Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp

H.Hương 12/10/2016 09:35

Đến năm 2020, cả nước phấn đấu có 1 triệu doanh nghiệp, trong khi đó hiện nay, cả nước có hơn 528.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Nên để thực hiện được mục tiêu nêu trên, cần có chính sách chăm lo cho số doanh nghiệp hiện có, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, xây dựng doanh nghiệp Việt Nam phát triển nhanh và bền vững cùng với các thành phần khác để phát triển hơn.

Báo Đại Đoàn Kết lược ghi ý kiến giới chuyên gia, nhà quản lý để tăng sức đề kháng cho doanh nghiệp, chủ động hội nhập.

Ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ chính sách Thuế Bộ Tài chính:

Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng

Hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng, hiện chúng ta đang thực hiện các FTA. Để thực hiện chủ trương hỗ trợ cho DN phát triển, ngay từ đầu năm 2016, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã có Nghị quyết 01 về phát triển kinh tế xã hội và những giải pháp để thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của năm 2016.

Chính phủ ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển DN. Mục tiêu của Nghị quyết 35 là nâng cao sức cạnh tranh của DN. Vừa rồi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có dự thảo luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa.

Rồi Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính đưa nghị quyết tháo gỡ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Doanh nghiệp khởi nghiệp trong đề nghị chính thức trình Thủ tướng phải có định nghĩa cụ thể và DN khởi nghiệp sẽ được giảm thuế suất.

Thế nào là doanh nghiệp khởi nghiệp? Theo tôi cá nhân nào bắt đầu kinh doanh cũng là được gọi là khởi nghiệp.

Về việc Bộ Tài chính quyết định hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp từ 20% về 17% được áp dụng trong 3 năm từ 2017 đến 2020.

Có quan điểm cho rằng cần phải ưu đãi ở mức cao hơn nữa. Nhưng cũng có quan điểm lại cho rằng thuế chỉ là một trong những yếu tố có tác động rất nhỏ đến việc phát triển của DN. Vấn đề không phải là giảm thuế, mà chúng ta phải làm sao tạo lập một môi trường kinh doanh thật bình đẳng để tạo điều kiện cho DN được cạnh tranh một cách lành mạnh.

Điều chỉnh giảm thuế từ 20% xuống 17% là hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Chỉ thực hiện 3 năm để chúng ta có đánh giá và tổng kết, từ đó mới mạnh dạn đưa vào luật là dài hạn. Như vậy việc chỉ giảm 3% và khống chế thời gian áp dụng là để đảm bảo thống nhất với luật.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:

Nên có chính sách chuyển dịch hộ kinh doanh

Để hướng đến mục tiêu nước ta có 1,5-2 triệu DN vào năm 2020 thì vừa phải bảo toàn lực lượng DN có tiềm năng cạnh tranh hiện hữu, vừa khuyến khích thúc đẩy phát triển thêm nhiều DN mới.

Nước ta hiện có gần 5 triệu hộ kinh doanh phi nông nghiệp, trong đó có gần 2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký. Đó là lực lượng tiềm năng của đội ngũ DN trong tương lai gần. Nếu có chính sách khuyến khích họ chuyển sang mô hình tổ chức DN thì mục tiêu có được 1,5-2 triệu DN trước năm 2020 là trong tầm tay.

Bên cạnh đó việc chuyển đổi này cũng mang đến “lợi đơn lợi kép” vì con đường chính thức hóa hoạt động kinh doanh là lối thoát cho các hộ kinh doanh trước sức ép của hội nhập. Nếu DN Việt Nam cứ nhỏ lẻ, “tiểu nông”, “tiểu công”, không minh bạch thì rất khó vươn tới chuẩn mực quốc tế, khó tạo ra năng suất, hiệu suất cao và khó trụ vững trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh gay gắt.

Do vậy nên có chính sách hỗ trợ chuyển dịch hộ kinh doanh thành DN như một mũi tên có thể trúng cả hai đích.

Đặc biệt chúng ta không thể chậm trễ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Có 2 việc cần làm ngay để tạo thuận lợi cho DN. Thứ nhất là cần có những giải pháp chính sách và hành chính quyết liệt để giảm mạnh rủi ro và chi phí, đặc biệt là chi phí không chính thức để bảo đảm an toàn và “khoan sức” được cho DN. Thứ hai là chi phí vốn.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông:

Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp

Doanh nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là khu vực chủ yếu trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đồng thời huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển và đóng góp vào ngân sách nhà nước.

Cụ thể, đến nay DN nhỏ và vừa chiếm hơn 97% tổng số DN đăng ký thành lập; đóng góp 49% GDP, khoảng 38,5% tổng đầu tư toàn xã hội và tạo ra khoảng 45% tổng số việc làm trong khu vực DN.

Tuy nhiên, hỗ trợ DN nhỏ và vừa còn nhiều hạn chế. Để giải quyết những bất cập, hạn chế trên, cần phải có khung pháp lý cao, ổn định và lâu dài để tạo thuận lợi cho DN phát triển.

Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sắp trình Quốc hội; trong đó, quy định rõ những chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng, thông tin, tư vấn, đào tạo, thị trường…

Qua đó vừa thúc đẩy được tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp vừa nâng cao năng lực quản lý của nhà nước vừa đảm bảo kinh tế tăng trưởng theo chất lượng và tính hiệu quả, bền vững.

Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách nhằm tạo dựng môi trường thuận lợi, hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo.

H.Hương