Vào nơi sẽ đặt nhà máy thép nghìn tỷ
Thôn Hoa (thị trấn Thạnh Mỹ, Nam Giang, Quảng Nam) được chọn làm nơi để khảo sát xây dựng nhà máy thép nghìn tỷ những ngày qua sống trong thấp thỏm. Vị trí nhà máy thép sẽ nằm gần Nhà máy xi măng Xuân Thành. Hiện nhà máy này đang ngày đêm tra tấn người dân bằng khói bụi. Trong khi huyện, tỏ ra yên tâm với những gì qua báo cáo.
Người dân thôn Hoa, sống trong ô nhiễm vì nhà máy xi măng Xuân Thanh,
bất an trước thông tin sẽ có thêm nhà máy thép.
Khổ vì xi măng, nay lại lo thép
Vừa dừng xe bên tuyến quốc lộ 14B hỏi chuyện Nhà máy thép Việt Pháp, người dân thôn Hoa ai cũng nhốn nháo bàn tán. Bởi hiện tại, 118 hộ dân nơi đây đang sống trong ô nhiễm vì Nhà máy xi măng Xuân Thành xả khói, bụi gây ô nhiễm.
Giữa trưa nắng, chỉ tay về phía nhà máy xi măng, anh Bnươch Sơn (24 tuổi) trưởng thôn Hoa, nói: “Khói và bụi từ nhà máy xi măng xả như sương mù vậy đó. Về đêm khói bụi càng nhiều hơn. Người dân trong vùng mấy năm nay sống trong cảnh ô nhiễm vì nhà máy xi măng, nếu có thêm nhà máy thép, không biết dân đây sống ra sao?”.
Là người có trình độ, tốt nghiệp trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam, qua theo dõi báo chí từ lâu anh Sơn biết rõ việc Nhà máy thép Việt Pháp đang đóng tại KCN Thường Tín (thị xã Điện Bàn) nhiều lần bị dân phong tỏa, đuổi đi chỉ vì gây ô nhiễm.
Hết đường, nhà máy được đề xuất đưa lên huyện Đại Lộc nhưng bị chính quyền phản đối vì lo sợ gây ô nhiễm. Nay, nhà máy lên Nam Giang đặt ngay thôn Hoa, khiến vị trưởng thôn trẻ này không khỏi lo sợ cho cuộc sống của mình và dân làng sau này.
Anh Sơn cho biết: Ngày 7/9 vừa qua, chính quyền huyện Nam Giang cùng lãnh đạo nhà máy họp dân trong thôn để công bố quy hoạch xây dựng nhà máy thép. Vị trí quy hoạch nằm tại tổ 3 thôn Hoa, 20 hộ ảnh hưởng đất đai, nhà cửa.
Tại buổi họp, người dân lo việc nhà máy sẽ gây ô nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe lâu dài. Bên cạnh đó là việc tái định cư, người dân sẽ đi đâu và về đâu khi họ luôn ám ảnh thiếu đất sản xuất.
“Nhà máy đã bị người dân Điện Bàn phản đối rồi huyện Đại Lộc từ chối, nay đưa lên đây làm sao dân chúng tôi không lo được. Nhà máy có thể giải quyết việc làm nhưng đổi lại là ô nhiễm thì không thể chấp nhận, nhìn nhà máy xi măng thì biết. Làm gì thì làm, sức khỏe của người dân phải trên hết. Tốt nhất, chọn phương án nhà máy biệt lập khu dân cư”, anh Sơn nói.
Bà Nguyễn Thị Quế, sống lay lắt với bệnh ung thư sau khi chồng vừa mất cũng vì ung thư.
Căn nhà của bà Nguyễn Thị Quế, nằm bên QL14. Chồng bà là ông Trương Văn Phùng vừa qua đời ở tuổi 50 vì bệnh ung thư gan hơn 3 tháng. Riêng bà Quế đang bị ung thư vú đã di căn. Bà Quế cho biết: Toàn bộ nương rẫy, trang trại nằm phía dưới Nhà máy xi măng Xuân Thành.
