Kiếm sống mùa lũ cạn
Hằng năm, dù nước lũ về cao hay thấp, những hộ không ruộng đất hoặc ít đất mưu sinh bằng nghề giăng lưới, giăng câu, bắt cua, bắt ốc, hái rau nhút, bông điển điển, cào hến,… Việc làm tuy vất vả, nhưng bà con có thêm thu nhập, giải quyết khó khăn trong cuộc sống.
Cào hến đem lại thu nhập khá.
Hơn tháng qua, khi nước lên cao, mỗi ngày, vợ chồng anh Nguyễn Văn Bé Ba, ở xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh lại chống xuồng đi kéo lưới bắt cá, bắt ốc mưu sinh. Phương tiện đánh bắt của anh là một tay lưới dài khoảng 5m, 2 cây vợt bắt ốc và chiếc xuồng nhỏ.
Anh Nguyễn Văn Bé Ba cho biết: “Gia đình không có ruộng đất, vợ chồng làm thuê để kiếm sống, lo cho các con nhỏ. Năm nào, cứ đến mùa nước về thì chúng tôi quay sang vớt ốc, kéo cá bán.
Hiện tuy nước trên đồng không cao bằng mọi năm và nguồn lợi thủy sản cũng ít hơn nhưng mỗi ngày kiếm cũng được khoảng trăm ngàn, khá hơn khi nước kiệt.
Anh Võ Văn Tân, ở xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh cho biết: Năm nào nước lũ về ít, người dân kéo lưới như chúng tôi chèo xuồng đi cả chục cây số đến những cánh đồng lớn của tỉnh An Giang để đánh bắt thủy sản, kiếm sống.
Mỗi đêm, vợ chồng tôi đều đặt lợp, kéo cá trên các con sông, rạch. Cuộc sống tuy cực nhưng mỗi ngày kiếm cũng được trăm ngàn thu nhập khá hơn đi làm thuê, làm mướn.
Đến làng cào hến ấp Vĩnh Lân, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, bà con cho biết nghề cào hến làm được quanh năm từ tháng 8 trở đi nhộn nhịp hơn so với những tháng trước. Nhờ có nước phù sa đổ về nên hến mập hơn, sinh sản và dễ bắt hơn những tháng trước.
Đến mùa này, hàng trăm người dân cào hến. Ông Nguyễn Văn Bột, người có “thâm niên” trong nghề cào hến, cho biết: “Cào hến phải trông chờ vào thời tiết, thời điểm nhiều hến nhất bắt đầu khi gió bấc thổi về. Cả một khúc sông trở nên nhộn nhịp hơn.
Nhiều hộ ở làng hến này bắt đầu sửa chữa ghe, xuồng, sắm thêm giàn cào để vào mùa bắt hến.
Theo UBND xã Vĩnh Trinh, làng cào hến ấp Vĩnh Lân đã hình thành hàng chục năm nay, với hơn 100 hộ chuyên sống bằng nghề cào hến. Khác với nghề giăng câu, kéo lưới, nghề cào hến làm việc ban ngày từ sáng sớm đến xế trưa thì nghỉ.
Ông Nguyễn Văn Bột cho biết: Trước đây, muốn bắt được hến, bà con phải ngụp lặn dưới nước, bắt hến bằng tay, cào bằng rổ… nên bị đứt tay, đứt chân. Vì thế, nghề bắt hến được nhiều người gọi vui là nghề “Đày thân nuôi miệng”.
Ngày nay, bà con tự nghĩ ra cách làm giàn cào tay có gắn khung sắt và bao lưới để hến nằm gọn trong lưới. Khi cảm thấy hến vô đầy lưới thì nhấc giàn cào lên, dạo cho hết bùn rồi đổ hến vào khoang xuồng.
Với cách làm này, một người có thể cào khoảng 10 giạ hến, tương đương 300-400kg mỗi ngày, bắt được nhiều hơn gấp 2-3 lần cào bằng tay.
Nhà nào có tiền thì trang bị ghe máy gắn thêm giàn lưới và chiếc lồng sắt có nhiều chân thả chìm xuống đáy sông. Khi ghe chạy kéo các chân sắt cào sâu xuống đáy; hến, vẹm, ốc gạo “chui” vào lồng rồi nằm gọn trong lưới. Người đi cào chỉ việc ngồi trên ghe, khi nào cảm thấy hến vô đầy lưới thì kéo giàn cào lên.
Ở huyện Vĩnh Thạnh, hiện nay có trên 5 điểm thu mua ốc, cá, tép, cua, hến... Các cơ sở này tiêu thụ sản phẩm đánh bắt của bà con.
Ông Phan Văn Năm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Nghề bắt ốc, cào hến hình thành đã góp phần giải quyết khó khăn cho nhiều hộ gia đình tại địa phương, giúp bà con ổn định cuộc sống.
Các cơ sở này đều được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động hoặc mở thêm các điểm thu mua ở các xã vùng sâu khác; hướng dẫn, tổ chức sản xuất, thu mua theo hình thức tổ hợp tác”.
Một số hộ ở các huyện đầu nguồn của tỉnh An Giang, Đồng Tháp bà con mưu sinh bằng nghề hái bông điên điển, hái bông súng, trồng rau nhút, bán mỗi ngày cũng được từ 60.000 đồng đến hơn 100.000 đồng.