Vượt lên khó khăn hướng đến tương lai
Đó là kỳ vọng của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tại buổi làm việc với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Ninh Thuận chiều ngày 8/10 về tình hình phát triển kinh tế gắn với bảo tồn văn hoá các dân tộc.
Quang cảnh buổi làm việc.
Đây là một trong những hoạt động quan trọng của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam nhằm tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân tại tỉnh Ninh Thuận.
Cùng đi với đoàn, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa; Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Trần Tấn Hùng, đại diện Bộ Văn hoá thể thao và du lịch cùng các vị trong Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Biến khó khăn thành lợi thế
Ninh Thuận có diện tích không lớn, dân số chỉ khoảng 600.000 người, sống chủ yếu ven biển và đồng bằng nhưng lại có thời tiết khắc nghiệt ít mưa, nhiều nắng. Tuy nhiên đây lại là điều kiện để Ninh Thuận có thể khai thác phát triển, biến khó khăn thành lợi thế.
Nắng, gió nhiều để phát triển năng lượng, điện gió. Bờ biển hơn 100 km nên tập trung phát triển du lịch và tập trung sản xuất những nông sản đặc thù của vùng nhiệt đới như nho, táo và có thể nuôi gia súc như dê, cừu…
Mỗi năm, Ninh Thuận cung cấp từ 40-50 tỷ tôm giống cho các tỉnh phía Nam.
Bên cạnh đó, Ninh Thuận còn có lợi thế phát triển cảng biển, các loại dịch vụ hàng hải.
Tuy nhiên, trong những năm qua, Ninh Thuận đã phải chịu nhiều tác động của hạn hán khiến nhiều chỉ tiêu đặt ra khó đạt được.
Điều này có thể gây ra nhiều trở ngại cho việc chuyển đổi nghề, xuất khẩu lao động.
Trong bối cảnh đó, theo Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh, từ giờ đến cuối năm, Ninh Thuận cần giữ vững đà tăng trưởng ở mức 9-10%, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong đó cần tập trung giải quyết thiệt hại khó khăn nảy sinh do nắng hạn, nhất là tình trạng thiếu nước.
Cần chính sách đặc thù
Theo ông Trần Tấn Hùng, Phó ban Tôn giáo Chính phủ, thời gian qua, cộng đồng người Chăm ở Ninh Thuận có 3 Ban đại diện gồm Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni, Hội đồng Chức sắc Bàlamôn và Ban đại diện Cộng đồng Hồi Giáo Islam đã được công nhận và tạo nhiều điều kiện hoạt động tín ngưỡng.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã quan tâm để loại bỏ nhiều hủ tục đồng thời các tôn giáo ngày càng đoàn kết cũng như các hoạt động tổ chức lễ hội như Katê…được tổ chức rất tốt không chỉ thu hút du khách trong nước mà còn du khách nước ngoài.
Trong thời gian tới, theo ông Trần Tấn Hùng, Phó ban Tôn giáo Chính phủ, Ninh Thuận cần quan tâm nhiều hơn các hoạt động chính đạo, xây dựng đội ngũ cốt cán trong đồng bào Chăm ít nhất một thôn có 2 cán bộ cốt cán.
Bên cạnh đó, tỉnh cần quan tâm hơn nữa trong chương trình phối hợp giữa ba tôn giáo, trong đó, cần tổ chức những chương trình đào tạo các chức sắc, tu sĩ trong đạo Bàni và Bàlamon còn các tu sĩ, chức sắc của đạo Islam thì thường được đào tạo ở nước ngoài, do đó cần có những quan tâm hơn để các tu sĩ, chức sắc vừa có uy tín vừa sống tốt đời đẹp đạo.
Giữ rặng san hô là giữ con giống
Sau chuyến khảo sát, lắng nghe ý kiến nhân dân từ HTX Hữu Đức, thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, thăm vùng đồng bào dân tộc Chăm tại xã Phước Hữu, Làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp tại thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Trung học cơ sở Đổng Dậu, xã Phước Thái, huyện Ninh Phước, tỉnh Bình Thuận... các thành viên Đoàn công tác đã có nhiều trao đổi với lãnh đạo Ninh Thuận.
Liên quan đến vấn đề phát triển tiềm năng kinh tế của Ninh Thuận, PGS.TS Võ Sỹ Tuấn nhìn nhận từ hai khía cạnh bảo tồn thiên nhiên và biến đổi khí hậu.
Trong đó, bảo tồn thiên nhiên là thế mạnh của Ninh Thuận. PGS.TS Võ Sỹ Tuấn, Viện trưởng Viện hải dương học cho rằng, tài nguyên quan trọng của Ninh Thuận là rặng san hô.
“Riêng vùng Ninh Hải đến Ninh Chữ, có 40km san hô, có khoảng hơn 3.200 hecta rạn san hô, chưa kể Sơn Hải và Cà Ná. Đó là vùng san hô lớn nhất Việt Nam. Đây là tài nguyên quan trọng, giá trị của rặng san hô này liên quan đến cả sự đa dạng sinh học ở biển Đông”, ông Võ Sỹ Tuấn khẳng định.
