Khi phỏng vấn xin việc: Cần quan tâm đến văn hóa ứng xử
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn việc làm, cũng như lãnh đạo các trường ĐH, CĐ, sinh viên ra trường hiện nay có những người rất giỏi chuyên môn, tuy nhiên văn hóa ứng xử còn hạn chế. Để có thể nhận được cái nhìn thiện cảm ngay từ khi đến phỏng vấn xin việc, sinh viên mới ra trường, người lao động rất cần quan tâm tới thái độ, văn hóa ứng xử của bản thân.
Theo ông Phạm Đức Vinh- Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Công nghiệp HN, hiện nay, có rất nhiều sinh viên, không phải chỉ những trường nghề mà cả các trường ĐH tốp đầu khi ra trường vẫn thiếu nhiều kỹ năng cơ bản. Không chỉ có các kỹ năng về nghề nghiệp, mà các kỹ năng mềm khác như văn hóa ứng xử, thái độ đối với môi trường, cộng đồng doanh nghiệp… vô cùng quan trọng, nhưng lại không được các em để ý.
Khi công nghệ đã phát triển thì các kỹ năng của con người thay đổi rất nhiều. Có thể bạn làm được việc đấy, nhưng quan hệ với cộng đồng, đồng nghiệp, môi trường, xã hội không tốt, không có trách nhiệm với pháp luật… mà chỉ giỏi làm nghề thì không được. Lái xe giỏi nhưng lại luồn lách, không coi trọng người khác thì cũng đâu có ai khâm phục. Cho nên chúng ta phải đào tạo, chú ý coi trọng những vấn đề đó. Đặc biệt, trong xã hội hiện đại thì những kỹ năng đó lại càng cần thiết.
Cũng về vấn đề này, bà Vũ Thị Thanh Liễu- Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm HN bày tỏ sự lo lắng: Ngoài chuyên môn, trình độ của người lao động tôi không nói làm gì, nhưng ngay cả tác phong làm việc cũng như kỹ năng đơn giản, nhiều bạn cũng không có. Đơn giản như việc đặt lịch hẹn với ai đó rồi thì phải tôn trọng. Đằng này nhiều bạn đến muộn hàng chục phút, hoặc hủy lịch hẹn không thông báo... Khi đã không tôn trọng như vậy, nếu các bạn đến phỏng vấn lần hai chắc chắn người ta sẽ nản trí, mất đi sự nhiệt tình, và đánh giá thấp bạn ngay. Bởi vì, tự họ đã có đánh giá, nếu nhận bạn vào làm bạn sẽ không có tính chuyên nghiệp.
Người lao động khi đi xin việc cần phải nhớ, đã đặt lịch hẹn làm việc thì phải đến sớm ít nhất 10 phút, theo như nguyên tắc. Tại sao phải đến sớm, vì cần có thời gian để lấy lại bình tĩnh, phong độ, tự tin...
Qua những chia sẻ trên, bà Liễu khẳng định rằng, các bạn sinh viên mới ra trường hay người lao động phải thực sự thay đổi, nếu muốn kiếm một công việc ổn định. Các trường cũng cần phải tập trung hơn nữa việc nâng cao kỹ năng cho sinh viên khi ra trường, không chỉ có kỹ năng về chuyên môn mà cả về văn hóa ứng xử.