Lại ngồi nhầm lớp

Thu Minh 16/10/2016 10:36

Những ngày vừa qua, dư luận xôn xao về việc một em học sinh lớp 6 bị trả về lớp 1 vì không biết đọc, biết viết. Điều mà người ta vô cùng băn khoăn ấy là tại sao em này vẫn vượt qua được nhiều lớp ở bậc Tiểu học và vượt cấp để lên lớp 6?

Ảnh minh họa.

Là người công tác nhiều năm trong ngành giáo dục tiểu học, TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết bà không cảm thấy ngạc nhiên, vì hiện tượng “ngồi nhầm lớp” năm nào cũng có ở nhiều nơi. Theo bà Hương, lỗi xuất phát từ phía gia đình và nhà trường. Nền giáo dục hiện tại đánh giá giáo viên, nhà trường bằng thành tích của học sinh nên khi bị áp lực, họ ép buộc đứa trẻ lên lớp, dù cháu chưa đủ khả năng.

Riêng về phía gia đình, khi con học yếu đến nỗi không thể biết đọc, viết, bố mẹ vẫn chỉ băn khoăn mà không cương quyết cho con học lại sớm để con lên đến lớp thì quả đáng trách. Có thể gia đình và bản thân em học sinh rất đau lòng, thậm chí buồn chán pha chút tủi hổ. Nhưng đối với những người làm giáo dục, không có gì đáng hổ thẹn hơn việc một học sinh bị trường cấp hai từ chối tiếp nhận và trả lại.

Khi sự việc xảy ra, có nhiều lời trách móc cũng như quy kết trách nhiệm cho những giáo viên trực tiếp dạy em. Tất nhiên, sự vô trách nhiệm hoặc dễ dãi trong giáo dục, ở đây có cả sự thương cảm… những biểu hiện rất phổ biến ở chốn học đường đã đẩy em học sinh này vào việc phải bước đường cùng. Chính sự nỗ lực vì thành tích của mọi giáo viên, người ta nhìn thấy căn “bệnh thành tích” thái quá vẫn đeo đẳng ngành giáo dục.

Nhiều năm trước, Bộ GD&ĐT có phong trào “Nói không với bệnh thành tích trong giáo dục”, trong đó khẳng định cần chấm dứt tình trạng học sinh không đạt yêu cầu tối thiểu về kết quả học tập mà vẫn cho lên lớp. Nhưng thực tế căn bệnh này vẫn tồn tại mà trường hợp của em học sinh này là một điển hình đau lòng.

Nhiều chuyên gia giáo dục khác thì cho rằng “ngồi nhầm lớp” còn có nguyên nhân từ việc đánh giá con người sai lệch. Việc đánh giá giáo viên, nhà trường xưa nay thường dựa vào thành tích của học sinh mà việc này thực tế là không chính xác và mang nhiều hệ lụy. Giáo viên giỏi phải là người trợ giúp hiệu quả, biết động viên và hỗ trợ để học sinh của mình tiến bộ.Từ đó học sinh xem việc học là niềm vui và tự mình phấn đấu.

Hãy để học sinh đứng đúng vị trí trong bậc thang kiến thức của chính mình. Đừng bắt các em học phải gánh vác trọng trách thành tích cho trường lớp và thỏa mãn sự tự hào của phụ huynh, càng không phải ganh đua với chúng bạn. Hãy khuyến khích các em từng bước vượt qua những giới hạn năng lực của chính bản thân. Làm được điều đó, giáo dục của chúng ta chắc chắn sẽ bền vững và mạnh mẽ.

Thu Minh