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám. (Ảnh: Lê Huy Bích).

Giáo viên là quan trọng nhất

Theo GS Vũ Dương Ninh, ĐHQG Hà Nội chia sẻ: Trong vài thập niên gần đây, môn Lịch sử đã dần trở thành môn học có phần buồn chán, khô khan. Suốt một thời gian dài môn này không có trong danh mục các môn thi tốt nghiệp THPT, vì thế đã có nhiều trường không coi trọng, dạy cho chóng hết chương trình...

“Có lẽ chúng ta đã quá tham khi muốn nhồi nhét nhiều kiến thức, cả thế giới và Việt Nam vào đầu óc con trẻ để rồi không đọng lại bao nhiêu sau khi tốt nghiệp THPT. Kéo theo đó là những trang sách giáo khoa và giờ giảng của không ít các giáo viên trở nên buồn chán, cứng nhắc. Rồi quan niệm khá phổ biến là học Lịc sử chỉ cần học thuộc đã biến bao học sinh thành những con vẹt, mà những con vẹt này cung không nhắc lại đúng những điều cần thiết”.

Tương tự, GS. Trần Thị Vinh (khoa Sử, ĐHSP Hà Nội) cũng bày tỏ sự trăn trở lớn với môn học. Theo GS Vinh, nguyên nhân cốt lõi nhất cho sự giảm dần hào hứng với môn học có lẽ là chưa kết hợp nhuần nhuyễn phương pháp giảng dạy lịch sử với giáo dục. Và như thế thì phải tìm ra nguyên nhân sâu xa. Tại các trường sư phạm hay các trường phổ thông? Tại trình độ của giáo viên hay giáo viên chưa tâm huyết. Hay là tại chương trình?

Trả lời những trăn trở nêu trên, GS Vũ Dương Ninh khẳng định: Lí do các học sinh không thích học sử trước hết do tầm nhận thức về môn sử còn chưa được đầy đủ. Thứ hai là có sự không khớp giữa giảng dạy với thực tế. Ngày xưa có nhiều anh hùng ra chiến trường là sinh viên của chúng ta. Còn hiện nay chúng ta vẫn cứ dạy về lí tưởng nhưng chỉ là nói suông… Phải gắn hơn nữa với thực tiễn xây dựng đổi mới cải cách, hội nhập thế giới. Yếu tố nữa là xã hội hiện nay là xã hội của công nghệ nên coi trọng hơn cái đó.

“Lỗi chương trình là có. Nhưng phương pháp giảng dạy là lỗi của số đông. Các thầy cô giáo giỏi vẫn sẽ tạo nên được những học trò giỏi”, GS Ninh nói.

Với tình hình ấy, các chuyên gia tại Hội thảo cho rằng, cả xã hội, đội ngũ giáo viên và học sinh đều phải có một thay đổi lớn. Trước hết là nhận thức từ trên xuống dưới để chuyển biến nhận thức xã hội. Trong đó có những việc cần phải làm ngay trong tiến trình đẩy manh cuộc cải cách giáo dục căn bản, toàn diện và triệt để.

Theo GS Vũ Dương Ninh, để Lịch sử được coi trọng như trước, được coi trọng trong các nhà trường thì trách nhiệm trước hết phải là ở bản thân ngành sử, trong đó quan trọng nhất là vấn đề chương trình, sách giáo khoa và đội ngũ giáo viên.

Đó cũng là quan điểm của PGS. TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội: Có nhiều yếu tố để làm cho Lịch sử phát triển, được coi trọng theo đúng vị trí của nó, nhưng yếu tố giáo viên là quan trọng nhất. Vì có chương trình hay, hay mọi thứ hay mà không có giáo viên giỏi thì cũng khó mà thực hiện được tốt.

Làm sao để tạo hứng thú cho người học?

Trong các cách để nâng cao đổi mới giảng dạy Lịch sử trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia tại Hội thảo cũng bày cách cho các giáo viên đổi mới cách dạy, tạo sự hứng thú cho học sinh.

Theo TS Tưởng Phi Ngọ, ĐHSP TP HCM chia sẻ: Trong hướng tiếp cận năng lực hiện nay, dạy học Lịch sử ở các trường sư phạm không dừng lại ở hệ mục tiêu kiến thức, kỹ năng, thái độ, quan điểm tư tưởng, mà còn hình thành cho sinh viên một loạt các năng lực, nhất là năng lực tự học, trong đó có tự học lịch sử qua các kênh hình, mà hai loại kênh hình nhiều nhất là lược đồ và tranh ảnh… Để khi các em ra trường có thể vận dụng, trở thành những giáo viên giỏi, tâm huyết.

TS Tưởng Phi Ngọ hướng dẫn: Các sinh viên có thể dựa vào đặc điểm phân loại tranh ảnh, lược đồ để biết tính chất phản ánh sự kiện; Dựa vào tên của tranh ảnh, lược đồ để định hướng nội dung tổng quát; Dựa vào kênh chữ để tìm nội dung kiến thức “sử” qua các tranh ảnh, lược đồ; Dựa vào kênh chữ tìm kiến thức “luận” qua tranh ảnh, lược đồ; Dựa vào chi tiết ở tranh ảnh, lược đồ để đọc nội dung phản ánh…

Có thể nói, giáo viên cần phải có phương pháp dạy học tốt kết hợp với kiến thức lịch sử, phải tìm được cái hay từ những bức tranh, bức ảnh truyền lại cảm hứng tự học cho học sinh.

Theo TS Ngọ, hiện có nhiều giáo viên còn đi “đạo” giáo án, có khi tải về các bản đồ từ trên mạng nên đã có những sai sót về kiến thức lịch sử… Vậy thì còn gì hiệu quả khi dạy các em nữa. Bởi thế các giáo viên cần tìm hiểu thật kỹ, không quá tin tưởng vào bất cứ sản phẩm nào, nhất là tải về từ trên mạng mà cần phải kiểm chứng.

Cũng đưa ý kiến tại Hội thảo, ThS Trần Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) chia sẻ: “Bối cảnh hiện nay trong xu thế hội nhập toàn cầu hoá, môn Sử đang bị xem nhẹ vị trí vai trò của nó trong hệ thống giáo dục phổ thông”.

Vậy dạy học thế nào cho đúng? Vấn đề dạy học Lịch sử hiện nay như thế nào khi đã quyết định thi trắc nghiệm? Hệ lụy trước mắt đã tác động đến học trò làm các em hoang mang, phụ huynh ko lắng và giáo viên phổ thông chán bản.

Bộ đã có đổi mới đáng trân trọng trong việc đổi mới ra đề thi. Có các vấn đề nóng như ô nhiễm môi trường, biển đảo... vào đề thi. Với cách ra đề thi mới, chúng ta sẽ còn phải chờ thời gian để kiểm định. Cho nên vấn đề quan trọng nhất hiện nay là làm sao mỗi giáo viên phải tự phát huy được tính sáng tạo, có được những câu hỏi trắc nghiệm ổn nhất. Và tất cả giáo viên phải đổi mới định hướng ra đề thi, cách dạy như thế nào trong quá trình lên lớp để các em tiếp cận nhanh nhất, phù hợp nhất.

P. Linh