Nước mưa theo khe, mương từ nhà máy chảy về làm nương rẫy ô nhiễm nặng. Nhà máy đã 2 lần đo đất nói để bồi thường cho gia đình bà nhưng mãi không thấy. “Chồng mất, tôi chết sống ngày nào không hay. Giờ sức lực và gia tài khánh kiệt rồi. Nếu có nhà máy thép nữa, thì con cái sẽ sống đâu?”, bà Quế nghẹn ngào.
Ông Mã Tiến Định (56 tuổi) một hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng của dự án, cho biết: Ông có diện tích đất hơn 3ha, cách đây khoảng 1 tháng gia đình ông được chính quyền mời họp để công bố chủ trương, quy hoạch. Cá nhân ông và nhiều gia đình bày tỏ việc không đồng tình với việc đưa nhà máy thép về đây. Chính quyền đã đo đạc đất đai của gia đình ông và xác định diện tích ảnh hưởng là gần 2ha.
Tuy nhiên, điều khiến ông Định khó hiểu là việc đo đạc này người dân không được chính quyền thông báo để chỉ dẫn vị trí đất cho chính xác. Ông chỉ được thông báo khi mọi việc đo đạc đã xong xuôi. Trong khi đó, trưởng thôn Hoa cho hay: Đầu năm 2016, tại khu vực này, chính quyền cũng vừa công bố quy hoạch và thu hồi đất để làm nghĩa trang rộng 5ha, đã mở đường bê tông nhưng chưa có ngôi mộ nào. Nay lại công bố quy hoạch nhà máy ngay cạnh đó, hết sức khó hiểu?
Khu vực thôn Hoa dự kiến sẽ đặt nhà máy thép.
Huyện đã an tâm!
Ông A lăng Mai, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho rằng: Nam Giang là huyện nghèo, cơ sở hạ tầng và đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân còn khó khăn. Huyện đang chật vật trong việc xóa đói giảm nghèo cho dân. Hiện tại, huyện đang quy hoạch cụm công nghiệp để kêu gọi nhà đầu tư.
Theo ông Mai, những năm qua, so với các huyện miền núi khác, Nam Giang “may mắn” vì được tỉnh đầu tư và các doanh nghiệp khảo sát, sử dụng đất làm dự án. Đến nay trên địa bàn huyện có Nhà máy xi măng Xuân Thành hoạt động hiệu quả, thu hút được 90 lao động địa phương, góp phần đóng góp ngân sách cho huyện. Ngoài ra có các dự án thủy điện, tuy có sự cố này kia nhưng nhìn chung có tác động, thay đổi bộ mặt cơ sở hạ tầng…
Ông Mai khẳng định: Muốn thay đổi diện mạo miền núi phải có doanh nghiệp vào đầu tư làm ăn, bởi ngân sách của tỉnh và trung ương đầu tư không ăn thua. Trên tinh thần đó, vừa qua, Nhà máy thép Việt Pháp có lên đặt vấn đề khảo sát đầu tư đặt nhà máy tại Nam Giang. Huyện ủng hộ và giới thiệu công ty chọn thôn Hoa bởi nằm trong quy hoạch phát triển cụm công nghiệp và cạnh nhà máy xi măng. Đến nay, huyện đã giới thiệu cho công ty khảo sát được 17,2ha
Ông Mai cho biết: Vấn đề sản xuất thép đang là vấn đề nóng, “nhạy cảm” nên huyện rất lưu ý, đảm bảo quy trình thủ tục hồ sơ và xin ý kiến của tỉnh. Bởi quyết định đầu tư là của tỉnh, nhưng huyện sẽ không vì mục tiêu phát triển mà đánh đổi môi trường sống.
