Nâng sức cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu
Trong khi xuất nông sản đang gặp nhiều khó khăn về thị trường, thì việc bị đối tác từ chối nhập khẩu do không đảm bảo an toàn thực phẩm lại càng gây thêm mối lo về đầu ra. Giới chuyên gia đặt vấn đề: Khi ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn còn phải đối diện với hàng ngàn loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu cũng như “ma trận” phân bón giả, kém chất lượng như hiện nay, thì nông sản rất khó nâng cao được sức cạnh tranh.
Xuất khẩu gạo vẫn là thế mạnh của Việt Nam. (Ảnh minh họa).
Nhập hơn 4.100 loại thuốc trừ sâu mỗi năm (90% từ Trung Quốc), thị trường tồn tại đến 5.700 loại phân bón (trong khi nước ngoài chỉ khoảng vài chục loại)… Đây là một trong những nguyên nhân lý giải cho việc, tại sao sức cạnh tranh của nông sản Việt lại thấp khi ra thị trường quốc tế? Đặc biệt, gần đây, do không đảm bảo về tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm, gạo Việt còn có nguy cơ bị Mỹ “cấm cửa”.
Thời gian gần đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra cảnh báo đối với các DN Việt cần hạn chế việc xuất khẩu gạo sang Mỹ, do nhiều lô hàng gạo xuất khẩu của ta khi sang thị trường này đã bị trả về vì tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép của quốc gia này.
Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), 6 tháng đầu năm 2016, có tới hơn 500 container gạo thơm của Việt Nam bị đối tác trả về vì lý do không đạt tiêu chuẩn chất lượng. VFA cũng cho hay, nhiều năm trở lại đây, hàng loạt các đơn hàng xuất khẩu gạo của các DN đã không được đối tác chấp thuận chỉ vì tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá ngưỡng cho phép.
Không chỉ nhiều lô hàng gạo xuất khẩu của ta bị đối tác nước ngoài trả về do không đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, mà rất nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam như chè, thanh long… đã từng bị Mỹ cấm thông quan vì bị cho là có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức quy định.
Việt Nam đứng trong top đầu thế giới trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản như gạo, chè, cà phê... Việc tạo được chữ “tín” với khách hàng đã khó, giữ được chữ “tín” càng khó hơn. Thế nhưng, theo giới chuyên gia đánh giá, sở dĩ, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông sản của Việt Nam ngày càng giảm sút chính là bởi, cung cách sản xuất tùy tiện, nhắm mắt làm liều sao cho đạt số lượng mà không quan tâm đến chất lượng của người sản xuất cùng với việc quản lý thiếu chặt chẽ của ngành chức năng đã làm xấu đi hình ảnh nông sản Việt trên thị trường thế giới.
Theo GS. Nguyễn Lân Dũng, làm sao các sản phẩm nông sản của chúng ta có thể cạnh tranh được khi Việt Nam bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng cho việc nhập đến 4.100 loại thuốc trừ sâu (phần lớn là thuốc trừ sâu nhập từ Trung Quốc) mỗi năm?
Vị chuyên gia này phân tích, thuốc trừ sâu có xuất xứ từ Trung Quốc rất độc hại, có thể lưu giữ lại trên cây trồng rất lâu, vậy nên trong một đợt xuất hàng, chỉ cần một vài chục tấn gạo xuất khẩu bị phát hiện chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật thì hàng ngàn tấn gạo xuất khẩu đó coi như bỏ.
Gạo xuất khẩu sang Mỹ gặp khó vì tồn dư thuốc bảo vệ thực vật lớn.
Không những phải chịu sức ảnh hưởng của hàng trăm ngàn tấn thuốc trừ sâu đổ vào cây trồng mỗi năm, người nông dân còn phải đối diện với “ma trận” của hơn 5.700 loại phân bón, trong khi con số này ở các nước phát triển chưa đến hàng trăm. Nhận định về vấn đề này, ông Lại Xuân Môn - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, với thực trạng tồn tại hàng ngàn chủng loại phân bón trên thị trường hiện nay, người nông dân không thể phân biệt đâu là phân bón chất lượng tốt, đâu là phân bón rởm, kém chất lượng, điều đó thực sự ảnh hưởng rất lớn đến lĩnh vực trồng trọt nói riêng và nền kinh tế nông nghiệp nói chung.
Giới chuyên gia đặt câu hỏi, khi ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn còn phải đối diện với hàng ngàn loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu cũng như “ma trận” phân bón giả, kém chất lượng như hiện nay, thì làm sao nông sản Việt Nam có thể nâng cao được sức cạnh tranh?
Cái khó của chúng ta hiện nay là, chúng ta chưa thể cung ứng được những sản phẩm đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc, trong khi thị trường thế giới luôn yêu cầu điều này. Đây chính là lý do tại sao, các sản phẩm nông sản của ta khó có thể vượt qua được các quy chuẩn chất lượng tại thị trường nước ngoài, đặc biệt là những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU…
Khó cạnh tranh về chất lượng tại thị trường quốc tế, ngay cả ở trong nước, gạo Việt cũng bị người tiêu dùng Việt Nam quay lưng. Không khó để nhận thấy, gần đây, người tiêu dùng trong nước đã tìm đến các sản phẩm gạo Thái Lan, gạo Campuchia ngày một nhiều hơn vì lo sợ gạo sản xuất trong nước chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật lớn, không đảm bảo về an toàn thực phẩm. Chủ một Công ty sản xuất nông sản sạch đã phải chua xót khi nói lên sự thật rằng: Bây giờ, chỉ người nghèo mới ăn gạo Việt, còn người giàu, người có tiền họ tìm mua gạo nhập khẩu phẩm cấp cao.
Trong khi các nước đang ngày càng nâng cao quy chuẩn về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm thì Việt Nam vẫn đang sản xuất theo phương thức đổ hàng trăm tấn thuốc trừ sâu, phân bón kém chất lượng vào cây trồng. Giới chuyên gia đặt câu hỏi: Cứ tiếp tục sản xuất như vậy, bao giờ nông sản xuất khẩu mới nâng được sức cạnh tranh?