Tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng

Hồ Hương (thực hiện) 16/10/2016 09:20

Không có chuyện thuế chồng lên thuế trong cách tính thuế xăng dầu cũng như việc giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu có tác dụng giữ ổn định giá xăng trước những cú sốc. Ông Phạm Đình Thi- Vụ trưởng Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, cách tính thuế của Việt Nam hợp lý với hội nhập kinh tế quốc tế.

(Ảnh: TL).

PV: Thưa ông, theo phản ánh hiện nay việc thu thuế xăng dầu có tình trạng thuế chồng lên thuế, người dân phải chịu thuế với tỷ trọng hơn 50% trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu?

Ông Phạm Đình Thi: Mỗi sắc thuế có một mục tiêu điều chỉnh khác nhau. Cụ thể, hiện tại đối với mặt hàng xăng: khi nhập khẩu, doanh nghiệp (DN) sẽ phải nộp thuế nhập khẩu, sau đó phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), tiếp đến là nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) tại khâu nhập khẩu. Xăng dầu còn phải chịu thêm thuế bảo vệ môi trường (3.000 đồng/lít), Quỹ bình ổn xăng dầu 300 đồng/lít và cuối cùng là thuế GTGT 10% giá bán. Không chỉ riêng Việt Nam, mà nhiều nước trên thế giới đã ban hành những sắc thuế như vậy.

Hiện nay tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng RON92 là 41,5%, dầu diezel là 22,5%, dầu hỏa là 11,4%. Tỷ trọng thuế này là không hề cao so với các nước trên thế giới. Tại Hàn Quốc các loại thuế chiếm tới 70,3% trong cơ cấu giá, trong đó thuế giao thông là 35,4% đối với xăng và 30% đối với dầu, còn lại là thuế GTGT và các sắc thuế khác”.

Riêng thuế GTGT, hiện nay Việt Nam là một trong số các quốc gia có mức thuế GTGT thấp nhất. Chúng ta có mức thuế xuất khẩu 0%, mức thuế thấp là 5% và mức thuế phổ thông là 10%. Trong khi đó Trung Quốc thuế xuất khẩu 0%, thấp nhất là 13% và mức phổ thông là 17%. Một số quốc gia có thuế GTGT rất cao như: Đan Mạch có một mức thuế là 25%, Ý 19%, Pháp là 19%... Ngay cạnh nước chúng ta như Lào, nếu cộng tất cả các sắc thuế thì tỷ trọng thuế trong giá chiếm 56%, trong đó: thuế nhập khẩu là 15%, thuế TTĐB là 2%, thuế GTGT 10%, phí cầu đường 6- 8%/lít xăng.

Theo công bố của một tạp chí uy tín của thế giới, giá bán lẻ mỗi lít xăng của Việt Nam hiện nay là 0,74 USD/lít, Trung Quốc là 0,94 USD/lít, Lào 1,09 USD/lít, Singapore là 1,34 USD/lít, Thái Lan 0,91 USD/lít, Philipines là 0,89 USD/lít, Hồng Kông 1,86 USD/lít... Điều này cho thấy thuế GTGT của Việt Nam đang áp dụng hiện nay là ở mức thấp so với nhiều nước trên thế giới.

Theo cách tính mới, thuế TTĐB được áp dụng từ ngày 1/7, được tính trên mức giá đầu ra (bao gồm cả các chi phí) thay vì chỉ tính trên giá nhập như trước. Việc áp dụng Nghị định 100/2016/NĐ-CP thay vì tính thuế TTĐB áp dụng với mặt hàng xăng là 10% tổng giá nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu, thuế TTĐB sẽ được tính dựa trên giá do cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra. Cách tính này sẽ khiến cho giá xăng cao hơn so cách tính cũ lên đến 200 đồng/lít?

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB quy định giá tính thuế TTĐB là giá bán ra của nhà nhập khẩu. Quy định này phù hợp với thông lệ quốc tế, là giải pháp chống chuyển giá từ nước ngoài vào Việt Nam, đảm bảo thu đúng, thu đủ cho ngân sách nhà nước.

Chẳng hạn như ở mặt hàng ôtô nhập khẩu về Việt Nam cũng vậy, chịu thuế nhập khẩu rồi đánh tiếp thuế tiêu thụ đặc biệt, rồi mới tính giá trị gia tăng… Đây cũng là cách tính mà nhiều quốc gia áp dụng Luật quy định thuế tiêu thụ đặc biệt tính theo giá nhà nhập khẩu bán ra, gồm cả khoản phụ thu, khoản thu khác nếu có. Tính như vậy là để công bằng với DN trong nước và nhập khẩu.

