Chủ động giám sát an toàn thực phẩm

Xuân Thi (thực hiện) 09/10/2016 11:30

Tuyên truyền vận động nhân dân nuôi trồng, sản xuất thực phẩm an toàn chính là thể hiện tinh thần yêu nước, có trách nhiệm với xã hội, giống nòi; đó cũng là để hình thành nếp sống văn hóa của người Việt Nam...

Ông Trần Quang Minh.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình Trần Quang Minh đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi về chương trình phối hợp “Vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020” trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Xây dựng 5 nội dung trọng tâm

PV: Thưa ông, triển khai thực hiện Chương trình phối hợp vận động và giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm, Mặt trận tỉnh Quảng Bình đã có những cách làm như thế nào?

Ông Trần Quang Minh: Thời gian gần đây, an toàn thực phẩm (ATTP) đang là nỗi lo ngại đối với gia đình và xã hội. Về vấn đề này, ngay từ đầu năm 2016, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình đã chủ động có kế hoạch triển khai bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cụ thể, Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với Sở Y tế Quảng Bình ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2016 – 2020 nhằm vận động, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, trong đó có nội dung quan trọng về tuyên truyền, giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tiếp đó, vào những ngày tháng 7, Mặt trận tỉnh đã chủ động tổ chức 9 lớp tập huấn cho 1.100 cán bộ mặt trận về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tại các lớp tập huấn, chúng tôi đã mời cán bộ của Chi cục VSATTP tỉnh, Sở Y tế đến truyền đạt, phổ biến. Thông qua những lớp này, cán bộ Mặt trận ở cơ sở rất hoan nghênh và bước đầu đã tiếp thu những kỹ năng tuyên truyền, giám sát về an toàn thực phẩm để có thể triển khai rộng rãi ở khu dân cư.

Vừa qua vào ngày 30/9, UBND và Ủy ban MTTQ tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp “Vận động và giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020” trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các nội dung phối hợp bao gồm tổ chức tuyên truyền vận động; xây dựng và nhân rộng các hộ nông dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; tổ chức giám sát; phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật ATTP; tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị, phát giác của nhân dân đối với hành vi vi phạm an toàn thực phẩm; cuối cùng là sơ kết, tổng kết việc thực hiện chương trình phối hợp.

Riêng về vấn đề giám sát, trong năm 2016, Mặt trận tỉnh Quảng Bình chú trọng thực hiện 8 nội dung, trong đó có giám sát về an toàn thực phẩm.

“Khu dân cư sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm an toàn”

Ông có thể nói rõ hơn những nội dung tuyên truyền, vận động nhân dân đảm bảo ATVSTP?

Theo kế hoạch, Mặt trận tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức 9 lớp tập huấn cho khoảng 1.100 học viên là cán bộ mặt trận cơ sở, trưởng ban công tác Mặt trận ở khu dân cư về công tác an toàn thực phẩm, nhất là kỹ năng, kiến thức cho đội ngũ tuyên truyền viên. Phổ biến các nội dung của Chương trình phối hợp số 90 giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Chương trình phối hợp giữa UBND tỉnh và Ban thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình và các chỉ thị, kế hoạch liên quan khác.

Về xây dựng những mô hình “Khu dân cư sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm an toàn”, Mặt trận tỉnh dự kiến triển khai xây dựng 8 khu dân cư đại diện cho 8 thị, xã, thành phố và chọn 1 huyện, 2 xã, phường để xây dựng mô hình điểm.

Tại những mô hình này, ngoài công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, Mặt trận tỉnh sẽ cử cán bộ có kiến thức chuyên môn đến tư vấn trực tiếp cho các cơ sở, hộ sản xuất thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ký kết các nội dung chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020 ở tỉnh Quảng Bình.

Đặc biệt, đặt các hộp thư ở những nơi công cộng như ở chợ, nhà văn hóa để người dân phát giác, kiến nghị lên Mặt trận các cấp, chính quyền các cơ quan, chức năng về những hành vi vi phạm an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, công tác khen thưởng và nhân rộng những điển hình về các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn sẽ được tổ chức trong dịp Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư.

Mặt trận tỉnh quyết tâm tổ chức hội thi bằng hình thức sân khấu hóa từ cơ sở đến cấp tỉnh về an toàn thực phẩm. Thông qua cuộc thi sẽ góp phần tích cực trong việc tuyên truyền đảm bảo vệ sinh ATTP, biểu dương những gương điển hình người tốt việc tốt. Và nội dung thứ 4, ký cam kết đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Mặt trận sẽ đứng ra chủ trì phối hợp với Liên minh Hợp tác xã, Doanh nghiệp Nhỏ và vừa, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Liên đoàn Lao động tỉnh... tổ chức cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm ký cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, vận động toàn dân thực hiện an toàn thực phẩm là một nội dung trọng tâm của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; hộ nông dân, hộ kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ phải là hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn mới được công nhận là gia đình văn hóa.

Giám sát an toàn thực phẩm - vấn đề khó

Theo ông, để triển khai thực hiện hiệu quả công tác vận động và giám sát an toàn thực phẩm, Mặt trận tỉnh Quảng Bình có thể gặp những khó khăn nào?

Trước hết về ý thức của một bộ phận người dân và các cơ sở sản xuất kinh doanh vì mục đích lợi nhuận đã “bất chấp” không tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm nên để làm thay đổi ý thức của họ không chỉ trong một sớm một chiều.

Trong khi giám sát về an toàn thực phẩm là nhiệm vụ mới, lần đầu tiên của Mặt trận nên gặp khó khi thành lập đoàn liên ngành, mời những người có chuyên môn giỏi, độc lập trong lĩnh vực công tác để tham gia đoàn giám sát.

Ngoài ra, để chương trình vận động, giám sát an toàn thực phẩm đạt hiệu quả cao cần có sự thống nhất chủ trương chỉ đạo của các cấp Đảng, sự phối hợp tích cực của chính quyền các cấp, nhất là đảm bảo nguồn kinh phí triển khai thì mới thực hiện có hiệu quả.

Sau sự cố môi trường biển ở miền Trung, Mặt trận các cấp ở Quảng Bình đã tuyên truyền vận động, giám sát như thế nào để giúp ngư dân và người tiêu dùng khai thác, sử dụng hải sản sạch, thưa ông?

Từ khi xảy ra sự cố môi trường biển do Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra, các hoạt động khai thác, tiêu thụ thủy hải sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình bị đình trệ, đời sống, việc làm và thu nhập của nhân dân sống dựa vào biển và các xã ven biển gặp rất nhiều khó khăn. Mặt trận các cấp ở Quảng Bình đã lắng nghe ý kiến, những tâm tư, nguyện vọng của bà con đồng thời tuyên truyền, vận động ngư dân bình tĩnh, tin tưởng vào việc giải quyết của các cơ quan chức năng, chấp hành những chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Song song với công tác tuyên truyền, Mặt trận Quảng Bình đã trích quỹ cứu trợ, vận động các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp phát huy tinh thần tương thân tương ái để hỗ trợ, giúp đỡ những gia đình ngư dân đang gặp khó khăn.

Ngoài ra, Mặt trận tỉnh đã kịp thời phân công cán bộ bám nắm địa bàn để hỗ trợ, hướng dẫn trực tiếp, đồng thời có các giải thích thích hợp để ngư dân, người tiêu dùng hiểu rõ về ngư trường khai thác hải sản, hải sản đảm bảo an toàn thực phẩm để sớm ổn định cuộc sống.

Trân trọng cám ơn ông!

Xuân Thi (thực hiện)