“Khi nhà máy thép lên đặt vấn đề, chúng tôi có cử đoàn cán bộ huyện và thị trấn Thạnh Mỹ đi tham quan Nhà máy thép Việt Pháp tại thị xã Điện Bàn. Chúng tôi thấy nhà máy này dùng thép phế liệu để nấu ra thép.
Nhà máy báo cáo nung 1,5 tấn thép phế liệu cho ra 1 tấn phôi thép. Sau khi tham quan, huyện ủy và UBND huyện họp thống nhất chủ trương cho nhà máy vào khảo sát và có văn bản xin ý kiến của tỉnh.
Tỉnh có giao các sở ban ngành nghiên cứu, Ban xúc tiến đầu tư của tỉnh trực tiếp lên làm việc với huyện lấy ý kiến và tham mưu cho tỉnh thống nhất chủ trương lập dự án đầu tư” ông Mai cho biết.
Liên quan đến dự án, ông Mai cho hay, huyện Nam Giang đã nhận được 3 văn bản của tỉnh Quảng Nam, gồm: Văn bản thống nhất chủ trương; Văn bản Sở TN&MT về sử dụng đất và Văn bản tỉnh Quảng Nam gửi Bộ TT&TT phản hồi thông tin di dời Nhà máy thép Việt Pháp.
Theo ông Mai, dư luận có nhiều vấn đề thông tin trái ngược, không thống nhất. Người này nói Nhà máy thép Việt Pháp gây ô nhiễm là “Formosa Quảng Nam”, người kia nói không.
Nhưng thực tế khi làm việc giữa tỉnh và nhà máy thì nhà máy nói đầu tư theo công nghệ hoàn toàn mới, tổng mức đầu tư khác xa. Ở Nam Giang là 975 tỷ đồng, trong khi ở thị xã Điện Bàn chỉ có 300 tỷ đồng. Về dây chuyền sản xuất ở đây cũng khác xa so với Formosa Hà Tĩnh.
UBND tỉnh Quảng Nam cho biết chỉ thống nhất cho phép Cty TNHH Thép Việt Pháp khảo sát, nghiên cứu đầu tư nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại huyện Nam Giang với quy mô khoảng 17,3ha và chưa thống nhất với tổng mức đầu tư của dự án là 975 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư chỉ được UBND tỉnh xem xét tại Quyết định chủ trương đầu tư. Tại thông báo số 420/TB-UBND ngày 23/9/2016 của UBND tỉnh Quảng Nam về thỏa thuận địa điểm lập dự án đầu tư xây dựng Nhà máy thép Việt Pháp, UBND tỉnh đã yêu cầu Cty TNHH Thép Việt Pháp thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Xây dựng và các quy định hiện hành. Nguyễn Thành Tác động sẽ rất lâu dài Ông Nguyễn Trường Ảnh, Giám đốc Cty TNHH cấp nước Đà Nẵng, tỏ ra lo lắng trước việc Nhà máy thép Việt – Pháp sẽ được di dời lên thượng nguồn sông Vu Gia, nơi cung cấp 250.000m3/ngày đêm cho Nhà máy nước Cầu Đỏ, chiếm 99% nguồn nước sạch Đà Nẵng. Theo ông Ảnh, những năm qua, do thủy điện chặn dòng, nước Vu Gia chảy về Đà Nẵng không đủ để đẩy mặn, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của thành phố Đà Nẵng, nước ngọt trở nên khan hiếm. Vào mùa nắng, Nhà máy nước Cầu Đỏ không đủ nước ngọt, phải đầu tư hệ thống bơm nước từ thượng nguồn và sông Cu Đê về. “Không nên xây dựng nhà máy thép cũng như các nhà máy sản xuất công nghiệp nặng phía thượng nguồn các dòng sông. Bởi tác động vào nguồn nước là tác động lâu dài và qua nhiều thế hệ. Xây nhà máy, càng lên phía thượng nguồn thì phạm vi tác động càng rộng lớn và hậu quả khôn lường”, ông Ảnh khuyến cáo. |