Bóng chuyền vẫn giậm chân tại chỗ

Việt An 16/10/2016 10:10

Với nỗ lực đưa bóng chuyền Việt Nam lên một tầm cao mới, từ năm 2013, lần đầu tiên bóng chuyền Việt Nam có những thay đổi mang tính cách mạng, nhằm nâng chất các giả đấu trong hệ thống quốc gia, để từ đó làm nền móng cho ĐTQG nam, nữ. Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) hy vọng những thay đổi này sẽ tạo ra cú đột phá, nhưng sau 3 năm mọi thứ dường như không có nhiều thay đổi…

Sau 9 mùa giải, bắt đầu từ năm 2013, các giải nằm trong hệ thống thi đấu quốc gia sẽ chính thức không sử dụng ngoại binh. Đây là quyết định đã được VFV bàn bạc, lấy ý kiến và tiến hành làm quen ngay trong năm 2011 (rút từ 2 xuống còn 1 ngoại binh mỗi đội).

Một lãnh đạo Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam cho biết, việc cấm ngoại binh không nằm ngoài mục đích giúp các VĐV trẻ có cơ hội được thi đấu nhiều hơn, giúp các đội giảm bớt kinh phí.

Quy định này của VFV đang nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của những đội bóng nghèo, quanh năm chỉ lo trụ hạng. Những đội bóng này gặp thiệt thòi lớn, khi không có nhiều kinh phí thuê ngoại binh “xịn”, nên an phận “chiếu dưới” suốt nhiều năm qua.

Tuy nhiên, với những đội đang chủ yếu dựa vào ngoại binh thì quy định của VFV thực sự khiến họ bị hẫng. Những đội này khẳng định, ngay cả khi trong đội có nhiều ngoại binh, nhưng công tác đào tạo trẻ vẫn làm tốt. Còn chuyện kinh phí, bóng chuyền là môn làm công tác xã hội hóa không quá khó, nếu như có sự chung tay của các địa phương. Vì thế mà mỗi mùa giải bỏ ra vài trăm triệu thuê một ngoại binh, là chuyện nằm trong khả năng.

Thực tế trong những năm VFV chưa đưa ra lệnh cấm sử dụng ngoại binh, VĐV nội được học hỏi nhiều từ tác phong chuyên nghiệp, có sự cạnh tranh cao. Đặc biệt, có ngoại binh sẽ giúp chất lượng các trận nâng lên rõ rệt, đó là chưa kể có ngoại binh sẽ giúp các trận đấu hấp dẫn hơn, đồng nghĩa với việc khán giả sẽ đến sân đông hơn.

Nên nhớ là ở các giải VĐQG trên thế giới và ngay cả Đông Nam Á, các nước vẫn sử dụng nhiều ngoại binh, nhưng chất lượng đào tạo trẻ không hề đi xuống. Ví dụ như ở Nga, họ còn sử dụng tới 3 ngoại binh trong một trận đấu của giải VĐQG.

Dẫu sao thì quy định đã được thông qua và các đội bắt buộc phải tuân thủ, nhưng sau 3 năm triển khai, bóng chuyền Việt Nam gần như không tiến lên được chút nào, thậm chí còn giậm chân tại chỗ hay thụt lùi với một số quốc gia trong khu vực.

Bóng chuyền Việt Nam đang đi xuống và những thay đổi lúc này là rất cần thiết. Tuy nhiên, muốn sự thay đổi đó có trở thành đột phá hay không, thì cũng cần dựa theo thực tiễn, có sự phù hợp với nhiều yếu tố mang tính đặc thù của bóng chuyền Việt Nam.

Việt An