Nhiều đề xuất cho rằng nên bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Cách thu chi Quỹ này hiện nay chưa minh bạch, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Quan điểm của ông như thế nào?

- Quỹ bình ổn giá này giao cho các DN đầu mối thực hiện (25 DN đầu mối), chứ Bộ Tài chính không giữ và sử dụng quỹ này. Xăng dầu là mặt hàng đặc biệt, nên Nhà nước công bố giá cơ sở, DN bán xăng dầu không được bán cao hơn giá cơ sở. Theo Nghị định 83 của Chính phủ, khi giá xăng dầu tăng thì DN được sử dụng Quỹ bình ổn để bù lỗ. Như vậy, tiền của dân thì người dân vẫn được hưởng lợi, chứ Nhà nước không sử dụng số tiền đó.

Thưa ông, để hỗ trợ cho DNNVV, Bộ Tài chính quyết định giảm thuế thu nhập DN từ mức 20% như hiện hành về mức 17%. Thời gian áp dụng từ 2017 đến 2020. Tại sao lại giới hạn thời gian áp dụng thưa ông?

- Về kinh tế thế giới thì trong những năm gần đây tăng trưởng có chững lại; hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng, hiện chúng ta đang thực hiện các FTA. Để thực hiện chủ trương hỗ trợ cho DN phát triển, ngay từ đầu năm 2016, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã có Nghị quyết 01 về phát triển kinh tế xã hội và những giải pháp để thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của năm 2016.

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển DN. Mục tiêu của Nghị quyết 35 là nâng cao sức cạnh tranh của DN, phấn đấu đến năm 2020 chúng ta có khoảng hơn 1 triệu DN kinh doanh, và có nhiều DN không những có sức cạnh tranh trong nước, mà trên cả thị trường quốc tế.

Để phát triển DN, thì những DN nhỏ và vừa (DNNVV) cũng là một trong những đối tượng được các nước đang phát triển rất quan tâm. Bởi vì: Thứ nhất DNNVV mặc dù quy mô nhỏ nhưng lại giải quyết được vấn đề lao động, việc làm; thứ hai, các DN này là những DN dễ bị tổn thương nhất khi có biến động về kinh tế.

Trước bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Quốc hội rất nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho DN, trong đó chủ yếu tập trung vào những DNNVV. Bên cạnh đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước đang phát triển, đặc biệt là những nước gần chúng ta như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia… cũng đều có chính sách phát triển DNNVV.

Bộ Tài chính đề xuất thực hiện trong 4 năm, trong quá trình thực hiện Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tổng kết lý luận và thực tiễn để nghiên cứu khi sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN.

Có ý kiến cho rằng mức giảm thuế 17% là hơi thấp, đáng lẽ ra nên giảm 15%. Ý kiến của ông?

- Có quan điểm cho rằng cần phải ưu đãi ở mức cao hơn nữa. Nhưng cũng có quan điểm lại cho rằng thuế chỉ là một trong những yếu tố có tác động rất nhỏ đến việc phát triển của DN. Vấn đề không phải là giảm thuế, mà chúng ta phải làm sao tạo lập một môi trường kinh doanh thật là bình đẳng để tạo điều kiện cho DN được cạnh tranh một cách lành mạnh.

Theo số liệu số thu thuế TNDN năm 2015 cho thấy: nếu xác định DNNVV theo tiêu chí doanh thu năm trước liền kề không quá 20 tỷ đồng như quy định tại Luật thuế TNDN số 32/2013/QH13 thì số lượng doanh nghiệp này mặc dù chiếm đến 86,2% nhưng số thu về thuế TNDN chỉ có 2.746 tỷ đồng; còn nếu nâng mức doanh thu lên 100 tỷ đồng như đề xuất tại dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV thì số lượng doanh nghiệp chiếm 95,2% (tăng 9% so với số doanh nghiệp có mức doanh thu không quá 20 tỷ đồng) là số thu về thuế TNDN là 8.710 tỷ đồng (tăng 5.964 tỷ đồng so với DN có mức doanh thu không quá 20 tỷ đồng). Do đó, nếu xác định DNNVV được áp dụng thuế suất 17% theo tiêu chí doanh thu năm không quá 100 tỷ đồng thì mức giảm thu ngân sách khoảng 1.500 tỷ đồng/năm, còn nếu xác định DNNVV theo tiêu chí doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng thì mức giảm thu ngân sách chỉ khoảng 473 tỷ đồng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hồ Hương (thực hiện)