Truy tìm nguyên nhân bạo lực học đường

Phương Linh 12/10/2016 23:08

Đây là vấn đề được đặt ra tại Hội thảo “Xây dựng môi trường văn hoá trong trường học”, do Bộ GD&ĐT tổ chức tại Hà Nội, ngày 12/10.

Truy tìm nguyên nhân bạo lực học đường

Nâng cao kỹ năng ứng phó với nạn bạo lực học đường cho học sinh.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã kể lại những vụ việc đáng tiếc xảy ra trong thời gian gần đây, như vụ em học sinh “câu like” đốt trường, hay một số vụ việc đánh nhau, tự tử xảy ra trong các nhà trường.

Qua đó Thứ trưởng đặt ra câu hỏi: Tại sao vẫn xảy ra bạo lực học đường? Nguyên nhân có phải vì môi trường văn hóa của chúng ta chưa tốt?

Khẩu hiệu phải đơn giản, dễ hiểu

Tại Hội thảo, đại diện các Sở GD&ĐT, các nhà trường từ mầm non đến đại học đã cùng chia sẻ, bàn luận về vấn đề xây dựng văn hóa trong nhà trường, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc xây dựng khẩu hiệu và bộ quy tắc ứng xử.

Các đại biểu tại Hội thảo đều nhất trí, trong thời gian qua các nhà trường đã chú trọng xây dựng môi trường văn hóa. Các trường từ mầm non đến phổ thông, đại học đều đã xây dựng quy tắc ứng xử ở mức độ khác nhau, cũng như đều đã cố gắng để hoàn thành, xây dựng cảnh quan, khuôn viên nhà trường, đặc biệt là hệ thống khẩu hiệu tốt.

Đã có những đáp ứng yêu cầu, thể hiện tôn chỉ mục đích của nhà trường, trách nhiệm của nhà trường… Tuy nhiên, nhìn tổng thể chung còn rất nhiều vấn đề bất cập, trong đó nổi bật lên là vấn đề về khẩu hiệu.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, đây là một trong những vấn đề của văn hóa nhà trường cần chú ý, vì còn làm chưa thật sự tốt. “Tôi từng đến một trường THPT chuyên nhưng thấy có rất ít khẩu hiệu.

Trong số rất ít khẩu hiệu ấy lại có treo khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui”, tôi thấy đây là khẩu hiệu dành cho tiểu học chứ sao lại THPT. Trong khi, khẩu hiệu đó còn sai so với cấp tiểu học, vì tiểu học các trường để khẩu hiệu “Mỗi ngày dến trường là một ngày vui” chứ không phải “một niềm vui”…

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Gần đây, ngay cả Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng rất quan tâm đến vấn đề khẩu hiệu trong trường học.

Phó Thủ tướng từng quán triệt, cần phải có hướng dẫn về việc treo khẩu hiệu trong nhà trường, bởi hiện nay rất tùy tiện trong việc treo khẩu hiệu. Có những trường thì rất ít còn có những trường thì lại quá lạm dụng.

Nhắc đến khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”, Thứ trưởng Nghĩa nói rằng, bây giờ treo thì tất cả học sinh có hiểu “Tiên học lễ, hậu học văn” là gì không? Tức là khẩu hiệu phải làm thế nào để cho học sinh hiểu, dễ nhớ, dễ gây ấn tượng.

Với khẩu hiệu này, có thể cấp THPT các em hiểu được đầu tiên phải là lễ nghĩa, đạo đức, sau đó mới đến văn hóa. Nhưng đối với các em ở tiểu học khó mà hiểu được. Cho nên khẩu hiệu phải phù hợp với từng độ tuổi, từng cấp học.

Đây cũng là ý kiến của TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Đinh Tiên Hoàng. Ông Lâm cho rằng: Khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” không nên viết trong các nhà trường.

Vì trẻ con có biết gì đâu, nên lại phải giải thích “tiên” là cái gì, “lễ”, “hậu”, “văn” là cái gì thì khẩu hiệu không còn ý nghĩa. Khẩu hiệu phải đơn giản, dễ hiểu, thôi thúc được học sinh.

Quy tắc ứng xử trong nhà trường chưa tốt

Tiếp tục trao đổi về vấn đề ứng xử văn hóa trong nhà trường, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhìn nhận thực trạng: Hiện nay có nhiều trường xây dựng được bộ quy tắc ứng xử nhưng chưa thực hiện.

Tại sao vẫn xảy ra bạo lực học đường? Nguyên nhân có phải vì môi trường văn hóa của chúng ta chưa tốt không? Vì chúng ta chưa thực hiện quy tắc ứng xử không?

Đã có Nghị quyết 33 quy định mỗi trường học phải thực sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống.

Và muốn xây dựng một nhà trường trở thành một trung tâm văn hóa giáo dục thì vai trò trước hết phải là đội ngũ nhà giáo, ứng xử giữa thầy và trò, thầy và thầy.

Nhiều trường chúng ta vẫn chưa làm được. Thời gian gần đây đã có rất nhiều các vụ việc đáng tiếc xảy ra, ví dụ như học sinh đánh nhau, hay có học sinh lên facebook nói rằng đủ like thì đốt trường…

Những vụ việc xảy ra đều rất đau lòng, việc tìm ra giải pháp để khắc phục như thế nào là điều mà tất cả chúng ta cần suy ngẫm.

Vấn đề đặt ra là phải xây dựng được môi trường văn hóa trong nhà trường. Nếu ở đâu, nhà trường nào mà xây dựng được môi trường thực sự lành mạnh, thân thiện thì ở đó quan hệ giữa trò và trò, thầy và thầy, thầy và trò lành mạnh.

Và ở đâu học sinh là đối tượng trung tâm thì tôi nghĩ ở đó các em sẽ được phát triển tốt, hoàn thiện nhân cách. Đó cũng là yếu tố để nâng cao chất lượng văn hóa lên.

Qua Hội thảo, các đại biểu có mặt cũng đã cùng góp ý kiến, thống nhất hành động về văn hóa trong nhà trường, trong thời gian tới sẽ làm tốt hơn nữa xây dựng môi trường văn hóa học đường.

Thảo luận cơ bản thống nhất nguyên tắc khẩu hiệu, từ mầm non đến đại học. Nội dung khẩu hiệu phải đảm bảo dễ nhớ, ưu Việt, không dùng từ địa phương, đảm bảo sự trong sáng của tiếng Việt. Quy tắc ứng xử cũng phải thường xuyên rà soát, điều chỉnh phù hợp…

Phương Linh