TP HCM: Bất cập chống ngập-Bài 1: Vì sao hễ mưa là ngập?
Từ sự cố úng ngập cục bộ tại sân bay Tân Sơn Nhất (ngày 26/8) cho đến thời điểm trận mưa lớn chiều 26/9 khiến nhiều nơi trong thành phố úng ngập, cho thấy đây thực sự là vấn đề lớn đối với TP HCM. Trong khi các nỗ lực đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng chống ngập vẫn chưa đem lại kết quả.
Ngập nước tại TP HCM là chủ đề được nhiều người quan tâm, chính quyền cũng rất nỗ lực xác định nguyên nhân và tìm giải pháp chống ngập.
Trong 10 năm trở lại đây, nỗ lực của TP HCM được cụ thể bằng hàng loạt dự án chống ngập tập trung giải quyết 2 nguyên nhân gây ngập xuất phát từ hệ thống sông ngòi (chưa được nạo vét, gây tắc nghẽn dòng chảy và triều cường (tăng cao, diễn biến phức tạp).
Tuy nhiên, sự cố gắng chưa đem lại hiệu quả và các quan trắc khoa học đưa ra một mối liên hệ khác dẫn đến tình trạng ngập của thành phố này.
Ngập úng từ những trận mưa khiến sinh hoạt của người dân gặp khó khăn.
Tự chặn đường thoát nước của mình
Theo quy hoạch, TP HCM phát triển đô thị theo mô hình tập trung - đa cực, khu vực trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15km và 4 cực phát triển, với hai hướng chính là: hướng Đông và hướng Nam ra biển và hai hướng phụ là: hướng Tây-Bắc và hướng Tây, Tây-Nam.
Các chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng, việc TP HCM đang phát triển theo trục Đông-Nam chẳng khác nào “tự chặn đường thoát nước” của mình. Nghiên cứu của ThS Bạch Anh Tuấn (ĐH Tôn Đức Thắng) cho biết, trước đây các nhà quy hoạch nước ngoài tư vấn TP HCM nên tập trung hướng phát triển về vùng cao là Đông - Đông Bắc, và nên giới hạn phát triển về phía Nam, gồm các huyện Nhà Bè và Cần Giờ, vốn là các vùng đất yếu và trũng.
Tuy nhiên khi tình trạng ngập xuất hiện và ngày càng phức tạp hơn thì các nhà quy hoạch mới giật mình khi thấy rằng đô thị TP HCM đang phát triển theo hướng Đông - Nam.
GS TSKH Lê Huy Bá cho rằng, việc phát triển heo hướng càng mở rộng đô thị hiện đại ở vùng Nam Sài Gòn, gồm các huyện Bình Chánh, quận 7, huyện Nhà Bè, tức là thành phố đang ngăn đường thoát nước của thành phố.
Theo GS Bá, hiện nay hướng thoát lũ chính của TP HCM là từ Bắc - Tây Bắc - Đông Bắc xuống Nam - Đông Nam - Tây Nam. Nhất là vùng nằm ở hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai - Sài Gòn, cần phải được hạn chế xây dựng vì đây là vùng đất thấp chiếm 61% diện tích, với gần 7.900km hệ thống kênh rạch chằng chịt là hệ thống thoát nước về lâu dài cho thành phố.
Còn KTS Nguyễn Đỗ Dũng thì cho rằng, các báo cáo và nghiên cứu trong nước thường quá chú ý tới vai trò của hệ thống sông ngòi và triều cường mà quên đi mối quan hệ giữa hình thức đô thị và khả năng thoát nước của đô thị đó. Do đó, giải pháp mà các cấp chính quyền đưa ra vẫn chỉ là xây dựng hệ thống đê bao và cống ngăn triều. Trong khi những giải pháp vô cùng tốn kém này lại không giúp giải quyết bản chất vấn đề.
Chuyên gia này nhấn mạnh, thực tế là mực nước cao nhất tại các địa phương lân cận như Vũng Tàu và Biên Hòa thay đổi không đáng kể trong khi mực nước cao nhất tại trạm Phú An, các trạm trung tâm TP HCM có sự gia tăng liên tục. Sự thay đổi đột biến này là hậu quả của quá trình đô thị hóa tự phát hoặc đô thị hóa dưới những chính sách sai lầm về vị trí phát triển và cách thức phát triển.
Điển hình là sự phát triển mạnh mẽ về phía Nam thành phố trên nền đất yếu và thấp hay sự phát triển tự phát hai bên bờ sông Sài Gòn về phía thượng lưu đã khiến cho hàng ngàn diện tích chứa nước bị biến mất trong nhiều năm qua.
Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa dẫn đến việc bê-tông hóa và nâng nền ở các vùng thoát nước tự nhiên của thành phố, khiến giảm khả năng thấm trung bình 50% lượng nước xuống 15%, đồng thời gây nên hiệu ứng đảo nhiệt, vốn là một trong những nguyên nhân làm gia tăng cả về số lượng và quy mô những cơn mưa nhiệt đới trong khu vực.
Lấp vùng trũng rồi phải xây hồ điều tiết
Một trong những giải pháp được TP HCM đưa vào chương trình chống ngập chính là việc triển khai các hồ điều tiết trong đô thị.
Theo đó, thành phố nghiên cứu đưa vào quy hoạch xây dựng 103 hồ điều tiết, trong đó trước mắt sẽ xây 3 hồ điều tiết. Mới đây, để chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất, UBND TP và Cục Hàng không Việt Nam cũng đã thống nhất giải pháp đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải về giải pháp xây hồ điều tiết bên trong cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nhằm tăng khả năng thoát nước cho sân bay này.
Đối với 3 hồ điều tiết dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2016-2020, trong đó thành phố dành gần 1.000 tỷ đồng, với quỹ đất khoảng 95ha cho các điểm hồ Gò Dưa (Q.Thủ Đức, vốn đầu tư 600 tỷ đồng); hồ Khánh Hội (Q.4, với vốn đầu tư 300 tỷ đồng) và hồ Bàu Cát (Q.Tân Bình, kinh phí 50 tỷ đồng).
Trong số các hồ điều tiết này, nhiều chuyên gia cho rằng hồ Khánh Hội (Q.4) như một giải pháp chống ngập úng thay thế cho “việc đã rồi” là khu vực đô thị Phú Mỹ Hưng hiện nay đã bê tông hóa cơ sở hạ tầng dẫn đến ngập cho các vùng lân cận.
Không chỉ xây mới hồ điều tiết, TP HCM cũng đang triển khai các kế hoạch mở rộng, cải tạo một số hồ cảnh quan trong công viên của thành phố thành các hồ điều tiết nước hữu hiệu hơn. Việc triển khai xây các hồ điều tiết được kỳ vọng sẽ giúp giảm được 30% tình trạng ngập úng cho thành phố so với thời điểm hiện tại.
Như vậy có thể nói, việc tôn nền ở các khu vực vùng trũng, có chức năng thoát nước cho đô thị cũng là một nguyên nhân đưa lại các hệ lụy ngày nay, buộc thành phố phải tìm đất để làm hồ điều tiết, chống ngập cho nội đô.
(Còn nữa)