Bất an 'chú hề quái dị'
Sự căng thẳng do trào lưu “chú hề quái dị” gây ra khiến người ta liên tưởng đến những vụ xả súng và mối đe dọa khủng bố ngày một gia tăng ở Mỹ. Đáng chú ý, làn sóng này đang lan rộng tới nhiều quốc gia. Người ta không biết bên trong trang phục giấu gì và đằng sau tấm mặt nạ là ai. “Rất có thể chúng hóa thân để thủ ác”- ông Ben Radford, tác giả cuộc nghiên cứu “những chú hề xấu” nói.
Cảnh sát ở bang Massachusetts (Mỹ) bao vây một “chú hề quái dị” (Ảnh: Global News).
Trước phản đối của cộng đồng, tiếp đó là sự “kiểm tra bất thường” của cảnh sát, một “cô” hề sống ở bang New Jersey (Mỹ) than thở: “Đây là công việc của tôi. Tôi kiếm sống bằng việc hóa thân thành hề. Tôi đã làm hề chuyên nghiệp trong 34 năm nhưng công việc của tôi đang bị hủy hoại”. Đây không phải là trường hợp hiếm hoi vì hầu hết những người hóa thân thành hề đều lo ngại khi phải đi làm việc ở khu vực khác, và nhất là các cuộc gọi mời làm việc đã ít đi.
Sở dĩ như vậy là do sự xuất hiện của “chú hề quái dị” bắt đầu từ thành phố Greenville, bang Nam Carolina hồi tháng 8 khi người dân địa phương cảnh báo về những người hóa trang thành hề lừa bọn trẻ vào rừng.
Chưa hết, “những chú hề quái dị” khó xác định danh tính còn là nghi can của những vụ tấn công bạo lực, kể cả cướp có vũ trang. Đã có trường học và khu chung cư phải đóng cửa vì những “chú hề quái dị” lởn vởn đầy đe dọa. “Không biết chúng sẽ gây ra hành động gì. Vì thế tốt nhất là đóng kín cửa”- một cư dân ở New Jersey nói.
Tới nay, trào lưu “chú hề quái dị” từ 10 bang của nước Mỹ đã lan sang Anh, Úc, New Zealand và gần đây nhất là Hà Lan. Hôm 10-10, một người trong trang phục hề với chiếc mặt nạ đáng sợ, tay cầm dao và búa được nhìn thấy gần một công viên ở thị trấn Oss, miền Nam Hà Lan. Một ngày sau đó, chú hề có vũ khí khác cũng được phát hiện tại thành phố Almere. Cả hai đã bị cảnh sát bắt giữ.
The Telegraph cho biết, cảnh sát Anh đã ghi nhận hàng chục trường hợp liên quan đến “chú hề quái dị”. Vì thế, nhà chức trách đã cảnh báo người dân không nên mặc trang phục chú hề đi hù dọa người khác vì có thể sẽ bị cảnh sát bắt giữ.
Một chú hề lạ xuất hiện tại khu vực khu dân cư hạt Greenville.
Theo Ben Radford- tác giả cuộc nghiên cứu “Những chú hề xấu” thì đây không phải lần đầu tiên nỗi ám ảnh về “chú hề quái dị” ám ảnh nước Mỹ. Vào năm 1981, người ta từng hoang mang về những người đàn ông đeo mặt nạ chú hề dụ dỗ trẻ em tại các trường học và công viên ở bang Massachusetts. “Đáng tiếc là khi đó không có ai bị bắt giữ nên sự việc diễn biến xấu hơn”- Radford nhận xét.
Tuy rằng vào thời điểm đó, cộng đồng đã lo ngại mối đe dọa đến từ những kẻ xấu trong hình hài chú hề có thể bắt cóc trẻ em, nhưng những khuyến nghị đã không được chính quyền tiếp thu. Radford cũng cho rằng, sự lan rộng của trào lưu hóa thân thành chú hề một phần nhờ mạng xã hội cổ xúy.
Trước sự hoang mang của cộng đồng, chính nhà văn Stephen King, tác giả cuốn tiểu thuyết về một gã hề đáng sợ, cũng phải lên tiếng kêu gọi mọi người bình tĩnh.
Vào khoảng tháng 8, ở bang Nam Carolina người ta tố cáo ai đó trong vai một chú hề đã dụ dỗ trẻ em vào rừng. Ngay sau đó, tại các bang như Bắc Carolina, Alabama, Massachusetts, New Jersey, Ohio, Oregon, và gần đây nhất là New York, người ta cũng nói về hiện tượng này.
Đặc biệt, hôm 5/10, sự việc một thằng hề cầm dao đuổi theo cậu bé 16 tuổi tại nhà ga tàu điện ngầm ở Manhattan, thì không còn là chuyện “mua vui” cho mọi người để kiếm tiền trên đường phố nữa.
Sự việc trở nên ầm ĩ hơn khi bị kích động bởi hiện tượng “chú hề bí ẩn” lên tới đỉnh điểm, hàng trăm sinh viên Trường Đại học Bang Pennsylvania tổ chức một cuộc “đi săn” vì có tin đồn một tên hề đang lảng vảng quanh trường.
Ít nhất 500 sinh viên, la hét ồn ào, đổ ra các con phố ngay giữa đêm để săn tìm tên hề. Họ cầm theo vợt tennis, gậy bóng chày, gậy khúc côn cầu làm vũ khí. Tuy nhiên, cuộc tìm kiếm không đem lại kết quả.
“May mà tên hề không bị bắt. Nếu không, không thể nói điều gì sẽ xảy ra khi mà hàng trăm người cầm gậy gộc trong tay”- Mike Nelson, đại diện cảnh sát bang Pennsylvania nói. Câu chuyện li kỳ thêm khi Trưởng ban phòng chống khủng bố Sở Cảnh sát New York John Miller xác nhận thông tin về những bức ảnh thằng hề cầm súng trường đứng trên một cây cầu cách thành phố New York 100km về phía Bắc.
Trong tuần đầu mùa Halloween tại Mỹ, nỗi ám ảnh của “chú hề quái dị” càng gia tăng. Người ta không thể phân biệt được đâu là những người hóa trang cốt làm vui cho mình và mọi người, với việc kẻ nào đó lợi dụng lễ Halloween để “biến hình” che giấu những hành động xấu.
Drew Pinciaro- Phát ngôn viên của cơ quan an ninh hạt Greenville cho biết, những thông tin họ có được do người dân cũng cấp thì tất cả những chú hề đều bước ra từ những khu rừng và rồi cũng lại biến mất vào rừng một cách bí hiểm.
James Arnold- một người sống trong khu Fleetwood Manor nói rằng, “tôi sẽ giết chết chúng nếu chúng làm hại con tôi”. Chính vì “thái độ của dân chúng” dữ tợn như vậy, nên cảnh sát cũng như chính quyền đã phải liên tục khuyến cáo cho dù là vui vẻ hay là kiếm sống đi chăng nữa, thì những người trong vai “chú hề quái dị” cũng không nên ra đường trong thời điểm này.