Trung-Hàn: Có găng nhưng không gãy
Hàn Quốc đã biểu lộ phản ứng ngoại giao mạnh mẽ về việc tàu của Trung Quốc đâm chìm tàu tuần duyên của Hàn Quốc, triệu đại diện ngoại giao của Trung Quốc ở Hàn Quốc lên Bộ Ngoại giao để chính thức phản đối.
Phía Hàn Quốc cũng tuyên bố sẽ bằng mọi cách truy cứu trách nhiệm của những người Trung Quốc trên con tàu kia về việc đã xâm phạm hải phận Hàn Quốc, đánh bắt hải sản trái phép và đâm chìm tầu tuần duyên của Hàn Quốc kể cả khi không nhận được sự hợp tác từ phía Trung Quốc.
Về biểu hiện ra bên ngoài, quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc vì chuyện này mà trở nên căng thẳng. Nhưng trong thực chất thì tác động thật sự của vụ việc chỉ hạn chế.
Vụ việc không phải mới mẻ. Giữa hai nước này trước đó cũng đã từng xảy ra chuyện tương tự. Hàn Quốc và Trung Quốc hiện ở trong thời kỳ có mối quan hệ hợp tác khá tốt đẹp, hơn hẳn mức độ quan hệ của cả Trung Quốc lẫn của Hàn Quốc với Nhật Bản.
Ngoài những lợi ích chung từ quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, hai nước này còn dùng chính mối quan hệ song phương cho quan hệ của từng nước với đối tác khác ở trong cũng như ngoài khu vực Đông Bắc Á.
Hàn Quốc không thể bỏ qua vai trò và ảnh hưởng của Trung Quốc trong việc đối phó với nguy cơ an ninh từ vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên cũng như trong việc gây áp lực với Nhật Bản liên quan đến những chuyện xảy ra trong quá khứ lịch sử ở thời phát xít Nhật Bản xâm lược và đô hộ Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên.
Trung Quốc cũng không thể bỏ qua việc dùng thúc đẩy quan hệ với Hàn Quốc để phân hoá nội bộ mối liên minh quân sự giữa Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Trung Quốc có nhu cầu tranh thủ Hàn Quốc phục vụ cho cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Nhật Bản. Vì những lợi ích riêng cũng như chung ấy mà hai nước mày không dễ để găng với nhau đến mức gãy cầu quan hệ.
Không chỉ với Hàn Quốc mà cả với nhiều đối tác khác, Trung Quốc cũng sử dụng tàu đánh cá làm một trong những công cụ và phương cách xâm lấn và tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở khu vực Đông Á.
Hàn Quốc phải thể hiện thái độ phản đối mạnh mẽ ra bên ngoài chính vì sách lược và chiến lược nói trên của Trung Quốc, để ngăn cản Trung Quốc biến tiền lệ thành thông lệ và để tránh buộc phải có những biện pháp đối phó mạnh mẽ hơn trên thực địa.