Thay đổi tư duy, gỡ khó cho nền nông nghiệp

Anh Vũ Ảnh: Đàm Duy 16/10/2016 12:40

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, chúng ta đang sống trong 1 thế giới thay đổi vô cùng mạnh mẽ. Toàn cầu hóa làm cho cấu trúc kinh tế, trong đó có kinh tế nông nghiệp hoàn toàn thay đổi mà chủ chốt là việc hình thành chuỗi giá trị. Các mắt xích kinh tế không thể tách rời ra được mà phải cộng tác, hợp tác với nhau. Doanh nghiệp, nhà nông, nông dân nhỏ, ngân hàng, nhà khoa học….đều phải tham gia chuỗi.

Ngày 16/10 tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ NNPTNT, Bộ Công thương tổ chức Diễn đàn Nông dân Việt Nam 2016 với chủ đề “Nông dân toàn cầu- từ tư duy đến hành động”.

Tham dự diễn đàn, có GS.TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Ông Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ KHCN, Bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam…

GS.TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ
phát biểu tại Diễn đàn.

Dần dần đưa nông dân vào hợp tác xã

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, chúng ta đang sống trong 1 thế giới thay đổi vô cùng mạnh mẽ. Toàn cầu hóa làm cho cấu trúc kinh tế, trong đó có kinh tế nông nghiệp hoàn toàn thay đổi mà chủ chốt là việc hình thành chuỗi giá trị. Các mắt xích kinh tế không thể tách rời ra được mà phải cộng tác, hợp tác với nhau. Doanh nghiệp, nhà nông, nông dân nhỏ, ngân hàng, nhà khoa học….đều phải tham gia chuỗi.

Bà Phạm Chi Lan cho rằng, dù lớn dù nhỏ đều phải liên kết. Nông dân nhỏ, doanh nghiệp nhỏ phải liên kết để mạnh hơn. Doanh nghiệp lớn cũng không thể đứng 1 mình. Điển hình cho việc này những năm gần đây ở Việt Nam là tập đoàn Vingroup liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp nhỏ, Hợp tác xã, nông dân trong kinh doanh nông nghiệp”.

Về đường hướng phát triển nông nghiệp bền vững, theo bà Phạm Chi Lan, chúng ta phải đi từ từ, chứ không nhất thiết xóa bỏ ngay nông dân nhỏ. Dần dần đưa nông dân vào Hợp tác xã. Nông dân nhỏ và doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng hợp tác khai thác thị trường chứ không nhất thiết cứ phải là các tập đoàn lớn. Đó sẽ là cuộc chơi các bên sẽ là cùng thắng. Nông nghiệp Việt Nam đến nay vẫn là ngành có lợi thế cạnh tranh mạnh nhất so với các ngành.

Theo bà Phạm Chi Lan, nông nghiệp Việt Nam phải phát triển theo hướng tăng nhiều hơn về giá trị và giảm về chi phí đầu vào. Muốn làm được như vậy, Chính phủ phải kiến tạo chính sách, tạo không gian sân chơi công bằng, thông thoáng cho các nhà cùng vào cuộc chơi kinh doanh nông nghiêp.

“Cần có 1 cơ chế chính sách đất đai khác đi để nông dân, doanh nghiệp tích tụ ruộng đất, bảo hộ quyền sử dụng đất đai mạnh mẽ nhất cho nông dân, doanh nghiệp. Chính phủ kiến tạo chính sách tín dụng. Phải bỏ nhiều tín dụng nhiều hơn cho nhà khoa học nghiên cứu, cho nông dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kiến tạo chính sách về phát triển cơ sở hạ tầng, thông tin…” bà Chi Lan đặt vấn đề.

Ông Võ Quan Huy – Nông dân Việt Nam xuất sắc tỉnh Long An đặt vấn đề, để mà sản xuất, doanh nghiệp nông nghiệp chủ yếu tập trung vào 4 trụ cột là tư liệu sản xuất, vốn, công nghệ kỹ thuật, thị trường.

Theo ông Huy tư liệu sản xuất lớn nhất nông dân phải có là đất đai. Như tôi hiện đang canh tác 1.000 ha, trong đó đa phần là khai hoang và mua lại đất đai của nông dân. Nhưng mua đất xong phải cổ phần hoá, và cho thuê lại có thời giạn. Tức là phải làm 2 lần, chúng tôi không thể toàn tâm toàn ý, phải chọn giải pháp khác là nhờ người khác đứng tên. Nguy cơ xảy ra nhiều rủi ro, bức xúc sau này. Vốn đầu tư với các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng là một vấn đề lớn. Thay đổi công nghệ phải đầu tư hàng tỷ đồng, làm nhà kính phải từ 50 triệu đồng/m2. Người nông không thể vay được số tiền này không thể triển khai được.