Cũng theo ông Tuấn, khi nhắc tới đa dạng sinh học trong phát triển kinh tế nhiều người sẽ không quan tâm vì không nhìn thấy tiền. Trong khi theo một khảo sát mới nhất của Viện hải dương học, còn san hô thì ngư dân còn được lợi.
“Tất cả những thương hiệu như cá nhái xương xanh, rong chân vịt, rong hồng vân… tồn tại được là nhờ rặng san hô. Giữ rạn san hô cũng có nghĩa là Ninh Thuận sẽ giữ vùng sản xuất tôm giống”, PGS. TS Võ Sỹ Tuấn khẳng định.
Viện trưởng Viện Hải dương học cũng nhấn mạnh tới những ưu thế của Ninh Thuận trong việc phát triển du lịch. Trong 10 điểm du lịch tiêu biểu của Ninh Thuận thì có ba điểm gắn với biển, còn hai điểm gắn với thiên nhiên, 5 điểm còn lại là liên quan đến văn hóa.
Tuy nhiên, sau chuyến khảo sát tại một số điểm du lịch như làng nghề dệt thổ cẩm, PGS. TS Võ Sỹ Tuấn cho rằng, cần phải tránh tình trạng làm du lịch theo kiểu bao cấp vì trong 600 người làm thổ cẩm ở khu vực này chỉ có hơn 80 người tham gia vào hợp tác xã dệt thổ cẩm nhưng cũng không thể sống dư dả bằng nghề truyền thống của cha ông để lại.
Vì vậy, ông Võ Sỹ Tuấn đề nghị, Ninh Thuận cần phát triển du lịch ở những làng nghề này theo hướng cao cấp hơn, có sự tương thích của một chuỗi sản phẩm, dịch vụ khác từ việc kết nối với các hãng lữ hành du lịch đến quảng cáo, khách sạn, nhà hàng...
Đồng tình với ý kiến của PGS.TS Võ Sỹ Tuấn, bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Thanh Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, Ninh Thuận nên phát triển ngành du lịch trở thành ngành công nghiệp không khói gắn với môi trường.
“Kinh nghiệm 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường từ Fomosa cho thấy, vì môi trường nên giờ không phát triển du lịch được. Mới tuần trước chúng tôi đi công tác nhưng có những khách sạn, nhà nghỉ không có khách” bà Hoàng Thị Hoa chia sẻ.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc.
Bảo tồn để phát triển du lịch san hô, du lịch biển
Qua hai ngày tiếp xúc với người dân Ninh Thuận, đặc biệt là đồng bào Chăm, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ niềm vui vì tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng đồng bào không nhắc về quá khứ mà luôn hướng đến tương lai với những kiến nghị cụ thể.
Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp đã được phục hồi. Ninh Thuận đã xác định được các sản phẩm chủ lực, nhưng phải có đề án phát triển và vẫn phải tham gia sản xuất giống. Với đà này, tỉnh sẽ có bước phát triển trong tương lai.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, Ninh Thuận nên học tập một nước trước đây là sa mạc nhưng giờ là cường quốc nông nghiệp, đó là Israel. Tỉnh có thể cử một đoàn công tác sang Israel học tập cách họ làm như thế nào. “Tôi nghĩ họ sẵn sàng giúp đỡ vì tình cảm Israel dành cho Việt Nam cũng rất tốt”.
Về vấn đề bảo tồn thiên nhiên và rạn san hô, người đứng đầu Mặt trận cho rằng, Ninh Thuận có thể đặt hàng PGS.TS Võ Sỹ Tuấn và Viện Hải dương học một đề án bảo tồn để phát triển du lịch san hô, du lịch biển.
Từ những năm 1980, Ninh Thuận đã được chọn làm điểm nghiên cứu trồng tảo. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, Ninh Thuận có thể học tập kinh nghiệm của Nhật Bản trong vấn đề này.
Ninh Thuận cũng phải tính kỹ và xem xét áp dụng rộng rãi hơn mô hình sản xuất nông nghiệp.
“Chúng tôi khảo sát và thấy rất mừng vì Ninh Thuận đã có nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động rất hiệu quả, ví dụ như Hợp tác xã Hữu Đức. Tuy nhiên, vấn đề vay vốn của Hợp tác xã tỉnh cũng nên xem xét lại. Trong cuộc làm việc tại HTX Hữu Đức và được biết, hợp tác xã chỉ cần vay 380 triệu nhưng không được. Ban Giám đốc HTX phải thế chấp nhà riêng để vay tiền. Tỉnh nên xem xét chuyện này vì quy định của Chính phủ đã có rồi”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân thăm vườn nho nhà anh Ký.
Trước khi kết thúc chuyến thăm và làm việc tại Ninh Thuận, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đến thăm và động viên nông dân Trần Quang Ký- người có nhiều sáng kiến trong cải tiến kỹ thuật trồng nho ở khu Cà Đú, thôn Triều Châu, xã Khánh Hải, huyện Ninh Hải.
Một số hình ảnh tại buổi làm việc:
Dạ Yến- Văn Nhất