Sao chỉ ưu đãi cho doanh nghiệp ‘ngoại’?
Chiều ngày 7/10, UBND TP Tam Kỳ, Quảng Nam phối hợp với Sở Lao động Thương binh & Xã hội tỉnh có buổi đối thoại với các doanh nghiệp đang làm ăn trên địa bàn. Tại đây, rất nhiều doanh nghiệp đã nêu lên những khó khăn và sự bất cập trong trong chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư.
Quang cảnh diễn đàn đối thoại với doanh nghiệp tại Tam Kỳ.
Đông Tây đối nghịch!
Trước buổi đối thoại này, nhiều doanh nghiệp đã đến văn phòng Báo Đại Đoàn Kết phản ánh sự việc. Qua đó chúng tôi ghi nhận có những nội dung chính như sau:
Một là, tại sao trên một địa bàn là thành phố Tam Kỳ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ngành nghề như nhau mà một bên được ưu đãi không thu thuế doanh thu, một bên thì thu đến 20%?
Hai là tại sao một bên phải tự bỏ biền mua đất, thuê đất, một bên được đầu tư hạ tầng lại không thuê?
Ba là, tại sao một bên được cấp đất làm nhà cho công nhân, một bên xin mãi lại không được? và nhiều vấn đề khác.
Qua tìm hiểu của phóng viên, điều mà các doanh nghiệp phản ánh là so sánh các doanh nghiệp đang hoạt động ở phía Tây với phía Đông của thành phố là Khu kinh tế mở Chu Lai (KKTMCL).
Đây là khu kinh tế được thành lập theo Quyết định số 108/2003/QĐ-TTg ngày 5/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó là có những chính sách thu hút đầu tư cụ thể mà phía Tây không có được.
Còn tại diễn đàn đối thoại ông Trần Hữu Doãn - Chủ tịch HĐQT Công ty may Tuấn Đạt bức xúc: “Để có mặt bằng xây dựng, chúng tôi phải đi mua, đi thuê từng mét vuông đất, họ thì anh dọn sạch sẽ mặt bằng rồi cấp hàng chục, hàng trăm hécta. Tại sao cùng một ngành, cùng một địa phương nhưng doanh nghiệp nước ngoài lại được ưu đãi nhiều thứ, còn chúng tôi thì bị đối xử như vậy?”.
Ông Trần Hữu Doãn - Chủ tịch HĐQT Công ty may Tuấn Đạt phát biểu tại diễn đàn.
Một doanh nghiệp cho rằng: “Cách nhau dòng sông vài chục mét, bên phía đông đặc biệt ưu đãi, còn bên phía tây lại bị teo tóp”.
Ông Doãn cũng nêu ra một ví dụ cụ thể: “5 năm qua (2011-2015), doanh nghiệp tôi đóng đến 25 tỷ đồng tiền thuế doanh thu nhưng không được ưu đãi, còn họ lại được ưu đãi thuế, một thành phố mà sao cơ chế gì lạ vậy?”.
Hãy trả lời trước 2 nghìn công nhân của tôi?
Điều nhiều doanh nghiệp bức xúc là nhiều năm họ xin được cấp đất làm nhà ở cho công nhân nhưng không được, còn phía đông tuy chưa đủ số lượng công nhân lại cấp đến hàng hecta cho họ để xây nhà.
Ông Doãn bức xúc: “Để có được số lượng 2.000 công nhân hiện nay, tôi phải đi mua từng mét vuông đất và hàng năm bỏ ra 500 triệu đồng thuê đất. Tôi đi xin cấp đất thì mấy anh không cấp, nên tôi phải đi mua và đi thuê. Còn doanh nghiệp phía đông họ mới vào thì mấy anh dọn sạch sẽ mặt bằng rồi giao cho họ hàng trăm héc ta đất và 5 ha đất vị trí “đắc địa” để làm nhà ở cho công nhân.
Chúng tôi là con của thành phố, công dân Việt Nam, chúng tôi còn có trách nhiệm bảo vệ đất nước của mình, vì sao lại không được ưu tiên? Còn giao cho họ, họ có bảo vệ được đất nước mình không? Công nhân tôi cũng cần nhà ở, nhưng tôi xin mấy anh không cho. Mấy anh nói với tôi sao cũng được, nhưng tôi mời mấy anh lên công ty tôi trả lời với 2.000 công nhân của tôi như thế nào!”.
Đại diện công ty may Kim Anh phát biểu tại diễn đàn.
Trước những bức xúc của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Lúa - Bí thư Thành ủy Tam Kỳ, Quảng Nam cho biết: “Vấn đề này, chúng tôi cũng đã có đề xuất với UBND tỉnh đưa hoạt động của các KCN Tam Kỳ như Trường Xuân, Thuận Yên,… được hưởng chính sách như Kinh tế mở Chu Lai. Nhưng kiến nghị đó chưa được giải quyết, vì đó là thẩm quyền của Chính phủ”.
Ông Lúa cũng cho rằng, phát biểu của ông Doãn của các doanh nghiệp khác là chính đáng, trên cùng một địa bàn nhưng có 2 chính sách cùng một ngành nghề, nhưng giải quyết vấn đề bất cập này thì thành phố kể cả tỉnh cũng không đủ thẩm quyền vì thẩm quyền ở đây thuộc về Trung ương.
“Chúng tôi sẽ tiếp thu sẽ kiến nghị với cấp trên. Nhưng chúng ta đã tốn bao nhiêu công sức và trí tuệ để hình thành KKTMCL.
Nó góp phần lớn thúc đẩy cho sự phát triển của Quảng Nam. Còn về cơ chế, doanh nghiệp phản ánh là đúng. Chúng tôi sẽ có cách xử lý được vấn đề này chứ không phải là bế tắc, làm sao trên địa bàn chúng ta phải có sự thống nhất trong chính sách và cơ chế, để tạo ra “sân chơi” bình đẳng”.
Nhưng nhiều doanh nghiệp trao đổi với phóng viên, họ cho rằng, để các doanh nghiệp được hưởng miễn thuế như KKTMCL là điều không thể. Bởi thực hiện như vậy thì cả nước này không đóng thuế. Bởi vì tất cả họ đều nằm ngoài KKTMCL và không có được những chính sách đặc thù như khu kinh tế này.