Tăng trưởng GDP: Cú hích cho chặng cuối
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,3-6,5% của cả năm 2016 như dự định của Chính phủ, kinh tế quý IV phải tăng trưởng ít nhất 7% so với cùng kỳ năm trước. “Đây là điều khó khăn, vì tăng trưởng GDP quý III, dù rất cố gắng cũng mới đạt được 6,4%.
Sản xuất công nghiệp là động lực quan trọng cho tăng trưởng của nền kinh tế.
Dự báo tăng trưởng cả năm chỉ đạt khoảng 6%” – ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại nhận định tại buổi công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý III năm 2016 do Verb - Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách tổ chức sáng 11/10 tại Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, những tháng cuối năm sẽ là thời kỳ tăng trưởng tốt.
Khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%
Theo Báo cáo kinh tế của Verb, tăng trưởng kinh tế Quý III/2016 đạt mức 6,4%, đây là mức tăng trưởng khá mạnh mẽ so với mức 5,8% của quý II trước đó. Dù đánh giá, tăng trưởng kinh tế quý sau vẫn tăng hơn quý trước, song, Verb đưa ra nhận định, tăng trưởng kinh tế cả năm 2016 chỉ có thể đạt được 6%.
Nhận định sâu hơn về con số tăng trưởng mà Verb dự đoán, tổ chức này cho hay, mặc dù còn nhiều khó khăn, Chính phủ vẫn quyết định giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay. Để đạt được mục tiêu này, kinh tế Quý IV cần phải tăng trưởng ít nhất 8,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhấn mạnh việc, đặt mục tiêu chất lượng tăng trưởng chứ không phải số lượng và phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 6,3%-6,5%.
“Chúng tôi cho rằng, ngay cả hạ mục tiêu tăng trưởng xuống mức này vẫn không khả thi, vì kinh nghiệm tăng trưởng trong những năm qua cho thấy, dù tăng trưởng Quý IV có cao hơn Quý III, cũng không thể vượt 1 điểm phần trăm. Lần duy nhất ghi nhận mức chênh lệch lên tới trên 2 điểm % là cuối năm 2009, khi Chính phủ tung ra gói kích cầu quy mô lớn nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế. Do vậy, nhóm nghiên cứu giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng 6,0% cho cả năm 2016” – TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Verb nhấn mạnh.
Đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam trong Quý III/2016, TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, tạo đà tăng trưởng chính là nông nghiệp nhưng thiệt hại ở miền Trung hồi tháng 4 và những khó khăn trong sản xuất của miền Tây thời gian qua đã tác động rất lớn đến phát triển kinh tế nông nghiệp, từ đó kéo tụt tăng trưởng của cả nền kinh tế. Bằng chứng là, khu vực nông nghiệp vốn chiếm 11-13% GDP, song trong 9 tháng đầu năm chỉ đóng góp được 0,01 điểm % vào tăng trưởng.
Còn theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, mặc dù sản xuất công nghiệp là động lực quan trọng cho tăng trưởng của Quý III, nhưng tăng trưởng chủ yếu nhờ vào xuất khẩu lĩnh vực điện tử.
“Tuy nhiên, Samsung đang gặp khó khăn khi bị mắc lỗi và phải triệu hồi điện thoại Samsung galaxy note 7 trên toàn thế giới và theo ước tính, con số thiệt hại đã lên tới khoảng hơn một tỷ USD, cho nên chúng tôi dự báo, khó khăn của Samsung sẽ tác động nhiều đến lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam những tháng cuối năm” – ông Tuyển đánh giá.
Với những nhận định như vậy, ông Tuyển cũng đưa ra ý kiến đồng quan điểm với Viện trưởng Verb, cho rằng, mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ là 6,5% rất khó có thể đạt được.
Nỗ lực trong những tháng cuối năm (Ảnh minh họa).
Có thể hạ lãi suất cho vay
Trước những diễn biến của nền kinh tế trong 9 tháng năm 2016, TS. Nguyễn Đức Thành và nhóm nghiên cứu của Verb đưa ra khuyến nghị, lạm phát tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm là không thể tránh khỏi, khi giá dịch vụ y tế mới được điều chỉnh tại 16 tỉnh thành trong Quý III, giá năng lượng hồi phục trong khi giá lương thực thế giới vẫn là một ẩn số có thể tạo áp lực lên mặt bằng giá trong nước.
Trong khi đó, cung tiền vẫn đang được điều chỉnh tăng nhanh hơn so với cùng kỳ năm 2015. Những yếu tố này khiến lạm phát hoàn toàn có khả năng chạm mức mục tiêu 5% mà Quốc hội đặt ra. Do vậy, Verb vẫn giữ vững quan điểm cho rằng, chính sách tiền tệ cần thận trọng khi điều chỉnh.
Theo nhóm nghiên cứu của Verb, khu vực DN vừa và nhỏ đang có điều kiện phát triển thuận lợi khi Chính phủ mới bộc lộ rõ mối quan tâm trong cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh. Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ trong năm 2016 được kỳ vọng là sẽ giúp giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết để hỗ trợ sự phát triển của DN.
Đặc biệt, nhấn mạnh về vấn đề lãi suất, Viện trưởng Viện Verb đưa ra quan điểm, nguồn huy động hiện nay khá dồi dào trong khi tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức vừa phải tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất hạ nhiệt.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tại thời điểm 20-9-2016 đã tăng 12,02% so với cuối năm 2015. Mức tăng này cao hơn nhiều so với mức 8,9% cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế ước tính đạt 10,5%, giảm nhẹ so với năm 2015. Nhóm nghiên cứu cũng nhận định, sức ép từ cầu tín dụng đã không còn, thay vào đó, huy động dồi dào đã giúp mặt bằng lãi suất trong nước giảm dần trong Quý III.
“Tôi cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để các ngân hàng thương mại có thể cắt giảm từng bước lãi suất cho vay, khi mà áp lực chạy đua lãi suất không còn diễn ra như Quý II. Điều này kỳ vọng góp phần tạo ra một cú hích cho cộng đồng DN trong những quý tiếp theo, bên cạnh các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ như hiện nay. Như vậy, đà tăng trưởng trở lại của nền kinh tế có thể được củng cố vững chắc hơn” – TS. Nguyễn Đức Thành nhận định.
Số liệu GDP giữa Trung ương và địa phương chênh nhau 1,7 lần Đó là thông tin được ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết tại Hội nghị “Triển khai đề án đổi mới quy trình biên soạn số liệu GRDP” diễn ra ngày 11-10 tại TP Cần Thơ. Tuấn Quang |