Đừng để 'thú cưng' thành thú dữ

X.Mai 10/10/2016 14:00

Thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 49 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 20 tỉnh, thành phố. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do bị chó, mèo cắn. Chính bởi vậy, công tác tiêm phòng dịch cho chó, mèo là hết sức quan trọng, đừng để những con “thú cưng” trở thành “thú dữ”.

Đừng để 'thú cưng' thành thú dữ

Cần cho chó, mèo đi tiêm phòng dịch theo đúng chỉ định của cơ quan thú y.

Các chuyên gian y tế cho biết, dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do virus dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người. Người bị nhiễm virus dại sẽ lên cơn dại và tử vong nếu không được xử lý đúng cách và kịp thời.

Ở Việt Nam, theo thống kế, chó nhà là nguồn bệnh dại chủ yếu (khoảng 97%), sau đó là mèo nhà (2,7%). Chó bị bệnh dại có 2 thể lâm sàng là thể điên cuồng và thể liệt. Sau thời gian ủ bệnh từ 3-5 ngày, chó dại thường bỏ ăn, những thói quen hằng ngày bị thay đổi. Sau đó là giai đoạn lên cơn và chết trong vòng 5-7 ngày.

Hàng năm, nước ta có khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vaccine dại, phí tổn ước tính hơn 300 tỷ đồng. Miền núi phía Bắc được coi là khu vực trọng điểm của bệnh dại với hơn 80% số ca tử vong.

Các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không đi tiêm phòng vaccine và gặp chủ yếu ở vùng nông thôn nơi có tập quán nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vaccine cho đàn chó và còn thiếu hiểu biết về phòng, chống bệnh dại.

Các chuyên gia y tế cũng cho rằng, người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại thì tỉ lệ tử vong là gần như 100%. Người bị bệnh dại cũng có 2 thể bệnh lâm sàng là thể hung dữ và thể liệt.

Thể hung dữ thường biểu hiện triệu chứng gào thét, tăng cảm giác của các giác quan, sợ gió, sợ nước, nên thường được gọi là bệnh sợ nước, bị hoang tưởng, đập phá, co thắt thanh quản... Đối với thể liệt, bệnh nhân thường nằm im lìm, hay có liệt hướng lên, liệt hô hấp.

Để ngăn ngừa bệnh dại, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, người dân cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.

Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm vào vết thương hở, cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iodine hoặc povidone.

Hạn chế làm giập vết thương và không được băng kín vết thương. Đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.

Ở nhiều địa phương, người dân khi bị chó, mèo cắn thường tự ý bốc thuốc nam để uống. Đây là một cách xử trí sai lầm, điều này đã gây ra những ca tử vong trong thời gian qua. Các chuyên gia y tế khuyến cáo: Người dân tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

X.Mai