Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Thừa Thiên Huế cần sơ tán người dân trong vùng nguy hiểm
Làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế chiều ngày 15/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tỉnh cần phải kiên quyết sơ tán các hộ dân sinh sống tại các vùng nguy hiểm có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn...
Nhiều di tích lịch sử của cố đô Huế bị nhấn chìm trong nước lũ. (Nguồn: VGP).
Trước khi ra Quảng Bình trực tiếp kiểm tra tình hình lũ lụt, chiều 15/10 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Cao: từ đêm 13 đến rạng sáng 14/10, do có gió mạnh và mưa lớn ( Bạch Mã 360mm) nên trên địa bàn Thừa Thiên Huế đã có 2 người chết và 2 người bị thương; 06 ngôi nhà bị sập, 334 nhà bị tốc mái ; gần 250 ha hoa màu bị ngập;130 ha nuôi thủy sản hạ triều bị vỡ; 400 cây xanh lâu năm khu vực đô thị bị gãy đổ.
Nhiều tuyến đường đô thị, các tỉnh lộ 4, 17, quốc lộ 49B bị ngập nặng hoặc bị sạt lở; một số công trình hạ tầng viễn thông, điện lực bị ảnh hưởng…
Nhiều đoạn bờ sông, bờ biển bị sạt lở nặng, uy hiếp đến sự an toàn của một số hộ dân sống ven sông. Ước tính thiệt hại về vật chất là 12,5 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao sự chủ động ứng phó với mưa lũ của Thừa Thiên-Huế và đề nghị địa phương cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, đặc biệt là diễn biến của cơn bão số 7 để triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó; trong đó phải kiên quyết sơ tán các hộ dân sinh sống tại các vùng nguy hiểm có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; kịp thời huy động mọi phương tiện, lực lượng, bằng mọi biện pháp tiếp cận những khu dân cư bị ngập sâu, chia cắt; tổ chức cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho nhân dân, nhất là những người dân chưa kịp sơ tán tại các khu vực bị ngập sâu, không để người dân bị đói, khát; tập trung nỗ lực cao nhất tìm kiếm những người còn đang mất tích; tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, hỗ trợ cứu chữa người bị thương, mai táng chu đáo cho người bị thiệt mạng; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa; bảo đảm tốt công tác vệ sinh môi trường, không để xảy ra dịch bệnh khi nước rút.
Bên cạnh đó, Huế cần có các giải pháp để bảo vệ các công trình, di tích, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho khách du lịch.