Tăng cường đảm bảo an ninh dinh dưỡng

Trần Ngọc Kha 11/10/2016 23:05

Từ ngày 16 đến 23/10, Bộ Y tế phát động chiến dịch truyền thông Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển” với chủ đề: “Bữa ăn đa dạng đảm bảo đủ dinh dưỡng, hợp lý, an toàn cho gia đình trong tình hình biến đổi khí hậu”.

Bữa ăn đa dạng đảm bảo đủ dinh dưỡng, hợp lý, an toàn cho gia đình.

Tại cuộc gặp mặt báo chí chiều 11/10, PGS.TS Lê Bạch Mai- Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho rằng: Mặc dù hiện nay chúng ta đạt được những thành tựu đáng kể trong sản xuất và xuất khẩu gạo nhưng vấn đề an ninh lương thực, thực phẩm cho hộ gia đình và cá thế, nhất là vấn đề an ninh dinh dưỡng vẫn còn phải bàn nhiều, nhất là khi thiên tai xảy ra tại những vùng sâu, vùng xa, miền núi phía Bắc, ven biển miền Trung, Tây Nguyên...

Ngoài những thiệt hại về người và của nặng nề, thiên tai gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống dân cư dẫn đến hậu quả trước mắt và lâu dài suy dinh dưỡng cho trẻ em, bệnh tật và tử vong.

Từ thực trạng nói trên, PGS Lê Bạch Mai đưa ra thông điệp các hộ gia đình cần phải đảm bảo tiếp cận bền vững với lương thực, thực phẩm cần thiết, bổ dưỡng và an toàn.

Cung cấp lương thực, thực phẩm thường xuyên, liên tục, ổn định và bền vững cho các hộ gia đình. Chủ động phát triển vườn - ao – chuồng (VAC) để tăng thu nhập, tạo nguồn thực phẩm sạch, an toàn, giàu dinh dưỡng cho gia đình.

Bữa ăn đa dạng từ nhiều loại thực phẩm, thay đổi cách chế biến đa dạng đảm bảo đủ dinh dưỡng, hợp lý và an toàn cho sức khỏe. Ăn uống hợp lý để phòng chống bệnh không lây nhiễm, suy dinh dưỡng thấp còi, nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam. Thực hiện dinh dưỡng lành mạnh và tăng cường vận động thể lực để phòng chống thừa cân béo phì.

Viện Dinh dưỡng đã có hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai các hoạt động cho Tuần lễ “Dinh dưỡng và phát triển”. Theo đó, hoạt động truyền thông tập trung vào các nội dung như sau: Nâng cao kiến thức, thực hành dinh dưỡng cho người dân trong việc lựa chọn, chế biến và sử dụng đa dạng nguồn thực phẩm an toàn, sẵn có tại gia đình, địa phương, tổ chức bữa ăn gia đình đảm bảo đủ dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, dinh dưỡng lành mạnh và tăng cường hoạt động thể lực phòng chống thừa cân béo phì...

Phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp kỹ thuật thâm canh, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản để thích ứng với tình hình mới. Hướng dẫn, vận động, khuyến khích người dân chủ động phát triển VAC gia đình gắn liền với ý thức giữ gìn bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Tăng cường các hoạt động truyền thông bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Tại cuộc gặp mặt, PGS Lê Bạch Mai mong muốn báo chí cần tham gia truyền thông về tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ và cần đảm bảo cho con ăn đủ chất, nhất là chất béo để đảm bảo cho trẻ có thể hấp thụ tốt vitamin A.

Bà còn khuyến cáo tương tự như vậy đối với việc bảo đảm cho trẻ đủ các hàm lượng nguyên tố vi lượng như kẽm, sắt... từ hải sản, rau củ quả. Cần thay đổi quan niệm ăn tôm bóc vỏ ăn cá bỏ xương. Trẻ béo phì không những được liệt vào diện “đói dinh dưỡng” mà còn có nguy cơ mắc nhiều bệnh mãn tính.

Ngoài những vấn đề mang tính khuyến cáo như Viện Dinh dưỡng đặt ra, Tuần lễ này có quan tâm đến những vấn đề khác mang tính pháp lý, chính sách? Trả lời câu hỏi của PV báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Lê Bạch Mai cho hay: Trước đây nhà nước có chương trình muối i ốt hay nước mắm pha sắt... Nhưng nay các chương trình này đã chấm dứt và các nguy cơ bệnh do thiếu các nguyên tố vi lượng này đang có nguy cơ quay trở lại. Bà hy vọng báo chí lên tiếng đồng hành với Viện để những dịp nói trên được quay trở lại và mở ra trên diện rộng và toàn diện hơn.

Để phòng chống suy dinh dưỡng, ngoài nỗ lực truyền thông, giáo dục, giám sát và điều trị lồng ghép, chúng ta cần thực hiện đồng bộ nhiều can thiệp khác, trong đó quan trọng nhất, theo Viện Dinh dưỡng, là những khẩu phần ăn học đường của trẻ. Bà cũng kêu gọi báo chí cùng đồng hành kêu gọi cơ quan BHXH đưa việc khám và điều trị suy dinh dưỡng vào danh mục thanh toán đối với các bệnh nhân có thẻ BHYT.

Trần Ngọc Kha