Quảng Nam phản hồi việc di chuyển Nhà máy thép Việt-Pháp
Ngày 11/10, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết đã có văn bản phản hồi với UBND thành phố Đà Nẵng về việc di dời Nhà máy thép Việt–Pháp (NMTVP).
Người dân tập trung phản đối Nhà máy thép Việt-Pháp gây ô nhiễm ở thị xã Điện Bàn.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, việc trả lời về vấn đề di dời NMTVP nhằm phúc đáp Công văn số 8212/UBND-TNMT ngày 6/10/2016 của UBND thành phố Đà Nẵng bày tỏ những quan ngại liên quan đến việc đầu tư dự án NMTVP tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.
Văn bản này nêu rõ: Từ năm 2010, tỉnh Quảng Nam đã thống nhất cho phép đầu tư dự án NMTVP tại Cụm công nghiệp Thương Tín 1, trên địa bàn huyện Điện Bàn, với quy mô 3ha.
Tuy nhiên, khi nhà máy đi vào hoạt động đã gây ra tiếng ồn và khí thải từ ống khói, mặt khác do gần với khu vực đông dân cư nên dẫn đến sự phản đối của người dân.
Tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo công ty thực hiện các giải pháp để khắc phục, hạn chế ô nhiễm và đã tổ chức rất nhiều đợt kiểm tra, giám sát quá trình hoạt động, tiến hành phân tích các mẫu khí thải (8 lần) và các thông số thu thập được đều nằm trong giới hạn cho phép.
Để giải quyết ý kiến của người dân, đảm bảo hài hòa các lợi ích và theo đề nghị của UBND thị xã Điện Bàn, UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất chủ trương di dời nhà máy tới khu vực xa dân cư, phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh.
Qua quá trình khảo sát, UBND tỉnh thống nhất cho Công ty TNHH thép Việt - Pháp nghiên cứu, di dời đến địa chỉ nói trên. Hiện công ty đang lập các thủ tục đánh giá tác động môi trưởng để tỉnh Quảng Nam xem xét, quyết định.
Trong văn bản này, UBND tỉnh khẳng định: “Nhà máy không luyện quặng sắt để sản xuất phôi thép như một số báo phản ánh. Nhà máy sử dụng công nghệ lò điện cảm ứng biến đổi điện năng thành nhiệt năng để nấu chảy nguyên liệu (sắt thép phế liệu) để sản xuất ra phôi thép nên chủ yếu phát sinh ra bụi, khí thải và tiềng ồn”.
Cụ thể, nước thải phát sinh chủ yếu là nước thải sinh hoạt với khối lượng khoảng 19,5m3/ngày, được xử lý sơ bộ sau đó qua bể kỵ khí có vách ngăn mỏng (Bastaf) đến bể hiếm khí, bể khử trùng và cuối cùng qua bể sinh học (có lót đáy) xử lý đạt quy chuẩn và thải ra môi trường); nước thải sản xuất chủ yếu là nước làm mát thiết bị được đưa vào bể tách dầu mỡ, bể lắng lọc chất thải rắn và được giảm nhiệt bằng tháp giải nhiệt, sau đó tuần hoàn tái sử dụng lại, không thải ra môi trường.
Đối với nguồn nước thải sản xuất của nhà máy là tuần hoàn không thải ra môi trường, không ảnh hưởng đến nguồn nước lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, không ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân tại thành phố Đà Nẵng.
Chính vì vậy, UBND tỉnh Quảng Nam không thông tin lấy ý kiến từ UBND thành phố Đà Nẵng đối với việc nghiên cứu đầu tư thực hiện dự án này.
UBND tỉnh cũng khẳng định, trong quá trình đầu tư, phát triển KT – XH, tỉnh Quảng Nam xác định không đánh đổi môi trường để tăng trưởng và luôn quan tâm đến các tác động của các dự án đến đời sống nhân dân trong tỉnh và các khu vực lân cận, nhất là khu vực hạ du lưu vực các sông.