“Về thị trường, để sản xuất hàng hoá đáp ứng thị trường phải có tiêu chuẩn. Người nông dân phải thay đổi tư duy, sản xuất ra những sản phẩm thị trường cần, người tiêu dùng chấp nhận. Nhà nước phải kiến tạo, tạo ra những liên kết để người nông dân là một mắt xích trong có chuỗi. Rất nhiều khó khăn nên người làm chính sách hãy đi xuống cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân thì mới dần dần tháo gỡ được.” ông Huy kiến nghị.

Chia sẻ về chính sách tín dụng đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (Agribank) Tiết Văn Thành cho biết, với quyết tâm thực hiện chủ trương của Chính phủ về gắn kết tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, Agribank sẽ dành tối thiểu 50.000 tỷ đồng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “Nông nghiệp sạch”.

“Đối tượng của chương trình là các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, với mong muốn khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, cung cấp nông sản thực phẩm chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng.”, ông Thành thông tin.

Lắng nghe để giải quyết những thách thức với nông nghiệp, nông dân

Phát biểu tại diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, khẳng định, trong thực tế, giai cấp nông dân đang đối diện với những thách thức lớn như vai trò chủ thể của nông dân trong các quyết sách chính trị ở nông thôn cũng còn nhiều bất cập. Những thách thức từ nền kinh tế thị trường, vấn đề ứng dụng khoa học kỹ thuật - công nghệ mới và thông tin thị trường vào sản xuất nông nghiệp đã được nhiều doanh nghiệp và nông dân giỏi ứng dụng thành công, nhưng nhìn toàn cục nền nông nghiệp, nói một cách thẳng thắn đây vẫn là khâu yếu.

Bên cạnh những ưu điểm về thị trường lao động giá rẻ, tài nguyên phong phú, sản xuất nông nghiệp của chúng ta đang gặp phải những điểm nghẽn chưa giải quyết được trên diện rộng, đó là chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động nhìn chung còn thấp và không đều; vấn đề phát triển không bền vững vì ô nhiễm môi trường nông thôn và chất lượng nguồn thực phẩm hàng hóa vẫn chưa đáp ứng thị trường, ngay cả với người tiêu dùng trong nước.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng, trong thời gian tới, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng sẽ mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra những khó khăn, thách thức gay gắt cho nền kinh tế nước ta và nông nghiệp nói riêng.

Thách thức lớn nhất và trực tiếp nhất là sức ép cạnh tranh sẽ gay gắt hơn trên cả 3 cấp độ: quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm. Dự báo các sản phẩm chăn nuôi, ngô, mía đường, thức ăn gia súc sẽ gặp bất lợi, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập và đời sống của người nông dân.

Phó Thủ tướng cũng nêu rõ có 4 vấn đề có tính thời sự cần quan tâm: Một là bối cảnh hội nhập và những vấn đề đặt ra với người nông dân. Hai là vấn đề chất lượng và an toàn các mặt hàng nông sản Việt Nam. Ba là vấn đề liên kết nông dân và doanh nghiệp. Bốn là cơ chế chính sách cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

“Việc lắng nghe các ý kiến phân tích, phát biểu thẳng thắn, trách nhiệm cao, đặc biệt là những đề xuất giải pháp chính sách, để giải quyết các bài toán tam nông, đẩy mạnh tái cơ cấu nông ngiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành luôn trân trọng, đánh giá cao và sẽ tích cực nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Diễn đàn trong xây dựng, tổ chức thực hiện thể chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam.”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định.

Kêu gọi ủng hộ, giúp đỡ đồng bào 5 tỉnh miền Trung

Tại diễn đàn, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn đã thay mặt Thường trực T.Ư Hội ND Việt Nam kêu gọi các đại biểu, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cán bộ, hội viên, nông dân cả nước hướng về 5 tỉnh miền Trung từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mưa lũ.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và ông Tiết Văn Thành - Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 24 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2016.

Anh Vũ Ảnh: Đàm Duy