Tiêu chí nông thôn mới
Nhiều người Việt định cư ở nước ngoài không giấu nổi xúc động khi trở lại thăm quê hương xứ sở. Họ rời xa nơi chôn rau cắt rốn với những hình ảnh ao tù, nước đọng, đường làng lầy lội, nhà tranh vách đất... Nay trở về thăm quê cũ, các khu dân cư và ruộng đồng đã được sắp xếp lại. Đường làng ngõ xóm quang đãng sạch sẽ. Điều gì đã tạo nên những thay đổi lớn bộ mặt nông thôn?
Làm đường giao thông trong xây dựng nông thôn mới.
Dư luận cho rằng một phần là do Chính phủ đã phát động phong trào xây dựng nông thôn mới theo các tiêu chí từ ngày 14/6/2010. Trong các tiêu chí có tiêu chí về quy hoạch; tiêu chí về hạ tầng kinh tế- xã hội, bao gồm các tiêu chí về: giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất, văn hóa, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở; 10 tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất, bao gồm các tiêu chí về: thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động, về tổ hợp tác, giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, tổ chức chính trị - xã hội và an ninh trật tự.
Qua hơn 6 năm thực hiện, chủ trương xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng và làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn. Nếu chỉ nhìn vào các tiêu chí về “điện, đường, trường, trạm” thì bộ mặt nông thôn quả đã có những thay đổi lớn. Tuy nhiên, nhìn sâu bên trong thì thấy vẫn còn nhiều vấn đề nan giải.
Đặc biệt, qua một số năm thực hiện, bên cạnh các thành tựu, đã thấy xuất hiện một số lệch lạc trong vận dụng các tiêu chí do Chính phủ đề ra. Đó là khuynh hướng chạy theo thành tích, nặng về bề nổi mà nhẹ về thực chất. Với tư tưởng nóng vội, muốn có kết quả nhanh, một số địa phương đã huy động đóng góp quá sức dân.
Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 5/10/2016, nhiều đại biểu đã tỏ ra băn khoăn lo lắng về số nợ hơn 15.000 tỷ đồng của hơn 3.637 xã do đã vung tay xây dựng điện- đường- trường-trạm. Một số nơi đã tính đến việc bán đấu giá quỹ đất của địa phương để trả nợ. Nhiều người dân cho rằng biện pháp này sẽ không giải quyết được bất cập mà còn làm nẩy sinh nhiều hệ lụy tiêu cực khác.
Hiện tượng nóng vội trong xây dựng nông thôn mới dẫn đến việc huy động quá sức đóng góp của dân, qua một số năm thực hiện, cho thấy một phần rất quan trọng là do việc xác định tiêu chí để trở thành nông thôn mới chưa rõ ràng.
Quyết định 491/QĐ/Ttg ngày 14/6/2010 nêu ra 20 tiêu chí nhưng không quy định rõ những tiêu chí nào là tiêu chí cơ bản để đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Quyết định 491/QĐ/TTG không hề nói đến việc phòng chống các khuynh hướng lệch lạc có thể xẩy ra trong quá trình thực hiện. Tư tưởng nóng vội, chạy theo thành tích nẩy sinh là điều không thể tránh khỏi.
Việc san lấp được khoảng cách giữa nông thôn với thành thị đối với Việt Nam không thể sớm được thực hiện. Chủ trương xây dựng nông thôn mới phải là một chủ trương mang tính chiến lược lâu dài. Do vậy cần đặt chủ trương xây dựng nông thôn mới ngang tầm với ý nghĩa vai trò của nó. Cũng cần xem xét và xác định lại nội hàm cơ bản của khái niệm về nông thôn mới. Các tiêu chí về nông thôn mới nên ngắn gọn, mang tính tổng quát cao nhưng phải dễ hiểu, dễ nhớ đối với người dân.
Nội hàm về nông thôn mới hiện nay được hiểu: 1) là vùng có môi trường xanh sạch đẹp; 2) là vùng mà mức sống của người dân không quá cách biệt, thậm chí có nơi cao hơn so với mức sống của cư dân thành thị; và 3) là nơi mà tính “an cư lạc nghiệp” của người dân được giữ gìn một cách bền vững.
Các tiêu chí về nông thôn mới nên tập trung vào ba mục tiêu mang tính định hướng này. Tùy theo sự phát triển của xã hội trong từng thời kỳ để nêu ra các tiêu chí mang tính định lượng như: mức thu nhập bình quân, giảm thiểu tệ nạn xã hội v.v…để xác định việc đạt hay chưa đạt tiêu chí. Quyết định 491/QĐ/TTG nêu quá nhiều tiêu chí, mang tính giàn trải, dễ dẫn đến việc chạy theo các thành tích về bề nổi.
Không thể cùng một lúc đạt được các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Vì vậy không đợi đến lúc đạt được tất cả các tiêu chí mới công nhận là nông thôn mới. Có thể công nhận và khen thưởng ngay khi địa phương mới đạt được một hoặc hai trong ba tiêu chí về môi trường, mức sống, an cư lạc nghiệp.
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới cần phát huy cao tính tự quản của địa phương. Trong vận động thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Chính phủ có hứa hỗ trợ cho địa phương 40% kinh phí. Điều này vô tình khuyến khích một số cán bộ lãnh đạo chủ trương xây dựng điện, đường, trường, trạm quá khả năng ngân sách của địa phương.
Vì vậy, trong phong trào xây dựng nông thôn mới cần khuyến khích khen thưởng kịp thời các hình thức tự quản của nhân dân địa phương trong việc bảo vệ môi trường, trong khởi nghiệp để tạo ra công ăn việc làm và có thu nhập cao của người dân, trong việc phòng chống các tệ nạn xã hội tại địa phương. Một trong những biện pháp nhằm nâng cao tính tự quản của người dân ở địa phương là khôi phục và mở rộng việc xây dựng hương ước, quy ước ở nông thôn.
Nhân dân Việt Nam đã có kinh nghiệm sáng tạo và thực hiện hương ước, lệ làng đối với sự nghiệp dựng nước và giữ nước trong hàng nghìn năm. Tác dụng của Hương ước lệ làng bị lãng quên một thời gian từ 1945 đến 1986.
Sau thời kỳ có chủ trương đổi mới (1986), hương ước, quy ước được khôi phục trở lại nhưng do chưa có sự chỉ đạo chặt chẽ nên phong trào chìm dần trong lãng quên. Trong những năm khôi phục lại hương ước, quy ước trong nông thôn thì phong trào tự quản trong nông thôn được phát huy.
Trong chủ trương xây dựng nông thôn mới, có lẽ sẽ phát huy được tinh thần tự quản trong nông thôn trong đấu tranh chống lại các tệ nạn về suy thoái môi trường, về phòng chống tham nhũng, nếu như chủ trương khuyến khích xây dựng hương ước, quy ước nông thôn, khối phố được quan tâm lãnh đạo, hướng dẫn thực hiện đúng.
Đại bộ phận nhân dân Việt Nam đang sinh sống bằng nghề nông và đang cư trú tại các vùng nông thôn. Nếu chủ trương xây dựng nông thôn mới được kỳ họp của Quốc Hội khóa XIV quan tâm chỉ đạo hướng dẫn đúng, chắc chắn rằng Việt Nam sẽ có những bước tiến nhảy vọt.