Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Vừa qua, tại vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên một số loại dịch hại phát sinh và gia tăng gây hại nghiêm trọng trên các loại cây trồng chính như hồ tiêu, thanh long gây thiệt hại lớn đối với nông dân… trong khi đó công tác chỉ đạo, dự báo và những giải pháp lại hời hợt, không đưa ra được những biện pháp cụ thể.
Nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả từ vùng hạn.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đã kiểm điểm trực tiếp đối với Cục Bảo vệ thực vật tại hội nghị “Sơ kết sản xuất vụ Hè Thu, vụ Mùa và cả năm 2016, triển khai sản xuất vụ Đông Xuân 2016-2017 các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên”, diễn ra tại Ninh Thuận vào sáng ngày 13/10.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh cho biết, vụ Hè Thu- vụ Mùa 2016, El Nino tiếp tục gây ảnh hưởng gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Các khu vực bị ảnh hưởng nặng, chủ yếu tập trung tại các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Chỉ tính riêng các tỉnh Nam Trung bộ trong vụ Đông Xuân 2015-2016 đã có gần 23.000ha đất lúa phải dừng sản xuất do không đủ nước tưới. Vụ Hè Thu năm 2016, có khoảng 17.500 ha đất lúa phải dừng sản xuất. Trong khi đó, khu vực Tây Nguyên, hạn hán ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2014-2015 và 2015-2016. Nguyên nhân chính hạn hán ở khu vực này là thiếu hụt lượng mưa mùa khô, dẫn không đủ cung cấp nước cho cây trồng.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, diện tích lúa toàn vùng năm 2016 là 741.422 ha, giảm 15.694 ha. Đối với cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày luôn được các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên quan tâm chỉ đạo phát triển và góp phần quan trọng trong cơ cấu cây trồng của vùng. Tuy nhiên do hạn hán đầu vụ, diện tích một số cây màu vụ Hè Thu, Mùa 2016 có giảm như: ngô, lạc, vừng, sắn, mía.
Đối với cây công nghiệp dài ngày, các tỉnh đã tập trung chỉ đạo tốt việc khắc phục hậu quả do hạn hán gây ra, khôi phục sản xuất trên cây cà phê, hồ tiêu,… giúp cây trồng phục hồi tốt, ổn định lại năng suất ở các mùa vụ sau. Bên cạnh đó, các mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa cho năng suất và hiệu quả cao như: ngô, lạc, vừng, rau đậu các loại…Điển hình tại Ninh Thuận, cây đậu xanh, năng suất bình quân 8,5 tạ/ha và giá bán là 25.000 đồng/kg, thu được 21,25 triệu đồng/ha, trừ đi chi phí đầu tư 12,5 triệu đồng/ha còn lại lãi thuần là 8,7 triệu đồng/ha.
Ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận chia sẻ: làm lúa thì nông dân không giàu được, vấn đề đặt ra của tỉnh là phải tái cơ cấu cây trồng chủ lực, trong đó, tỉnh sẽ bổ sung cây hồ tiêu và cây chuối bên cạnh cây thanh long. Nông dân hiện nay đã chủ động sống chung với hạn, tuy nhiên, nông dân quan tâm nhất là đầu ra của sản phẩm, các bộ ngành cần quan tâm xúc tiến thương mại giúp nông dân yên tâm sản xuất.
Còn ông Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận cho biết: Trong đợt hạn hán vừa qua, tỉnh Ninh Thuận thiệt hại hơn 200 tỷ đồng, trong đó trồng trọt chiếm hơn 183 tỷ đồng, thiệt hại tăng gấp đôi năm 2015. Các đàn gia súc trên địa bàn tỉnh đang trong giai đoạn suy dinh dưỡng. Do đó, phương châm của tỉnh là tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn với biến đổi khí hậu và tỉnh sẽ dựa vào nguồn nước dự trữ để chuyển đổi cây trồng trên từng vụ cụ thể.
TS. Trương Hồng, quyền Viện trưởng, Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết: Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng hiện hữu, ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất cà phê, hồ tiêu nói riêng. Về cây cà phê, hiện nay Viện có bộ giống cà phê vối chín trung bình, trung bình – hơi muộn và chín muộn phù hợp với tình hình hạn hán hiện nay, nên nông dân sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong tái canh cây cà phê trong thời gian tới. Bên cạnh đó, TS. Hồng khuyến cáo nông dân nên trồng xen, đa dạng hóa sản phẩm thu hoạch trên vườn cà phê vừa có tác dụng làm cây che bóng, vừa tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, góp phần đa dạng hóa sản phẩm và giảm thiểu rủi ro trong sản xuất độc canh cà phê.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, tình hình nguồn nước hiện nay các tỉnh Duyên hải Tây Nam Bộ và Tây Nguyên đã được cải thiện rất nhiều. Theo dự báo, lượng mưa các tháng tiếp theo khu vưc Nam Trung Bộ ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, đôi khi như thế lại là thời tiết cực đoan, vì vậy các tỉnh cần thận trọng, chủ động bố trí thời vụ cho từng tiểu vùng cho phù hợp nhằm tránh thiệt hại. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Mỗi địa phương lưu ý nên chọn 3-4 giống chủ lực để dễ kiểm soát, quản lý khâu dịch bệnh; đồng thời đẩy mạnh tưới tiết kiệm, thu gom nước, đặc biệt quyết liệt phòng trừ sâu bệnh, nhất là sâu bệnh trên cây ăn quả, hồ tiêu, sắn, mía…