Festival Âm nhạc mới Á – Âu lần 2: Quảng bá đàn bầu Việt Nam
Cây đàn bầu Việt Nam sẽ được quảng bá tại Festival Âm nhạc mới Á- Âu lần thứ 2 diễn ra từ ngày 12 đến 18/10, tại Hà Nội và Vĩnh Phúc. Nhân dịp này, PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân- Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân.
PV: Thưa ông, vì sao Việt Nam lại chọn một nhạc cụ truyền thống là đàn bầu để giới thiệu với bạn bè quốc tế?
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Bởi chúng tôi muốn truyền đi thông điệp: Bạn bè quốc tế muốn tìm hiểu kỹ, sâu hơn về cây đàn bầu thì nên đến Việt Nam để được các chuyên gia, nghệ sĩ Việt Nam phân tích thậm chí minh họa các thể hiện, tận tai nghe âm thanh thật mới cảm nhận được cái hay, cái đẹp, các hồn của loại nhạc cụ độc đáo này.
Trong khuôn khổ Festival âm nhạc tới đây, chúng tôi dành riêng một buổi giới thiệu về loại nhạc cụ đặc biệt này của Việt Nam với sự tham dự của nhiều nghệ sĩ, những chuyên gia hàng đầu, am hiểu và gắn bó nhiều năm với đàn bầu như NSND Thanh Tâm, NSND Nguyễn Tiến… Họ là những người vừa nghiên cứu, giảng dạy, sáng tác, và biểu diễn trực tiếp trên cây đàn bầu.
Bên cạnh đó, tôi xin khẳng định: là Việt Nam là đất nước của đàn bầu- điều này là chân lý thì không cần phải tranh luận thêm nữa. Đàn bầu là nhạc cụ cổ truyền có từ lâu đời, hàng nghìn năm nay của dân tộc Việt Nam. Sự thuần Việt thể hiện từ việc chế tác nhạc cụ với các chất liệu là tre, nứa, gỗ… gắn liền với đời sống của nông thôn Việt Nam.
Ở Việt Nam cũng như một số nước, nhạc cụ phương tây như violon, piano… du nhập và được dân chúng chơi từ đầu thế kỷ 20 nhưng cũng không vì thế mà ta nói rằng nhạc cụ có nguồn gốc châu Âu đó có xuất xứ từ Việt Nam cả. Với đàn bầu cũng vậy.
Các nước khác có thể thành lập hiệp hội hay câu lạc bộ… đàn bầu, dành cho những người yêu và chơi đàn bầu là chuyện bình thường nhưng cũng không phải vì thế mà họ có thể phủ nhận nguồn gốc xuất xứ của nhạc cụ dân tộc này của Việt Nam.
Biểu diễn đàn bầu.
Giờ đây giống như nhiều loại nhạc cụ truyền thống khác, đàn bầu cũng đang đứng trước nguy cơ “lép vế” bởi xu thế tiếp nhận các ngôn ngữ âm nhạc mới của công chúng. Chúng ta cần phải làm gì để có khơi dậy sức sống của loại nhạc cụ thuần Việt này?
- Không thể phủ nhận cũng giống như nhiều loại nhạc cụ truyền thống khác như tì bà, sáo trúc, nhị… một trong những trăn trở của người yêu nhạc cụ dân tộc đó là tình trạng thiếu tác phẩm sáng tác mới dành riêng cho đàn bầu. Trước đây việc sáng tác tác phẩm mới với đàn bầu có nhạc sĩ Huy Thục, Trần Quý…
Thế hệ sau như tôi có viết 3-4 tác phẩm với đàn bầu, rồi có nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng… Nhưng khi đưa tác phẩm dàn dựng biểu diễn ở nước ngoài hay với các dàn nhạc lớn, đồ sộ cũng gặp nhiều hạn chế. Điều này khiến cho đàn bầu mất dần cơ hội giao lưu, lan tỏa ra ngoài biên giới. Đây là tình trạng chung đối với một số nhạc cụ khác như tì bà, sáo trúc, đàn nhị…
Cách đây 2 năm, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Khoa nhạc cụ truyền thống của Học viện Âm nhạc Quốc gia có cùng xây dựng CLB nghệ thuật đàn bầu. Cho đến giờ CLB do NSND Thanh Tâm làm chủ nhiệm đã thu hút được 200 người tham dự. Có người chơi đàn bầu thực thụ, yêu đàn bầu chơi nghiệp dư, thậm chí chỉ có người chỉ yêu thích nghe đàn bầu… nhưng họ đã cùng ngồi lại với nhau để chia sẻ tình yêu với loại nhạc cụ đặc biệt này…
Chúng tôi cũng phối hợp tổ chức một số CLB âm nhạc truyền thống khác như đàn và hát dân ca, ngoài việc hát lại các bài cổ thì còn sáng tác lời mới và thậm chí còn một dòng âm nhạc dân ca đương đại, viết theo hình thức dân ca nhưng tiết tấu mới. Dần dần hình thành dòng ca khúc dân ca đương đại.
Đây cũng là hướng phát triển để tìm được nhiều loại hình hoạt động không làm lặp lại những cái cũ. Với sự nỗ lực này hi vọng sẽ đưa đàn bầu tới gần hơn với công chúng, những người yêu nhạc và lan tỏa bay xa.
Hiện nay, đàn bầu là chuyên ngành của Khoa nhạc cụ truyền thống thuộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. So với nhiều ngành học khác thì đây được coi là khoa có sức hút và gần như chiếm vị trí đông đảo nhất trong khoa nhạc cụ truyền thống. Đối với đàn bầu chúng ta đã có các giáo trình ở bậc trung học, đại học. Hiện nhiều nghiên cứu, luận án chuyên biệt về đàn bầu cũng được thực hiện.
Trân trọng cảm ơn ông!