Mạng ảo, sai thật
Vụ việc nữ sinh lớp 8 châm lửa đốt trường bắt nguồn từ một lời nói đùa vu vơ cốt để câu “like” trên facebook một lần nữa cho thấy nguy cơ từ một bộ phận giới trẻ ngày nay chìm đắm trong thế giới ảo. Các em coi mạng xã hội quan trọng đến mức việc gì cũng có thể làm chỉ nhằm được nổi tiếng.
Ảnh minh họa.
Buồn vì không có gì đăng lên trang cá nhân trên mạng xã hội facebook, Ngọc Hân- một nữ sinh ở Khánh Hòa đã nghĩ ra trò đùa “viết mấy dòng cho vui với nội dung: “Nếu đủ 1.000 like sẽ đốt trường”.
Một ngày sau, lượng like đã đủ, thậm chí dòng tin này còn được chia sẻ rất nhiều từ những người không quen biết. Sau đó, Hân nhận được rất nhiều tin nhắn yêu cầu thực hiện lời hứa, nếu không sẽ bị đánh.
Theo lời Hân, cô bé đã định bỏ trốn nhưng sau đó bị một nhóm bạn khoảng 10 người tìm đến, mua “hộ” xăng để ép Hân phải đốt trường. Cái giá phải trả cho nữ sinh Khánh Hòa khi thực hiện hành vi đốt trường là bị bỏng ở mặt và chân, hiện đang phải điều trị tại bệnh viện.
Theo dõi câu chuyện này, nhiều ý kiến cho rằng Hân vừa đáng thương vừa đáng trách. 13 tuổi, em không còn quá nhỏ, đã có thể hiểu hành động của mình sẽ gây hậu quả xấu nhưng cũng chưa đủ lớn để vững vàng về mặt tâm lý, chống lại những thách thức, ép buộc của nhóm bạn và cả những lời đe dọa từ mạng xã hội.
Bằng chứng rõ nhất là Hân đã lựa chọn đốt phòng y tế thay vì phòng hiệu trưởng như lời thúc giục của nhóm bạn. Nhiều người đặt câu hỏi, không biết trong giây phút ấy, em nghĩ gì? Còn tôi, vẫn nghĩ rằng nếu không có những lời thúc giục kia, hẳn cô bé sẽ không châm lửa, bởi xem clip thấy Hân đã rất lưỡng lự trước khi châm.
Lỗi của Hân đã rõ. Nhưng xem xét trở lại, đáng lẽ ở lứa tuổi đang tung tăng cắp sách tới trường, được học tập, giao lưu cùng chúng bạn thì Hân lại nghỉ học, từ đó mới “rảnh rỗi sinh nông nổi”.
Phía nhà trường và giáo viên cũng đã nhiều lần tìm đến động viên nhưng không được. Dường như, ngành giáo dục đang “bất lực” với cô học trò này. Cách nào để Hân không còn buồn chán đến mức tiếp tục có những hành động dại dột như vừa rồi, có lẽ cần đến sự quan tâm nhiều hơn từ phía gia đình, và nếu có là sự phối hợp tốt hơn giữa gia đình và nhà trường.
Và một vấn đề khác cũng không kém nhức nhối đó là những cái like, chia sẻ hiện nay đã trở thành một thứ quan trọng với nhiều người tham gia mạng xã hội.
Không chỉ riêng Hân mà rất nhiều người, trong đó có cả những người trưởng thành và nổi tiếng, là thần tượng của giới trẻ vẫn hàng ngày tung ra những câu nói vu vơ kiểu “nếu đủ X like thì tôi sẽ làm thế này thế kia”.
Càng tuyên bố gây sốc sẽ càng nhận được nhiều like và chia sẻ. Tất nhiên, không phải ai cũng làm theo những tuyên bố ảo đó nhưng cũng không loại trừ rất nhiều hành động đã được thực hiện vì được cổ vũ, làm để được nổi tiếng và nổi tiếng hơn, làm để nhận lấy sự xuýt xoa của mọi người trong thế giới ảo…
Có bao nhiêu người trẻ đã, đang và sẽ như Hân? Không ai biết điều đó nhưng rõ ràng số lượng người trẻ tham gia và chìm đắm trong thế giới ảo không phải là nhỏ.
Làm bạn với con trên mạng có lẽ là vấn đề cần được cân nhắc đối với các bậc phụ huynh trong chặng đường đồng hành cùng con trưởng thành với tất cả sự yêu thương, thấu hiểu và tế nhị cần thiết thay vì cấm đoán, hạn chế.